Thứ năm 07/11/2024 17:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Đồng bằng sông Cửu Long: Thấp thỏm khi sống gần “bom rác”

Bài 2: Loay hoay với “công nghệ” chôn lấp

14:39 | 27/12/2023

(Xây dựng) – Trước hàng loạt hệ lụy từ bãi chôn lấp rác quá tải đã diễn ra, dư luận cho rằng, chính quyền địa phương rất cần xây dựng nhà máy xử lý rác “đúng nghĩa”. Thế nhưng, một số địa phương vẫn đang loay hoay đầu tư xây dựng bãi chôn lấp. Ước mơ đầu tư xây dựng dự án biến rác thành điện xa vời với một số nơi.

Bài 2: Loay hoay với “công nghệ” chôn lấp
Bãi rác Vĩnh Long trong tình trạng quá tải.

Tiếp tục mở rộng bãi chôn lấp

Trở lại thông tin, người dân 2 xã An Hiệp, An Đức, thuộc huyện Ba Tri, Bến Tre chặn các xe chở rác thải từ hướng thành phố Bến Tre nhằm phản đối việc tập kết rác về huyện này thời gian vừa qua, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bến Tre cho biết, từ năm 2021 đến nay, bãi rác của tỉnh ở xã Hữu Định và Phú Hưng quá tải nên mỗi ngày phải chở gần 200 tấn rác thải của thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành chở xuống bãi rác An Hiệp đổ tạm. Cùng với đó, khoảng 40 tấn thải của huyện Ba Tri cũng tập kết về bãi rác An Hiệp, dẫn đến bãi rác này bị quá tải, phát sinh các vấn đề về môi trường xung quanh nghiêm trọng. Do đó, người dân xung quanh bãi rác An Hiệp phản ứng là chính đáng.

Trong khi thực tế, thời gian đầu, bãi rác An Hiệp chưa đủ các quy chuẩn về môi trường để chứa lượng rác thải lớn. Vị cán bộ này cũng thừa nhận, trên địa bàn tỉnh Bến Tre không còn bãi rác nào phù hợp hơn để thay đổi. Trước tình hình đó, thời gian qua, Sở TN&MT có đầu tư các hố chôn rác, tường rào... để xử lý tại chỗ một số việc nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân.

Để giải quyết tình trạng rác thải, năm 2016, tỉnh Bến Tre cấp chứng nhận đầu tư Dự án (DA) nhà máy xử lý rác thải Bến Tre cho Công ty Cổ phần Xử lý rác thải Bến Tre (xã Hữu Định, huyện Châu Thành, Bến Tre), do ông Nguyễn Hải Vân làm đại diện theo pháp luật.

Thế nhưng, nhà đầu tư đã đầu tư không đạt yêu cầu kỹ thuật xử lý rác và còn nhiều vấn đề khác phát sinh trong quá trình đầu tư. Lẽ ra, UBND tỉnh phải quyết định thu hồi DA, nhưng nếu làm vậy sẽ mất thời gian xử lý các vấn đề phải xử lý dứt điểm trước khi giao DA cho nhà đầu tư mới. Tháng 5/2023, UBND tỉnh Bến Tre gặp gỡ nhà đầu tư cũ và nhà đầu tư mới là Công ty Cổ phần Tập đoàn AMACCAO để hai bên thực hiện việc mua bán toàn bộ cổ phần để tiến hành tái cơ cấu lại DA quan trọng này.

Hiện, nhà đầu tư mới đang trong giai đoạn hoàn tất việc mua lại cổ phần và Sở TN&MT Bến Tre cũng đang thực hiện các quy trình thủ tục hành chính để giao đất cho nhà đầu tư mới. Dự kiến, DA sau tái cơ cấu sẽ tăng diện tích 2ha so với quy mô DA cũ. Trong 2 năm đầu tư xây dựng (dự kiến cuối năm 2025), Nhà máy xử lý rác thải tỉnh Bến Tre sẽ xử lý trên 350 tấn rác/ngày theo kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải của thành phố Bến Tre và các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc…

Khi đó, tỉnh sẽ chấm dứt việc vận chuyển rác xuống bãi rác An Hiệp. Trước mắt, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục đầu tư và đang triển khai thủ tục pháp lý thu hồi hơn 3ha đất xung quanh nhà máy rác An Hiệp để mở rộng bãi rác này. Tỉnh đang khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tối đa các vấn đề về môi trường gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh bãi rác An Hiệp.

Riêng dự án mở rộng 3ha bãi rác An Hiệp lên 8ha đang được triển khai nhanh chóng, đúng tiến độ và đang xem xét đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải rỉ rác (công suất 30 m3/ngày đêm, kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng), lò đốt rác thải công suất 48 tấn/ngày (kinh phí khoảng 9 tỷ đồng) nhằm giảm lượng rác chôn lấp để tiếp nhận rác của tỉnh trong khoảng 2 - 3 năm chờ hoàn thành tái cơ cấu Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre.

Bài 2: Loay hoay với “công nghệ” chôn lấp
Hiện nay, bãi rác ở các tỉnh đang trong nguy cơ quá tải như quả “bom rác”.

Tại Sóc Trăng, từ thành phố đến huyện, thị cũng nhiều bãi chôn lấp rác. Địa bàn thành phố Sóc Trăng hiện nay có 10 phường, do Công ty Cổ phần Công trình đô thị Sóc Trăng thu gom về xử lý tại Nhà máy Xử lý chất thải rắn thành phố Sóc Trăng và các vùng lân cận thuộc tỉnh Sóc Trăng. Mỗi năm, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn khối lượng 128 tấn/ngày, thu gom về xử lý tại Nhà máy Xử lý chất thai rắn 125 tấn/ngày. Đối với thị xã Vĩnh Châu, hiện có 1 bãi rác trên địa bàn khóm Biển Trên A, phường Vĩnh Phước, có diện tích trên 9.400m2, tiếp nhận rác thải sinh hoạt của 10 xã, phường trong thời gian đóng cửa bãi rác, chờ đầu tư xây dựng bãi rác mới tại khóm Khánh Nam, phường Khánh Hòa.

Hiện rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu tạm thời do Công ty Cổ phần Công trình đô thị Sóc Trăng thu gom, xử lý tại Nhà máy Xử lý chất thải rắn với khối lượng 52 tấn/ngày. Huyện Mỹ Xuyên có 11 xã, thị trấn đã được đầu tư 3 bãi rác tập trung gồm: Thị trấn Mỹ Xuyên, liên xã Thạnh Phú - Thạnh Quới và xã Ngọc Tố. Huyện Thạnh Trị có 10 xã, thị trấn đã được đầu tư 10 bãi rác gồm: thị trấn Phú Lộc, thị trấn Hưng Lợi và các bãi rác của 8 xã đang khai thác sử dụng…

Đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng

Tại Vĩnh Long, rác quá tải không còn chỗ chứa nhưng nhà máy xử lý rác vẫn không hoạt động. Năm 2013, Công ty Cổ phần Xây dựng Phương Thảo đưa Nhà máy xử lý rác Phương Thảo (nằm trong khu bãi rác Hòa Phú) vào hoạt động với vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng, công suất xử lý 200 - 300 tấn rác/ngày theo công nghệ châu Âu. Tuy nhiên, nhà máy chỉ cầm cự được khoảng nửa năm rồi đóng cửa. Đến tháng 9/2016, nhà máy tái hoạt động chuyển sang phương án đốt, nhưng cũng chỉ cầm cự được một thời gian rồi “trùm mền” với lý do tiền thu từ xử lý rác không đủ chi phí vận hành.

Nhà máy đóng cửa, rác thải quá tải. Theo Công ty Cổ phần Công trình công cộng Vĩnh Long, công ty đang quản lý toàn bộ diện tích khu xử lý rác thải tại xã Hòa Phú, huyện Long Hồ với hơn 18ha (theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt đến năm 2020 là hơn 47ha), gồm: Khu phụ trợ xử lý rác 1,33ha, ao nước 1,5ha; bãi rác Hòa Phú 2,4ha và bãi chôn lấp hợp vệ sinh số 1 là 2ha, đã đầy và được phủ đỉnh. Bãi chôn lấp hợp vệ sinh số 2 diện tích 2ha đang triển khai dự án phủ đỉnh; hồ sinh học 2,7ha; trạm xử lý nước và đường nội bộ 1,85ha.

Tháng 5/2020, bãi chôn lấp hợp vệ sinh số 3 đưa vào hoạt động với diện tích 4,6ha, đang tiếp nhận, xử lý toàn bộ rác phát sinh của thành phố Vĩnh Long và 6 huyện, thị xã lân cận, với khối lượng rác mỗi ngày khoảng 350 tấn (150 tấn từ thành phố Vĩnh Long và 200 tấn từ các huyện, thị xã). Theo thiết kế, công suất của bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh số 3 có sức chứa khoảng 200.000 tấn rác.

Bài 2: Loay hoay với “công nghệ” chôn lấp
Phương tiện Nhà máy xử lý rác Phương Thảo không sử dụng.

Đầu năm 2021 đã triển khai tiếp máy tuyển lựa thứ hai tại bãi chôn lấp số 3, thu hồi bọc ni lông công suất 30 tấn/ngày. Đến tháng 6/2022, bãi chôn lấp hợp vệ sinh số 3 đầy. Công ty đắp đê bao xung quanh bãi số 3 nhằm tăng khối lượng chứa rác bằng hình thức chôn lấp. Diện tích đất không nở nhưng khối lượng rác ngày càng tăng. Đê bao thường xuyên bị vỡ, ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương.

Bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh số 3 quá tải, UBND tỉnh Vĩnh Long có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh số 4 tại xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, nằm liền kề bãi rác số 3 hiện hữu. Theo quyết định, tỉnh sẽ thu hồi đất với diện tích khoảng 5ha trong quy hoạch Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Hòa Phú. Đầu tư xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh số 4 với diện tích sử dụng đất khoảng 3,23ha (phần diện tích đất còn lại khoảng 1,77ha sau khi thu hồi sẽ giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện dự án Khu 2 liên hợp xử lý chất thải rắn Hòa phú. Tổng giá trị công trình hơn 43 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Trong đó, chi phí xây dựng gần 18 tỷ đồng, còn lại là chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, quản lý, dự phòng… do Công ty Cổ phần Công trình công cộng Vĩnh Long làm chủ đầu tư.

Công trình gồm các hạng mục: Đắp bờ bao và trồng cây xanh xung quanh khu đất) với sức chứa khoảng 200.000 tấn, hạng mục đường giao thông (đoạn từ bãi rác số 3 đến bãi rác số 4 dự kiến đầu tư) với chiều dài khoảng 120m, nền đường rộng 6m, mặt đường rộng 5m. Các hạng mục khác như cấp điện, chiếu sáng, chống sét, thoát nước… Bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh số 4 sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng diện tích bãi rác Hòa Phú lên khoảng 23ha để tiếp nhận và xử lý rác trên địa bàn thành phố Vĩnh Long và một số huyện, thị xã lân cận trong tỉnh.

Không chỉ Bến Tre, Vĩnh Long, tại khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các địa phương ráo riết đầu tư xây dựng mở rộng bãi chôn lấp rác. Hệ lụy tại bãi rác Đông Thạnh, Cần Thơ mà chúng tôi nêu ở bài viết trước có từ 50 năm trước đã để lại 21.000 tấn rác chắn ngang dự án đường cao tốc giờ không biết xử lý thế nào. Chợt nghĩ, hàng loạt bãi chôn lấp rác đang hiện hữu là nỗi lo của người dân địa phương và hệ lụy kéo dài không biết đến bao giờ mới xử lý dứt điểm?

Theo Trung tâm công nghệ môi trường, thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, hiện nay trên thế giới, công nghệ đốt chất thải đã ngày càng được áp dụng rộng rãi, do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, như giảm được 90 - 95% thể tích và khối lượng chất thải, có thể tận dụng nhiệt, tiết kiệm được diện tích so với biện pháp chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi, giảm phát khí thải nhà kính so với biện pháp chôn lấp.

Tại Châu Âu, rác được xử lý bằng công nghệ đốt được thực hiện từ những năm 1930. Ở Đức có trên 60% số lượng rác được đốt, ở Đan Mạch là 100% được đốt và thu hồi năng lượng... Nhiệt được sản xuất từ lò đốt được sử dụng để tạo ra hơi nước, mà sau đó dùng chạy tua bin để sản xuất điện... Đốt khoảng 600 tấn rác/ngày sẽ sản xuất khoảng 400 MWh điện năng/ngày và 1.200 MWh năng lượng sưởi ấm mỗi ngày.

Đào Văn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load