Thứ sáu 08/11/2024 01:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Theo dấu chân Thủ tướng trên những công trình trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long

Bài 3: Khẩn cấp cứu đất Chín Rồng

22:19 | 20/12/2023

(Xây dựng) - Qua những lần họp trực tuyến, các kiến nghị của lãnh đạo khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tình hình sạt lở, ngập mặn, Thủ tướng Phạm Minh Chính không giấu những lo âu để cứu vùng đất Chín Rồng. “ĐBSCL có nhiều việc cần làm, nhưng cả trước mắt và lâu dài là khắc phục sạt lở, sụt lún, ngập mặn, hạn hán. Đã đến lúc cần có những dự án lớn, đặc biệt tại là các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau... Đây là những tỉnh bị sạt lở nhiều, mất đất do sạt lở, biến đổi khí hậu”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp tổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Bài 3: Khẩn cấp cứu đất Chín Rồng
Thủ tướng thị sát bằng chuyên cơ các điểm sạt lở ở Đồng Tháp.

2 ngày khảo sát 8 tỉnh

Theo lịch trình, chiều 12/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển với lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL nhưng chương trình đón tiếp chuẩn bị trước một ngày. 13 giờ ngày 11/8, lãnh đạo tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng phải có mặt tại sân bay Cần Thơ đi thị sát sạt lở bờ biển, bờ sông cùng Thủ tướng. Một cán bộ lãnh đạo tỉnh Cà Mau nhớ lại: “Trước đó, tỉnh nhận được thông tin chuyến thị sát sạt lở bờ biển, bờ sông của Thủ tướng. Khảo sát xong, Đoàn công tác của Thủ tướng làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh tại Cà Mau tối cùng ngày. Công tác báo cáo liên quan cùng hậu cần được triển khai thực hiện”. Không riêng gì tỉnh Cà Mau mà hầu hết các địa phương đã quen với phong cách làm việc của Thủ tướng. Khi tổ chức cuộc họp phải tận mắt chứng kiến thực tế đang diễn ra có liên quan và tai nghe những vấn đề người dân phản ánh.

Ngay sau khi xuống sân bay Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đã đi máy bay trực thăng khảo sát từ trên cao. Nơi nào sạt lở nghiêm trọng, Thủ tướng cho hạ cánh khảo sát thực địa về tình hình sạt lở như: Bờ biển khu vực thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng; khu vực biển Nhà Mút và cửa sông Gành Hào, ven biển tỉnh Bạc Liêu; khu vực Hốc Năng, Vàm Xoáy, Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), khu vực Hổ Mồi (huyện Đầm Dơi) và khu vực Đất Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Nhìn những căn nhà ngay sát mé biển có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào, Thủ tướng tìm đến nhà người dân để thăm hỏi. Đến chiều, Thủ tướng ra hiệu cho trực thăng quay trở về. Tối cùng ngày, lãnh đạo 3 tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau cùng lãnh đạo Bộ, ngành họp tại Hội trường Tỉnh ủy Cà Mau. Theo báo cáo của các địa phương, tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụt lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ sông, bờ biển của các tỉnh ĐBSCL bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Tỉnh Cà Mau đến nay đã có 187km bờ biển bị sạt lở, làm mất 5.250ha đất và rừng phòng hộ và 425km bờ sông đã bị và có nguy cơ bị sạt lở. Tại tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay, hơn 80 đoạn sạt lở bờ sông đã xảy ra, một số vụ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tài sản người dân và hạ tầng công cộng, 7km bờ biển bị sạt lở khiến đai rừng phòng hộ không còn. Tại tỉnh Bạc Liêu, 7 tháng đầu năm nay, 8 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển đã xảy ra, làm 119 căn nhà bị sụp và bị ảnh hưởng, gây thiệt hại hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản và nhiều công trình, tài sản.

Tận mắt chứng kiến nguy hiểm của người dân sống gần khu có nguy cơ sạt lở, Thủ tướng cho rằng: “Để kiểm soát, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển, yêu cầu các địa phương phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở; chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân khi xảy ra sạt lở. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các địa phương rà soát, tổng hợp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, xây dựng dự án để xử lý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối, bố trí nguồn lực cả nguồn dự phòng ngân sách Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các địa phương xử lý sớm. Cùng với nhiệm vụ cấp bách phòng chống sạt lở, bảo vệ tính mạng của người dân, phải tính chuyện lâu dài với các dự án lớn, có tính chất căn cơ nhằm phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Sáng 12/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác tiếp tục di chuyển bằng trực thăng và thuyền máy để khảo sát khu vực đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; khảo sát kè chống sạt lở khu vực dân cư vành đai Nam Đông Hồ, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; khảo sát tuyến kè bảo vệ khu dân cư xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang; khảo sát kè Hổ Cứ và các điểm sạt lở của tỉnh Đồng Tháp. Trong 2 ngày, Thủ tướng thị sát những điểm nóng sạt lở bờ sông, bờ biển 8 tỉnh khu vực ĐBSCL.

Bài 3: Khẩn cấp cứu đất Chín Rồng
Thủ tướng cùng lãnh đạo tỉnh Cà Mau thị sát sạt lở tại Khai Long, Cà Mau.

“Đã nói phải làm, đã cam kết là thực hiện”

Sau 2 chuyến đi thực địa những điểm nóng sạt lở bờ sông, bờ biển, chiều 12/8, Thủ tướng chủ trì cuộc họp khắc phục sạt lở với lãnh đạo Bộ, ngành và lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với hệ thống sông, kênh, rạch dày đặc và trên 740km bờ biển, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134km, trong đó bờ sông có 666 điểm/744km; bờ biển có 113 điểm/390km. Thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung nhiều hơn cho công tác quản lý bờ sông, lòng sông, bờ biển. Theo đó, tăng cường truyền thông, xử lý vi phạm; tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng sạt lở, bờ sông, bờ biển, xây dựng bản đồ phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, Trung ương đã đầu tư và đã có kế hoạch đầu tư cho các tỉnh vùng ĐBSCL 16.223 tỷ đồng để xây dựng 218 công trình kè chống sạt lở, với chiều dài 324km.

Mặc dù vậy, tình trạng sạt lở ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Hiện nay, toàn vùng còn 561 điểm sạt lở, trong đó, bờ sông có 513 điểm/602km; bờ biển có 48 điểm/208km. Đáng chú ý, cả khu vực còn 63 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm (bờ sông 39 điểm/118km, bờ biển 24 điểm/86km), với tổng chiều dài 204km. Thủ tướng cho rằng, qua khảo sát thực tế tại 8 địa phương vùng ĐBSCL, Thủ tướng đã ghi nhận một số điểm nóng về sạt lở đặc biệt nguy hiểm tại các địa phương; yêu cầu các địa phương hoàn thiện hồ sơ theo quy định, gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định, xử lý ngay. Các điểm sạt lở nguy hiểm còn lại, các Bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nghiên cứu cân đối, bố trí nguồn lực, trình cấp thẩm quyền quyết định hỗ trợ các địa phương xử lý sớm, hoàn thành trong tháng 8.

“Là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phát triển bền vững, nhưng ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tác động từ các hoạt động khai thác, sử dụng nước của các nước ở thượng nguồn sông Mê Kông dẫn đến nguy cơ thiếu nước ngọt cục bộ, đặc biệt là suy giảm mạnh phù sa về vùng; tình trạng sụt lún, hạ thấp nền đất… Tốc độ sụt lún đất cao gấp 3-4 lần, có nơi tới 10 lần so với tốc độ nước biển dâng, cho thấy ĐBSCL có nguy cơ chìm dần do cả sụt lún đất và nước biển dâng. Nhiều tuyến đê biển, đường ven biển trước đây thiết kế đủ cao độ nhưng giờ lại bị thủy triều tràn qua gây ngập, vấn đề xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, tình trạng ngập úng khi triều cường xảy ra ở nhiều đô thị. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, mất rừng ngập mặn ven biển diễn ra nghiêm trọng, đáng báo động ở ĐBSCL. Thống kê 50 năm qua, diện tích rừng ngập mặn giảm khoảng 80%, từ năm 2011-2016 giảm trên 15.300ha. Mỗi năm mất 300-500ha rừng ngập mặn, hàng nghìn hộ dân ven biển, ven sông, kênh rạch bị ảnh hưởng”, Thủ tướng phát biểu.

Bài 3: Khẩn cấp cứu đất Chín Rồng
Thủ tướng khảo sát tuyến kè bảo vệ khu dân cư xã Châu Phong, huyện Tân Châu, An Giang.

Thủ tướng nhắc nhở, thời gian tới tiếp tục triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển ĐBSCL và theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”. Chuyến công tác này của Thủ tướng thực hiện chuyên đề về phòng, chống sụt lún, ngập úng, sạt lở ở ĐBSCL; khắc phục hạn chế trong khâu tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, Nghị quyết, trên tinh thần “đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể”.

Thủ tướng khẳng định, cùng với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm và đã ban hành nhiều chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, trong đó có phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững...

Theo Thủ tướng: “Tập quán sinh sống ven sông, rạch, ven biển, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội chủ yếu dựa vào sông nước nên khi xảy ra sạt lở là ảnh hưởng trực tiếp ngay đến người dân. Công tác quy hoạch không gian sinh tồn và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho vùng còn hạn chế. Sạt lở diễn biến mạnh, phức tạp; thiếu nguồn lực để đầu tư phòng ngừa. Một số công trình phòng, chống sạt lở chưa hiệu quả. Công tác duy tu bảo dưỡng chưa được chú trọng; chưa huy động được nguồn lực ngoài xã hội đầu tư vào phòng, chống sạt lở còn hạn chế… Tôi đề nghị các địa phương phải rà soát, sơ tán sớm những hộ ở nơi có nguy cơ sạt lở cao, tránh để bị động, dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân. Bên cạnh đó, đề nghị các tỉnh tiếp tục xử lý khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để đảm bảo an toàn người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Ngày 8/10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1162/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các tỉnh vùng ĐBSCL thực hiện dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Sáng 24/10, chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024. Trong phần thảo luận tại tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian trao đổi với các đại biểu liên quan tới các vấn đề về đầu tư phát triển, ứng phó biến đổi khí hậu ở khu vực ĐBSCL.

Thủ tướng nhấn mạnh, qua khảo sát có thể thấy ĐBSCL hiện nay phải đối mặt với một số vấn đề đó là “sụt lún, sạt lở, hạn hán, ngập mặn”. Vừa qua, Chính phủ đã quyết định chi 4.000 tỷ đồng cho các tỉnh ĐBSCL khắc phục trước mắt những vấn đề trên. Thủ tướng đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc sử dụng nguồn lực đã đủ, đúng, hiệu quả chưa.

Khánh Bình

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load