Thứ sáu 08/11/2024 01:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

10:08 | 07/07/2023

(Xây dựng) – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh
Ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Internet).

Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách Nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền thành phố và thành phố Thủ Đức.

Về quản lý đầu tư, HĐND Thành phố quyết định bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm thông qua việc giao UBND Thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm. HĐND Thành phố quy định tiêu chí, điều kiện, mức, nội dung, hình thức và thời gian hỗ trợ.

Về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD): HĐND thành phố quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận thành phố để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết cho phép thành phố được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa; được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án này.

Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu, với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách thành phố.

Thành phố cũng được hưởng nhiều cơ chế về tài chính, ngân sách Nhà nước. Trong đó, đáng chú ý, ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố; các khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố.

Căn cứ dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao và căn cứ vào tình hình thực tế của thành phố, HĐND Thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách thành phố bảo đảm phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.

Đặc biệt, thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Đồng thời, thành phố cũng được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.

Về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố, theo Nghị quyết của Quốc hội, danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược bao gồm: Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên; Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên; Đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên.

Bên cạnh đó, nghị quyết cho phép Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập Sở An toàn thực phẩm. Việc này thực hiện trên cơ sở chuyển chức năng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn thành phố từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cho Sở An toàn thực phẩm.

Nghị quyết cũng quy định UBND huyện thuộc thành phố có không quá 3 Phó Chủ tịch. Đối với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên thì UBND phường, xã, thị trấn có không quá 3 Phó Chủ tịch.

HĐND thành phố căn cứ quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn, quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại các xã, phường, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy...

UBND Thành phố có thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố bảo đảm các nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện theo quy định pháp luật; quyết định chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND Thành phố, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức...

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.

Ánh Dương

Theo

Cùng chuyên mục
  • Ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển không gian đô thị Bắc Giang sau sáp nhập

    (Xây dựng) - Đây là phát biểu của Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn tại buổi làm việc mới đây giữa Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang và Ban Thường vụ huyện Yên Dũng liên quan đến việc sáp nhập huyện Yên Dũng về thành phố Bắc Giang và các nội dung khác.

  • Bộ Xây dựng tổ chức “Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2024”

    (Xây dựng) - “Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam” được tổ chức thường niên để thúc đẩy đối thoại, hợp tác và trao đổi kiến thức giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, các viện, cơ sở nghiên cứu giáo dục, đào tạo, các đối tác phát triển quốc tế và các tổ chức cá nhân quan tâm đến phát triển đô thị.

  • Hà Nội: Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây sẽ diễn ra vào ngày 10/11

    (Xây dựng) - Ngày 10/11 tới đây, tại Sân khấu chính phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ diễn ra Chương trình Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã (1924 - 2024) và 555 năm danh xưng Sơn Tây (1469 - 2024).

  • Cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị nhiều vấn đề về hạ tầng giao thông và đô thị

    (Xây dựng) – Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ô nhiễm môi trường, ngập úng tại các tuyến đường, hệ thống cống thoát nước chưa hiệu quả và nhiều vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông… là những ý kiến được cử tri tại nhiều địa phương gửi đến các đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương.

  • Bài 3: Để Nghị quyết tiếp tục đi vào cuộc sống

    (Xây dựng) - Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, thành phố Hải Phòng đã nỗ lực vượt khó, đạt nhiều chỉ tiêu mà Nghị quyết đề ra. Đối với chỉ tiêu gặp nhiều thách thức, thành phố Hải Phòng cần có các giải pháp đột phá, với quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.

  • Ninh Bình: Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm – Nâng tầm đô thị vùng ven biển

    (Xây dựng) – Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình có tổng mức đầu tư trên 880 tỷ đồng đang dần tiến về đích. Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần nâng tầm đô thị vùng ven biển, cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm ổn định duy trì kinh tế, xã hội đô thị Phát Diệm trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh với điều kiện thời tiết cực đoan ngày càng trầm trọng cả về tần suất và mức độ.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load