(Xây dựng) - Ngày 13/4, tại thành phố Quy Nhơn, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định tổ chức Hội thảo tham vấn về giải pháp và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Hội thảo tham vấn về giải pháp và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. |
Toàn tỉnh Bình Định hiện có 5 doanh nghiệp, 9 đơn vị sự nghiệp công ích, 17 hợp tác xã và 25 cá nhân tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tần suất thu gom, khu vực đô thị, dao động trung bình khoảng 1-3 lần/tuần (trừ nội thành thành phố Quy Nhơn 7 lần/tuần). Khu vực nông thôn, tần suất thu gom thấp, từ 1-2 lần/tuần.
Hiện có 5 bãi chôn lấp chất thải rắn cấp huyện xây dựng đảm bảo hợp vệ sinh (Thành phố Quy Nhơn, huyện Tây Sơn, huyện Phù Cát, huyện Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn), các bãi chôn lấp chất thải rắn tại các huyện còn lại chưa được xây dựng đúng quy định (trừ huyện Tuy Phước không quy hoạch bãi chôn lấp).
Ngoài ra, tại các địa phương có 28 bãi chôn lấp chất thải rắn cấp xã và nhiều ô chôn lấp cấp thôn. Tất cả không được xây dựng đảm bảo theo quy định, đều đang gây ô nhiễm môi trường. Công tác quản lý và vận hành các bãi chôn lấp chủ yếu được giao cho các các đơn vị sự nghiệp, công ích. Lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đảm bảo theo quy định (chôn lấp hợp vệ sinh) khoảng 507,08 tấn/ngày, đạt 49,22%.
Hiện nay có 5 dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang triển khai xây dựng, dự kiến sẽ hoạt động trong năm 2023. Đối với các dự án xử lý chất thải rắn do nhà đầu tư thực hiện thì có 3 dự án đã có chủ trương đầu tư, nhưng đến nay chưa triển khai.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham vấn ý kiến các chuyên gia, các doanh nghiệp định hướng kêu gọi đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt. |
Qua quy hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo vùng của tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bình Định hướng tới quy hoạch khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức xã hội hóa tại 3 vùng, gồm: Phía Bắc tỉnh sẽ đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại thị xã Hoài Nhơn tiếp nhận lượng rác thải của thị xã Hoài Nhơn và các huyện Hoài Ân, An Lão, Phù Mỹ với công suất 250 tấn/ngày (năm 2025), 350 tấn/ngày (năm 2030);
Phía Tây tỉnh đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Tây Sơn xử lý rác thải huyện Tây Sơn và huyện Vĩnh Thạnh với công suất 60 tấn/ngày (năm 2025), 100 tấn/ngày (năm 2030); phía Nam tỉnh đầu tư công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại bãi rác Long Mỹ (thành phố Quy Nhơn) để xử lý rác thải của thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và các huyện Vân Canh, Tuy Phước, Phù Cát với công suất 600 tấn/ngày (năm 2025), 800 tấn/ngày (năm 2030).
Sở Tài nguyên và Môi trường tham vấn ý kiến các chuyên gia, các doanh nghiệp định hướng kêu gọi đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại thị xã Hoài Nhơn, ứng dụng công nghệ hiện đại để giải quyết vấn đề cấp thiết cho thị xã Hoài Nhơn hiện đang quá tải trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng biện pháp chôn lấp.
Tại hội thảo, các chuyên gia, các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm hoạt động trên lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt cùng trao đổi, góp ý đề xuất với UBND tỉnh Bình Định, ngành Tài nguyên và Môi trường về một số giải pháp trong thu hút đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt; ứng dụng những công nghệ hiện đại, như: Xử lý rác thải tươi ủ phân compost; ủ rác thải để thu khí metan và phân compost; xây dựng bãi rác tuần hoàn; xử lý rác thải bằng đốt rác phát điện.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các doanh nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo đề xuất UBND tỉnh Bình Định những chính sách phù hợp thu hút các doanh nghiệp đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt; ban hành bộ tiêu chí về xử lý, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ứng dụng công nghệ hiện đại.
Mỹ Bình
Theo