Thứ sáu 08/11/2024 06:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Quảng Ninh: Cầu đường là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển

Bài 3: Đường mở rộng đến đâu, văn hóa mới mở mang đến đấy

22:32 | 18/10/2021

(Xây dựng) - Quảng Ninh là tỉnh có điểm đầu tiên chấm nét bút vẽ nên hình chữ S trên bản đồ Việt Nam. Những năm gần đây, tỉnh đã lên top đầu các địa phương trong toàn quốc về phát triển kinh tế - xã hội. Trong Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thảo luận, phân tích những nguyên nhân làm nên thành tựu đó. Trong nhiều giải pháp có giải pháp xây dựng công trình hạ tầng là nền tảng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

quang ninh cau duong la don bay thuc day kinh te phat trien
Tỉnh lộ 330 điểm đầu kết nối với Quốc lộ 18 tại huyện Tiên Yên, qua 6 xã thuộc huyện Ba Chẽ, điểm cuối kết nối với Quốc lộ 279 tại huyện Sơn Động (Bắc Giang).

Tỉnh lộ 330 là trục giao thông chính ở Ba Chẽ - một huyện miền núi nghèo, 80% là người dân tộc thiểu số. Con đường này vốn là đường lâm nghiệp được mở ven theo bờ sông Ba Chẽ, tính từ điểm kết nối với Quốc lộ18 đoạn tại xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đến đoạn kết nối với đường Quốc lộ 279 tại xã Dương Hưu, huyện Sơn Động (Bắc giang) dài 68km. Con đường này từng được tô đậm trong bản đồ quân sự với nhiều thành tích trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Thời bình, con đường mòn mỏi trong hoàn cảnh ở một huyện miền núi nghèo nhất tỉnh, phải chống chọi với lũ rừng hung dữ trong mỗi mùa mưa.

quang ninh cau duong la don bay thuc day kinh te phat trien
11 đoạn đường ngầm qua suối đã được thay bằng cầu hoặc cống hộp lớn tránh ngập lụt.

Huyện Ba Chẽ có 7 xã 1 thị trấn thì Tỉnh lộ 330 qua 7 xã thị trấn. Đường vào huyện, đoạn tắt từ cầu Ba Chẽ đến thị trấn huyện dài trên 10km, mới mở gọi là ĐT 330b còn khả dĩ. Nhưng mặt đường láng bằng vữa bê tông người ngồi trên ôtô xe chạy cũng như “xóc ốc”, đoạn từ ngầm Đồng Tâm, xã Thanh Sơn đến đèo Kiếm, xã Lương Mông đường chưa vào cấp kỹ thuật lại có 19 điểm ngập lụt, chưa kể đèo cao vực sâu, nhiều đoạn còn gấp khúc cua tay áo nguy hiểm. Ba Chẽ, tiểu vùng khí hậu đặc trưng, nhiều khi vùng trũng nắng cháy, vùng cao lại mưa rừng tầm tã... Lũ rừng đột ngột cuồn cuộn đổ về chia cắt địa bàn, khe bản bỗng chốc lũ lụt cách bức như ở đảo ngoài sông biển.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa XV đã có Nghị quyết đầu tư nâng cấp Tỉnh lộ 330 lên hạng đường miền núi cấp III. Tuy nhiên, vướng đợt dịch Covid-19, địa phương có khó khăn, nhưng vẫn không bỏ rơi con đường này, đầu tư theo kiểu “cháo nóng húp quanh”, cải tạo 11 điểm ngập lụt trước bằng ngân sách địa phương và gắn vá một số đoạn hư hỏng bằng ngân sách sự nghiệp giao thông.

Cụ thể, năm 2019, UBND tỉnh giao cho UBND huyện Ba Chẽ làm chủ đầu tư xây dựng đoạn cầu Khe Tâm, bản cầu 2 làn xe; chiều dài 0,624km; đoạn cầu khe Cát -Khe Bùn dài 0,705km; đoạn cầu Khe Loọng Ngoài dài 0,440km; tràn Pha Lán chiều dài 0,399km, tổng chiều dài các đoạn thiết kế 2,168km. Phần cầu và cống hộp thiết kế theo tiêu chuẩn 22TCN272-05, trong đó cầu và cống hộp lớn tải trọng thiết kế H30, cống hộp nhỏ XB80; tần suất lũy thiết kế Hp=1% đối với cầu trung, cống và cầu nhỏ Hp=1%. Phần đường thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô TCVN4054, qui mô đường cấp III miền núi, vận tốc thiết kế Vtk= 60km/h, tải trọng trục tính toán P=10 tấn. Các hạng mục nói trên tổng mức đầu tư 79 tỷ đồng.

Cùng năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Sở Giao thông Vận tải sửa chữa định kỳ 15,6km, gồm 9 đoạn khác nhau trên con đường này, kinh phí sửa chữa 37,4 tỷ đồng. Quy mô đầu tư là sửa chữa hư hỏng cục bộ nền mặt đường, gia cố lề đường; tăng cường móng, mặt đường bằng lớp đá dăm tiêu chuẩn và láng nhựa; sửa chữa, bổ sung hệ thống thoát nước và hệ thống báo hiệu đường bộ. Giải pháp thiết kế, cơ bản giữ nguyên theo bình đồ, hướng tuyến hiện trạng, nắn chỉnh cục bộ tại một số vị trí để cải thiện yếu tố kỹ thuật tuyến đường. Thiết kế bao theo trắc dọc đường cũ, hạn chế khối lượng đào đắp và bù vênh mặt đường; trắc ngang gia cố lề giống kết cấu áo đường hiện trạng để mở rộng mặt đường xe chạy, mặt đường rộng 5,5m, chiều rộng nền đường 6,5m; mặt đường kết cấu đã dăm láng nhựa 3 lớp dày 3,5cm TCN 4,5kg/m2.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trình HĐND tỉnh để quyết nghị trong phiên họp tới về việc xóa nốt 8 điểm ngập lụt và nắn cua, hạ độ dốc một số đỉnh đèo nguy hiểm trên đường Tỉnh lộ 330. Kinh phí đầu tư lần này lớn hơn lần trước với khái toán 380 tỷ đồng.

Tỉnh lộ 330, những hạng mục đã làm xong, đoạn đường được vào cấp kỹ thuật vững chãi, rộng rãi, như nhịp cầu ngắn nhất nối vùng rừng Sơn Động (Bắc Giang) với vùng biển Tiên Yên (Quảng Ninh). Người dân ở xã Thanh Lâm, Lương Mông, Minh Cầm trước đây thuộc xã vùng cao hẻo lánh của huyện Ba Chẽ còn chật vật xóa đói nghèo, nay không chỉ chia tay với Chương trình 135, còn xây dựng nông thôn mới, tiến tới nông thôn mới nâng cao.

quang ninh cau duong la don bay thuc day kinh te phat trien
Nhiều đoạn cua gấp khúc được nắn chỉnh, một số đèo cao đã được hạ dốc bớt nguy hiểm.

Ông Vi Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Lương Mông cho biết: Tỉnh lộ 330 được đầu tư nâng cấp đã nâng cao đời sống của người dân vùng rẻo cao này. Ngày trước dân du canh du cư, tự sản tự tiêu, nay đường sá thông thương người dân mới thực sự làm theo chủ trương của tỉnh, huyện, chuyển nền kinh tế sang sản xuất hàng hóa. Xe ôtô thương lái ra vào thuận tiện, lâm thổ sản làm ra bán được giá, chẳng cần hô hào nhiều thì người dân cũng tự định canh định cư, bỏ nhà tạm, xây nhà khang trang. Trên 390 hộ dân người thiểu số ở xã Lương Mông đã có mức thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/người/năm, trên 90% hộ có nhà ở kiên cố, nhiều ngôi nhà cao 2-3 tầng nội ngoại thất sang trọng. Người dân có của ăn của để, xã đã tuyên truyền, vận động người dân đóng góp ngày công, hiến đất, cây cối hoa màu xây dựng đường giao thông liên xã, liên thôn, các công trình hạ tầng phúc lợi công cộng dễ dàng, nên đã nhanh chóng hoàn thành các chỉ tiêu - tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

quang ninh cau duong la don bay thuc day kinh te phat trien
Nét văn hóa mới ở xã Thanh Lâm, Tỉnh lộ 330 qua địa bàn thôn nào người dân tự khắc tên địa phận thôn bản của mình trên đá núi.

Ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm cho biết, con đường Tỉnh lộ 330 được sửa chữa, mở rộng, bắc cầu thay đường ngầm, cắt cua, hạ đèo... công trình xây dựng chắc chắn, giao thông thuận lợi như là cánh tay bà đỡ giúp xã Thanh Lâm xây dựng nông thôn mới. Con đường không chỉ đáp ứng cung cầu, mang lại của cải cho đồng bào thiểu số vùng cao, đường mở rộng đến đâu văn hóa mới đã mở mang đến đấy.

Ba Chẽ đường sá mở đến đâu dân giàu lên đến đấy, còn có giá trị văn hóa và những giá trị không tính được bằng tiền. Đó là con đường Tỉnh lộ 330 đã mang lại niềm vui, hạnh phúc cho bao gia đình giáo viên. Cụ thể, thầy cô giáo dạy học ở khe bản vùng cao khi tan trường, giao thông thuận tiện thì ai về nhà ấy, đầm ấm gia đình.

Quảng Ninh trong quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có đầu tư xây dựng Tỉnh lộ 330, quy mô tương tự như đường Quốc lộ 18 đoạn Cẩm Phả - Móng Cái. Trước mắt, tỉnh cho sửa chữa, xóa 19 điểm ngập lụt, nắn cua tay áo, hạ thấp đèo cao... con đường này, một công trình xây dựng vững chắc, an toàn, mỹ quan... đường mở rộng đến đâu văn hóa mới mở mang đến đấy.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load