Thứ sáu 08/11/2024 06:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Giàn giáo trong xây dựng - không thể coi nhẹ!

Bài 2: Giàn giáo cần được ứng xử phù hợp

15:00 | 25/02/2020

(Xây dựng) - Để chủ động phòng tránh các sự cố tai nạn do giàn giáo, cần coi hệ thống giàn giáo phục vụ chống đỡ kết cấu là các kết cấu để có ứng xử đúng, phù hợp.

bai 2 gian giao can duoc ung xu phu hop
Cần quản lý chất lượng giàn giáo loại chống đỡ kết cấu công trình như quản lý chất lượng kết cấu chính của công trình.

Phân biệt 2 loại giàn giáo

Có 2 loại giàn giáo: Giàn giáo loại 1 dùng để phục vụ cho người làm việc trên cao (Scaffold) và giàn giáo loại 2 là loại cùng với các bộ phận khác (ván khuôn, móng đỡ...) phục vụ chống đỡ kết cấu trong quá trình thi công (False work).

Đối với giàn giáo phục vụ chống đỡ là loại kết cấu tạm thời nên việc thực hiện thiết kế, chế tạo, lắp dựng, kiểm tra (trước, trong, sau khi lắp dựng và trong quá trình sử dụng), thử tải (nếu cần) và tháo dỡ phải được thực hiện theo các tiêu chuẩn thực hành đối với kết cấu.

Các giàn giáo loại 1 do nhà máy sản xuất đều là loại giáo thép/kim loại, có các tiêu chuẩn riêng về thiết kế, chế tạo, thí nghiệm kiểm tra, lắp dựng và sử dụng (tiêu chuẩn Việt Nam và nước ngoài). Vật liệu dùng để chế tạo loại giàn giáo này đều có quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản phẩm (kim loại, que hàn...).

Về nguyên tắc, các nhà sản xuất phải thực hiện theo các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn, giàn giáo định hình phải được hợp chuẩn thì mới được coi là sản phẩm hàng hóa. Việc kiểm tra sản phẩm hàng hóa theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Giàn giáo loại 2 được khảo sát, thiết kế, chế tạo, lắp dựng, kiểm tra, kiểm soát,... theo đặc điểm riêng của từng công trình và mục đích chống đỡ. Vì vậy, việc kiểm tra chất lượng áp dụng như đối với công tác kết cấu thép/kim loại. Việc quy định về kiểm tra chất lượng thực hiện theo Luật Xây dựng và các văn bản dưới luật về quản lý chất lượng.

Theo một chuyên gia trong ngành, các sự cố xảy ra liên quan đến giàn giáo, về cơ bản, có mấy nhóm nguyên nhân như: Do công tác khảo sát, thiết kế - khảo sát giàn giáo chưa đủ, thiết kế giàn giáo chưa bảo đảm an toàn (không lường trước các điều kiện phức tạp của địa chất như trong trường hợp sự cố cầu Cần Thơ) hoặc thiếu quy trình/chỉ dẫn cụ thể đối với công tác chế tạo/sản xuất, lắp dựng và kiểm tra giàn giáo trong quá trình thi công; Do việc chế tạo, lắp dựng và kiểm tra/kiểm soát giàn giáo không tuân thủ đúng yêu cầu thiết kế, quy trình và tiêu chuẩn áp dụng giàn giáo trong trong quá trình thi công (vụ việc đổ trụ thép cầu Hòa Bình 3); Và do tất cả các nguyên nhân trên.

Hay nói cách khác là tập trung chủ yếu vào giàn giáo phục vụ chống đỡ kết cấu trong quá trình thi công (giàn giáo loại 2). Do đó, trước tiên, phải coi hệ thống giàn giáo này là các kết cấu để có ứng xử đúng, phù hợp. Từ quan điểm này, tất cả các công việc có liên quan đến khảo sát, thiết kế, chế tạo, lắp dựng, kiểm tra, kiểm soát... phải thực hiện bài bản như áp dụng cho kết cấu chịu lực chính của công trình thì mới giảm thiểu nguy cơ sự cố tai nạn do giàn giáo gây ra.

Quản lý giàn giáo như kết cấu chính

Hiện nay, thang máy và cần cẩu đều có Chứng nhận hợp quy, trong khi đó giàn giáo là một thiết bị vô cùng quan trọng nhưng chưa có Chứng nhận hợp quy.

Một chuyên gia cho biết, theo quy định của Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật thì “Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; Bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; Bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác”.

Đối với giàn giáo loại 1 hiện tại chưa có quy chuẩn riêng nên việc xem xét yêu cầu hợp quy cần được xem xét. Tuy nhiên, đối với giàn giáo loại 2 là kết cấu chống đỡ nên thiết bị này khá đa dạng, thay đổi theo mục đích, yêu cầu công việc chống đỡ khác nhau (thậm chí ngay trên một công trình).

Ngoài ra, hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn về vật liệu, tải trọng, thiết kế kết cấu, thi công, nghiệm thu... để áp dụng cho kết cấu chống đỡ tạm cũng khá đầy đủ nên việc lập quy chuẩn riêng cho hệ thống giàn giáo loại 2 là không cần thiết. Cho nên, việc cần có quy định hợp quy với giàn giáo loại 2 là không khả thi. Vấn đề quan trọng là phải quản lý chất lượng giàn giáo loại 2 như quản lý chất lượng kết cấu chính của công trình.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load