(Xây dựng) - Tại dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất xử phạt đến 360 triệu đồng đối với vi phạm các quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước.
Vi phạm các quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước phạt đến 360 triệu đồng. |
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi không có biện pháp xử lý, kiểm soát, giám sát chất lượng nước thải, chất thải trước khi thải ra đất, nguồn nước đối với cơ sở đang hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước.
Theo dự thảo, phạt tiền từ 50 – 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
1- Khoan, đào, xây dựng nhà cửa, công trình, vật kiến trúc và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt lở bờ sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ.
2- Mở rộng quy mô bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất nguy hiểm, cơ sở sản xuất, chế biến có chất thải chứa thông số môi trường nguy hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước.
Phạt tiền từ 150 – 180 triệu đồng đối với hành vi xây dựng mới bệnh viện, cơ sở y tế điều trị bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất độc hại, cơ sở sản xuất, chế biến có nước thải chứa thông số môi trường nguy hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hành lang bảo vệ nguồn nước.
Dự thảo nêu rõ, hành vi khai thác trái phép cát, sỏi, bùn, đất và các loại khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, trong hành lang bảo vệ nguồn nước thì áp dụng hình thức xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản.
Xử phạt vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn nước
Theo dự thảo, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không thông báo, báo cáo kết quả trám lấp giếng không sử dụng đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không báo cáo kịp thời tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra sự cố bất thường về chất lượng nước, mực nước trong giếng khai thác theo quy định; không thực hiện trám lấp giếng sau khi đã sử dụng xong hoặc bị hỏng (cho từng giếng) đối với trường hợp không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất; không thông báo thời gian, địa điểm thực hiện thi công trám lấp giếng đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Bên cạnh đó, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Quản lý, vận hành công trình gây thất thoát, lãng phí nước; lắp đặt miệng ống giếng không đúng quy định; sử dụng hóa chất để ngâm, rửa giếng khoan không nằm trong Danh mục hóa chất được phép sử dụng; không phối hợp xây dựng phương án, lộ trình thực hiện các biện pháp cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất đối với công trình khai thác nước dưới đất của mình; không có chỉ dẫn về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; không kiểm soát, theo dõi các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.
Theo dự thảo, phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng đối với các hành vi sau: Không khắc phục sự cố bất thường về chất lượng nước, mực nước trong giếng khai thác do hoạt động khai thác của mình gây ra; không thực hiện các biện pháp bảo vệ nước dưới đất đối với hoạt động thiết kế, thi công các công trình khoan, đào, thí nghiệm trong các dự án điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác nước dưới đất theo quy định; không thực hiện trám lấp giếng không sử dụng đối với trường hợp phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất theo quy định...
Dự thảo đề xuất, hành vi không thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan khi thực hiện các hạng mục khoan, đào, thí nghiệm trong khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng công trình xây dựng, xây dựng công trình ngầm; thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí; xây dựng các hồ, bể chứa hoặc khu vực chứa nước thải, bã quặng và các chất thải lỏng khác trong hoạt động khai thác khoáng sản không tuân thủ các quy định, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, khoáng sản và pháp luật về tài nguyên nước dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất sẽ bị phạt tiền từ 80 – 90 triệu đồng.
Dự thảo đề xuất phạt tiền từ 140 – 160 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện các biện pháp cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất theo phương án đã được phê duyệt.
Xả nước thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt bị phạt từ 160 triệu đồng
Theo dự thảo, phạt tiền từ 160 – 180 triệu đồng đối với hành vi xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.
Phạt tiền từ 180 – 200 triệu đồng đối với hành vi xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất trong vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định.
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất trong vùng cấm khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt hộ gia đình.
Phạt tiền từ 220 – 250 triệu đồng đối với hành vi xả nước thải vào lòng đất thông qua các giếng khoan, giếng đào và các hình thức khác nhằm đưa nước thải vào trong lòng đất.
Dự thảo nêu rõ, mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo dự thảo, hành vi đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại, xả khí thải độc hại vào nguồn nước thì áp dụng hình thức xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Hành vi xả nước thải vào nguồn nước dưới đất; xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải vào nguồn nước mặt, nước biển thì áp dụng hình thức xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Hành vi không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, không xây dựng hệ thống thu gom tách riêng nước mưa, nước thải đối với các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở sản xuất, kinh doanh thì áp dụng hình thức xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Khánh Diệp
Theo