(Xây dựng) - Không chỉ người dân Quảng Ninh mà ngay chính giới sử học trong nước nhiều người chưa đến cột cờ quốc gia được xây dựng trên đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, một quần đảo trầm tích văn hóa, giàu giá trị lịch sử, địa chính trị - kinh tế, vị trí tiền tiêu vùng biên hải Đông Bắc bộ nước ta.
Cột cờ quốc gia trên đảo Ngọc Vừng. |
Quốc kỳ được dựng lên ở mỏm cao 37m, trên dãy núi Tùng Lý cao 94,6m so với mực nước biển, thuộc thôn Bình Hải, đảo Ngọc Vừng, vào khoảng năm đầu giải phóng khu mỏ, do một đơn vị bộ đội thuộc Quân khu Đông Bắc kiêm Bộ Tư lệnh Hải quân đồn trú tại đây quản lý. Quốc kỳ phấp phới bay trên cao, dưới thấp là Mốc quốc gia điểm đầu cực Đông Bắc bộ, nơi gần nhất hải phận quốc tế trên biển Đông. Cột cờ được chỉnh trang nhiều lần, nhất là từ năm 2012, đến 2019 khi xác định cột cờ trên đảo Ngọc Vừng là cột cờ quốc gia. Hiện các hạng mục công trình khang trang, trang nghiêm, kích thước lá cờ lấy chuẩn theo kích thước cột cờ Ba Đình, Hà Nội, chiều cao 29m, khổ rộng lá cờ là 24m2.
Truyền tục, đảo Ngọc Vừng là hòn đảo linh thiêng ở quần đảo Vân Đồn. Những đêm trăng sáng trên cao nhìn xuống, đảo Ngọc Vừng như một ngôi sao sáng trong số 600 hòn đảo nhô lên trên mặt nước vịnh Bái Tử Long huyền ảo như dải Ngân Hà trong ánh nước. Rất kỳ lạ, đêm đến đảo Ngọc Vừng thường tự tỏa ra ánh sáng, người bảo đất linh khí tỏa hào quang, người bảo đảo Ngọc Vừng có nhiều ngọc trai, ban đêm ngọc trai tự phát quang, ánh sáng huyền ảo nên đảo Ngọc Vừng còn gọi là đảo Ngọc. Ban ngày thì đảo Ngọc Vừng đẹp như một tấm khăn nhung, cài kim tuyến bồng bềnh trên mặt nước thu thủy.
Đảo Ngọc Vừng trong quần đảo Vân Hải, một tiểu quần đảo của quần đảo Vân Đồn, với 42 hòn đảo, là 1 trong 4 hòn đảo lớn của quần đảo này. Đảo Ngọc Vừng lớn nhất, diện tích 10,85km2, lớn thứ nhì là đảo Vạn Cảnh diện tích 14,14km2, cách đảo Ngọc Vừng 2km về phía Bắc, lớn thứ 3 là đảo Phượng Hoàng, diện tích 8,64km2, cách đảo Ngọc Vừng 3km về phía Đông, lớn thứ 4 là đảo Hạ Mai ở phía Nam, cách đảo Ngọc Vừng 15km, ngoài khơi gần phao số không nhất. Đảo Hạ Mai như án phong, còn đảo Phượng Hoàng, đảo Vạn Cảnh như long chầu hổ phục... lưỡng bên bài tạo nét văn hóa phong thủy cho đảo Ngọc Vừng.
Xã đảo Ngọc Vừng - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (ảnh tư liệu năm 1972). |
Đảo Ngọc Vừng trầm tích văn hóa. Năm 1918, hai nhà khảo cổ học người Pháp là An-Dén-Xơn và Co-La-Ni đã thám sát, khai quật được 10 di vật là rìu đá và hòn ghè bằng đá, đây là lần đầu tiên tìm ra hiện vật khảo cổ thời kỳ Văn hóa Hạ Long và hậu kỳ đồ đá mới, cho thấy đây từng là nơi sinh sống của người cổ đại cách đây khoảng 6 nghìn năm. Hiện đảo Ngọc Vừng còn lưu giữ nhiều hiện vật dấu tích Thương cảng cổ Vân Đồn, cụ thể là ở khu vực Cống Hẹp, cảng cá cổ Cống Yên, cảng cá cổ Ngọc Nam. Về quốc phòng, năm 1288, Trần Triều từng phục binh ở đây làm nên cuộc thủy chiến kinh điển, đánh đắm đoàn thuyền quân lương của giặc Nguyên Mông, do tướng giặc Trương Văn Hổ chỉ huy. Trận thủy chiến trên sông Mang thắng lợi, nhưng 3 dũng tướng của ta là Phạm Công Chính, Phạm Thuần Dụng và Phạm Quý Công hy sinh, được nhân dân đền ơn-đáp nghĩa, xây dựng đền thờ các vị trên đảo Ngọc Vừng và suy tôn là thành hoàng làng. Tại Cửa Mai ở đảo Ngọc Vừng hiện còn lưu sự tích thành cổ nhà Mạc, pháo đài xây dựng (1527-1595), 2 khẩu súng thần công lớn, có tầm bắn xa. Năm 1967 cả 2 cỗ súng cổ này được trao cho trường Quân chính của quân khu để đặt ở cổng trường tại thị xã Quảng Yên (Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thanh, nguyên là chiến sỹ hải quân trên đảo Ngọc Vừng trực tiếp vận chuyển cỗ súng cổ từ đảo Ngọc Vừng đến trường Quân chính; và người thứ 2 là Cựu chiến binh Phạm Văn Việt 75 tuổi, ở khu 2 phường Hồng Hà, Hạ Long) xác nhận.
Đảo Ngọc Vừng được các thế hệ nguyên thủ quốc gia đặc biệt quan tâm. Ngày12/11/1962, đảo Ngọc Vừng vinh dự được đón Bác Hồ ra thăm; ngày 14/3/1962, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đến thăm; Ngày 19/5/1962, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đến thăm. Đảo Ngọc Vừng còn được đón nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước ra thăm và chỉ đạo phát triển kinh tế, xây dựng thế trận an ninh quốc phòng như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Hoàng Quốc Việt; Tố Hữu; Lê Đức Thọ; Phạm Hùng; Nguyễn Mạnh Cầm; Nguyễn Thiện Nhân; Nguyễn Tấn Dũng; Nguyễn Thị Doan; Trương Tấn Sang; Phạm Minh Chính…
Đảo Ngọc Vừng là 1 trong số 20 hòn đảo có người ở, trong quần đảo Vân Đồn, đảo phần lớn được bao phủ bởi màu xanh của rừng, thổ nhưỡng, địa mạo, vị trí chiến lược có khác với các hòn đảo lớn nhỏ ở vùng biển này. Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là người khoa cử, bảo nơi đây đất đắc địa huyệt đạo quốc gia. Khi đương chức Phó Thủ tướng là người đặt viên đá móng trùng tu, xây dựng cột cờ quốc gia trên đảo Ngọc Vừng. Cờ quốc gia trên đảo Ngọc Vừng có nét khác biệt, luôn tung bay trong gió, lâu phai màu. Người bảo, gió biển mặn mòi nên vải chậm phai màu; người bảo đó là linh khí trời đất. Nghe thần thoại, nhưng thực tế đảo Ngọc Vừng thời nào cũng thịnh vượng, trung kiên.
Trong kháng chiến chống Mỹ với 2 cuộc không kích ra miền Bắc, Ngọc Vừng là trọng điểm không quân Mỹ bắn phá ác liệt nhất, bom đạn chúng ném xuống Ngọc Vừng bằng 2/3 số lượng bom đạn mà chúng ném xuống quần đảo Vân Đồn. Quân dân đảo Ngọc Vừng chiến đấu kiên cường, điển hình là trận Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm tháng Chạp năm Nhâm Tý. Ngày 24/12/1972, trận địa súng máy cao xạ 12,7mm và 14,5mm của dân quân xã do Nguyễn Thanh Sửu chỉ huy; pháo thủ gồm: Phạm Văn Quý, Phạm Văn Quân, Phạm Văn Khôn, Phạm Bắc, Nguyễn Xuân Thu, Phạm Văn Thau, Nguyễn Thị Lan, Hoàng Thị Lĩnh... đặt ở mỏm đồi cách chân cột cờ quốc gia ngày nay khoảng 500m, đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 200 của giặc Mỹ trên bầu trời Quảng Ninh. Ngày 31/12/1973, xã đảo Ngọc Vừng được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Trong cơ chế mới, dưới ánh sáng đổi mới của Đảng, xã đảo Ngọc Vừng luôn mài sắc tinh thần cảnh giác bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ gìn an ninh trật tự nơi xa đất liền, và đặc biệt là năng động khai thác tiềm năng kinh tế tại chỗ, xóa nghèo, làm giàu trên biển đảo. Năm 2018, xã Ngọc Vừng hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Vân Đồn. Kết quả đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, xã Ngọc Vừng đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, đạt chuẩn 57/57 chỉ tiêu. Kết quả đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, đạt 19/19 tiêu chí và đạt 75/75 chỉ tiêu vào năm 2022 và phấn đấu đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023.
Xã Ngọc Vừng đã có quy hoạch chung, có quy chế quản lý và tổ chức thực hiện xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch; có quy hoạch chi tiết 1/500 khu trung tâm xã, xây dựng các điểm dân cư mới phù hợp với nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với quy hoạch Khu kinh tế Vân Đồn.
Hiện Ngọc Vừng có 11,9km/11,99km đường trục xã được nhựa hóa, bê tông hóa 100% (nhựa hóa 6,2km; bê tông hóa 5,79km) rộng mặt đường từ 6m trở lên; có 8,49km/11,99km đạt 70,8% đường trục xã được trồng cây xanh, cây hoa; 10,1km/11,99km đạt 84,2% lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng bóng điện cao áp, đèn Led; 4,2km/4,2km đường thôn được bê tông hóa 100%, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đường cấp V; 1,34km/1,34km đường ngõ, xóm được bê tông hóa 100%.
Diện tích sản xuất nông nghiệp trên đảo còn khoảng 30ha đất sản xuất nông nhiệp sạch. Thủy lợi gồm 2 hồ chứa nước (Hồ Ngọc Thủy và hồ Cẩu Lẩu) trữ lượng 0,12 triệu m3 và hệ thống kênh mương tưới tiêu dài 5,1km (trong đó 4,1km/5,1km đã được kiên cố hóa) đáp ứng nhu cầu tưới chủ động cho 49,96ha, đạt tỉ lệ 96%, đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đường giao thông nội đồng có 1,3km/1,3km đã thực hiện cứng hóa, 100% được bê tông hóa, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, mặt đường rộng trên 2m.
Hệ thống điện lưới quốc gia với 3 trạm biến áp với tổng công suất 580KV, đường dây 22KV dài 14,45km, đường dây 0,4KV dài 12km, chia đều trên 3/3 thôn trên và hoạt động ổn định đảm bảo đạt tiêu chuẩn, phục vụ cung cấp nguồn điện đáp ứng nhu cầu trong sản xuất và đời sống cho nhân dân. Về cơ sở giáo dục, Ngọc Vừng hiện có 2 trường là Trường Mầm non và Trường tiểu học &THCS đều đạt tiêu chuẩn quốc gia. Trường Tiểu học và THCS đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ II. Trung tâm văn hoá thể thao xã với quy mô xây dựng 5.853m2. Các thôn đều có nhà văn hoá-khu thể thao quy mô xây dựng 2.189,4m2, đảm bảo từ 100 chỗ ngồi trở lên.
Với thế mạnh từ biển, xã có 68% số hộ làm ngư nghiệp nuôi trồng, khai thác thủy sản. Trong đó, có 52 phương tiện tàu thuyền vừa và nhỏ đánh bắt hải sản ven bờ, không có tàu lớn khai thác tuyến khơi. Người dân tận dụng diện tích mặt nước, bãi ghềnh để nuôi trồng thủy hải sản và có mức thu nhập bình quân khoảng 150 triệu đồng/hộ/năm. Những năm gần đây, xã Ngọc Vừng tập trung vào phát triển du lịch dịch vụ để phát huy tiềm năng lợi thế nơi đây, được thiên nhiên ưu đãi với bãi cát trắng mịn trải dài gần 3km nằm ở phía Nam trung tâm xã, hướng ra biển Đông. Hiện có 6 cơ sở dịch vụ nhà hàng ăn uống phục vụ du khách và nhiều cơ sở lưu trú Homestay với trên 100 phòng. Các nhà hàng ăn uống, giải khát, văn hóa được phát triển đáp ứng nhu cầu du khách, đồng thời tạo ra nguồn thu nhập nâng cao đời sống cho người dân. Năm 2022, kết quả thu nhập chung của xã đảo Ngọc Vừng đạt 84.678 triệu đồng, bình quân đầu người đạt 103,3 triệu đồng. Năm 2023, ước đạt 85.942 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 103,3 triệu đồng/người/năm. Đến nay, xã Ngọc Vừng không còn hộ cận nghèo.
Chất lượng cuộc sống ngày một nâng lên, 100% dân đảo được quản lý hồ sơ sức khỏe thông qua hệ thống phần mềm của ngành Y tế. Cảnh quan môi trường khu dân cư được cải thiện. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xóm thôn đã có ý thức phân loại, thu gom, xử lý chất thải, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Đảo có nguồn nước ngọt dồi dào, hồ Cẩu Lẩu cấp nước sinh hoạt quy mô toàn xã, cung cấp 125m3 nước/ngày/đêm đáp ứng đủ nước hợp vệ sinh cho 225/225 hộ, đạt 100%.
Đảo Ngọc Vừng trù mật, phong cảnh đẹp, nơi ẩn chứa các giá trị văn hóa nghìn xưa. Mốc điểm đầu cực Đông Bắc bộ Tổ quốc và cột cờ quốc gia linh khí trời đất giao hòa, làm cho bức tranh kinh tế Ngọc Vừng thêm tỏa sáng, điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước.
Hình ảnh về cột cờ quốc gia trên đảo thiêng:
Bà Nguyễn Thị Lan - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Vừng, từng là xạ thủ súng máy cao xạ 12ly7 của dân quân xã bắn rơi chiếc máy bay thứ 200 trên vùng trời Quảng Ninh hồi quân Mỹ không kích miền Bắc. |
Di tích lịch sử quốc gia Khu lưu niệm Bác Hồ trên đảo Ngọc Vừng. |
Đảo Ngọc Vừng đang là điểm thăm quan, nghỉ dưỡng hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. |
Đình Ngọc Vừng là một trong những di tích văn hóa cổ đại của người Việt ở vùng biển Đông Bắc bộ. |
Nhiều người chưa biết giá trị đảo Ngọc Vừng (Quảng Ninh) là điểm đầu cực Đông Bắc còn Lũng Cú (Hà Giang) là điểm đầu cực Bắc nước ta. |
Tôm “Núi Miều”, tép “Dùi Xanh” hải sản nổi tiếng vùng biển Đông Bắc bộ. Tép Ngọc Vừng thương hiệu OCOP Quảng Ninh. |
Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Sửu, bà Phạm Thị Quyển là những người vinh dự được gặp Bác Hồ năm ấy, nghiệm lại bước đường đổi mới của quê hương mình đúng như lời Bác dạy. |
Vũ Phong Cầm
Theo