(Xây dựng) – Đúng như các cơ quan chức năng dự báo, mới vào đầu mùa khô, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt thực trạng sụt lún, sạt lở và xâm mặn. Sau thảm họa thiên tai là bao nỗi lo chồng chất.
Khô hạn đã làm nhiều tuyến đường huyện Trần Văn Thời bị sụt lún. |
Thiệt hại nhiều tỷ đồng
Ngày 25/2, sau khi khảo sát các điểm sụt lún, ông Trần Tấn Công - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) chia sẻ: “Cứ mỗi ngày, các vụ sạt lở tăng hơn chục vụ. Hiện nay, nhiều tuyến đường nứt nẻ có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Các tuyến kênh khô cạn nước nguy cơ sạt lở, sụt lún sẽ còn tiếp diễn”. Báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, huyện Trần Văn Thời là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất do khô hạn.
Tính đến nay, toàn huyện đã có 327 vị trí xảy ra sạt lở, sụt lún với chiều dài khoảng 8,98km, làm hư hỏng hơn 6,5km đường bê tông, còn lại đường đất đen, của 9 xã và thị trấn. Ngoài ra, hiện nay toàn huyện đang có hơn 80 tuyến kênh, rạch đang trong tình trạng bị khô cạn, nguy cơ thiệt hại các công trình công cộng, nhất là lộ giao thông luôn ở mức cao. Năm 2023, mùa mưa kết thúc sớm, hạn kéo dài, vùng ngọt huyện Trần Văn Thời xảy ra hiện tượng nhiều con kênh bắt đầu cạn nước. Đã bắt đầu xảy ra tình trạng sụt lún đất, gây thiệt hại nghiêm trọng hạ tầng giao thông nông thôn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, lưu thông. Có những tuyến đường bị chia cắt hoàn toàn. Hiện tượng này cũng đã từng xảy ra trên diện rộng nơi đây vào hai mùa khô 2016-2017 và 2019-2020, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, ngày 21/2, trên tuyến kênh Nàng Mau (thuộc Ấp Thạnh Lợi A2, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp) xảy ra điểm sạt lở bờ kênh, làm sập 1 căn nhà của dân. Tại hiện trường, điểm sạt lở có chiều dài 30m, sâu vào bờ nơi rộng nhất khoảng 6m. Vụ sạt lở làm sập 1 căn nhà tường cấp 4, diện tích 10m x 7m và tuyến kè bê tông cốt thép, chiều dài 30m. Tổng diện tích mất đất là 180m¬2, ước thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Nguyên nhân được xác định ban đầu là do ảnh hưởng của dòng chảy. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 6 sạt lở bờ sông, kênh ở huyện Châu Thành, Phụng hiệp và thành phố Ngã Bảy; tổng chiều dài sạt lở là 129m; diện tích mất đất hơn 623m2; ước tổng thiệt hại hơn 1,056 tỷ đồng. Gần đây nhất là vào ngày 12/2 (mùng 3 Tết) xảy ra 2 điểm sạt lở bờ kênh Bảy Chánh, ấp Cái Côn xã Đại Thành, chiều dài đoạn sạt lở dài khoảng 19m, sâu vào bờ nơi rộng nhất khoảng 3,5m và kênh Bưng Thầy Tầng (ấp Đông An A, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy), chiều dài đoạn sạt lở dài khoảng 13m, sâu vào bờ nơi rộng nhất khoảng 3,2m. Trước đó vào ngày 8/2 (29 Tết) xảy ra điểm sạt lở bờ kênh Tràm Bông, ấp Đông Sơn, xã Đông Phước, huyện Châu Thành; chiều dài sạt lở 25m, sâu vào bờ nơi rộng nhất 5m, diện tích mất đất 125m2. Sạt lở làm mất một phần lộ giao thông nông thôn…
Khu bờ trước UBND xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời bị sụt lún ngày 20/2/2024. |
Chạy sạt lở ngay mùng 1 Tết
Trong đất liền, sụt lún, ở bờ sông, bờ biển xảy ra tình trạng sạt lở. Chiều mùng 1 Tết Giáp Thìn, người dân ấp Rạch Mọp vui Xuân thì bất ngờ sạt lở bờ sông Rạch Mọp (thuộc địa bàn xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) với chiều dài 20m lấn sâu vào bờ 5m tại tuyến sông Rạch Mọp (gần điểm thi công xây dựng cống Âu thuyền Rạch Mọp). Vụ sạt lở không ảnh hưởng về người nhưng làm ảnh hưởng đến vật kiến trúc, hoa màu của người dân địa phương. Ngay sau khi vụ sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương đã kịp thời xuống hiện trường huy động mọi lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục, vận động người dân nhà sát khu vực sạt lở di chuyển vật dụng của gia đình đến nơi an toàn.
Tại điểm sạt lở còn xảy ra các vết nứt dài, nguy cơ sạt lở còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới. Trước đó vào năm 2023, tại địa điểm sạt lở trên vẫn thường xuyên xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông với tổng chiều dài trên 200m, lấn sâu vào bờ khoảng 23m, gây thiệt hại đường giao thông nông thôn, đường dây điện, ảnh hưởng đến việc đi lại và sản xuất của nhân dân trong khu vực.
UBND tỉnh Trà Vinh vừa có quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở tuyến đê bao Bắc Trang - Trẹm, xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú. Tuyến đê bao này được xây dựng năm 2014 nhằm ngăn triều cường, bảo vệ bờ sông, bảo vệ sản xuất của người dân trong khu vực. Do tác động của triều cường, tuyến đê bao này đang bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 350m. Trong đó có đoạn mất hết gần thân đê (vỡ đê bao khoảng 260m), gây nguy hiểm cho 83 hộ dân đang sinh sống trong khu vực, làm ảnh hưởng đến 64ha đất canh tác (cây ăn trái, hoa màu) và 1,1ha diện tích nuôi trồng thủy sản.
Tuyến đường xã Đông Phước, huyện Châu Thành, Hậu Giang bị sạt xuống sông. |
Tại khu vực Cồn Nhàn (thuộc 2 ấp Đông Thành, Hồ Thùng, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, Trà Vinh), UBHND tỉnh ban bố tình trạng khẩn cấp. Từ năm 2015 đến nay, hơn 3km bờ biển trên địa bàn 2 ấp Đông Thành, Hồ Thùng, xã Đông Hải bị sạt lở nghiêm trọng do ảnh hưởng thủy triều biển Đông và tác động của gió mùa đông bắc. Trong các ngày 22, 23, 24/12/2023, triều cường kết hợp gió lớn đã gây sạt lở khoảng 100m, nước biển tràn vào đất liền gây thiệt hại hoa màu, ảnh hưởng đến 70ha đất sản xuất của hơn 110 hộ dân. Trong đó, có 1 nhà ở của hộ dân bị ngập sâu, xã Đông Hải đã vận động, hỗ trợ di dời vào nơi ở an toàn. Địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ tiến hành gia cố bao cát dọc theo tuyến bờ bao, dài khoảng 300m. Tuy vậy, rạng sáng 26/12/2023, đoạn bờ bao vừa được gia cố bị triều cường, nước biển cuốn trôi hoàn toàn. Vị trí sạt lở cách chân đê biển Hải Thành Hòa khoảng 300m, nguy cơ mất an toàn rất cao.
Đào Văn
Theo