Thứ tư 13/11/2024 16:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Những công trình xây dựng để đời trên đất Quảng Ninh

Bài 2: Cầu Bãi Cháy đi vào thơ ca

07:53 | 06/05/2023

(Xây dựng) - Năm nay, Quảng Ninh kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh (30/10/1963 - 30/10/2023). Hơn một phần hai thế kỷ xây dựng và phát triển, địa phương đã có nhiều công trình xây dựng để đời, trong đó có cầu Bãi Cháy, công trình kinh điển về kỹ thuật xây dựng cầu đường, có giá trị văn hóa đã đi vào thơ ca.

Bài 2: Cầu Bãi Cháy đi vào thơ ca
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Văn Hiền đã thuyết phục được Ngân hàng Thế giới đầu tư xây dựng cầu Bãi Cháy và cầu kết nối đô thị thiết thực phục vụ người dân địa phương.

Cầu Bãi Cháy trên trục đường Quốc lộ 18, bắc qua sông Cửa Lục (eo biển vịnh Hạ Long), thuộc địa bàn thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Công trình khởi công ngày 18/5/2003, khánh thành đưa vào sử dụng ngày 2/12/2006, kinh phí đầu tư giá trị thời điểm ấy là 2.140 tỷ đồng, gồm vốn ODA đặc biệt của Chính phủ Nhật Bản và một phần vốn đối ứng trong nước.

Ngày khánh thành cầu Bãi Cháy, hàng vạn người dân địa phương, trong đó có nhiều người ở tuổi bách niên và người bệnh trọng đã “gần đất xa trời” ngồi trên xe lăn con cháu đưa đến nguyện vọng cuối đời được chiêm ngưỡng công trình như một huyền thoại về kỹ thuật xây dựng cầu vượt biển đầu tiên ở Việt Nam; và là một tác phẩm nghệ thuật khổng lồ vắt qua Cửa Lục, eo biển lớn trên vịnh Hạ Long - Kỳ quan di sản thiên nhiên thế giới. Tiếp đó, nhiều văn nghệ sỹ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp quá giang đã “tức cảnh sinh thơ”. Nếu ai đó tập hợp các tác phẩm văn chương, thơ ca về công trình cầu Bãi Cháy, chắc hẳn thành một tuyệt phẩm đồ sộ. Trong đó, có nhạc phẩm Cây đàn Hạ Long, của Nhạc sỹ Lê Nguyên Thêm đã đạt giải Nhì giải Văn nghệ Hạ Long, giải thưởng cao quý của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh 5 năm xét tặng một lần trao tặng cho tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu.

Cây cầu kết nối không gian đô thị

Cầu Bãi Cháy là cây cầu cuối cùng trên trục đường Quốc lộ 18 từ Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đến sân bay Nội Bài dài 324km. Khi đặt vấn đề xây dựng bằng vốn ODA, nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài không đồng ý, bởi xây dựng cây cầu vượt eo biển Của Lục khẩu độ nhịp chính dài ở mức chưa từng có trên thế giới, lại đảm bảo độ thông thuyền cho luồng tàu 6 vạn tấn ra vào cảng nước sâu Cái Lân; và một tiểu vùng khí hậu lộng gió, độ chênh nước triều trên 6m, nước siết… là phiêu lưu. Nếu địa phương quyết tâm xây cầu bỏ phà Bãi Cháy, thì chỉ nên đặt một mục tiêu là đảm bảo giao thông vận tải trục Quốc lộ 18.

Khi ấy ông Hà Văn Hiền là Bí thư Tỉnh ủy phải thuyết phục bằng những lý lẽ kết hợp thực tế với những thành tựu tiến bộ trong xây dựng cầu đường trên thế giới. Lại được các đơn vị thiết kế danh tiếng quốc tế, gồm Liên doanh tư vấn JBSI (Viện cầu và kết cấu Nhật Bản), PCI (Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương, TEDI (Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT) và Công ty tư vấn thiết kế Hyder… ủng hộ. Hệ thống ngân hàng quốc tế mới chấp nhận đầu tư bằng vốn ODA theo đặc ân của Chính phủ Nhật Bản.

Một chi tiết còn ít người biết, đó là cầu Bãi Cháy không chỉ đạt mục tiêu đảm bảo giao thông vận tải, xóa đò phà - đường ngầm trên trục Quốc lộ 18 mà còn kết nối đô thị. Chẳng hạn như nhánh xuống bến phà đầu Bãi Cháy, nhánh xuống khu Ba Đèo phía Hồng Gai, thiết kế ban đầu không có. Đây là sự đề xuất phát sinh của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Văn Hiền, lúc đầu cũng còn có những ý kiến e ngại sự đồng thuận không cao. Đến khi sử dụng, mỗi năm lại thấy rõ tác dụng sự cần thiết của cầu đường quốc lộ kết nối đô thị, người dân địa phương sát sườn được hưởng lợi giao thông dân sinh. Nhất là gần đây khi tốc độ đô thị hóa nhanh; và hệ thống giao thông kết nối vùng, kết nối quốc gia thay đổi, chẳng hạn như đường cao tốc Móng Cái - Hải Phòng, hướng tới có cao tốc Nội Bài - Quảng Ninh... còn đánh tụt vị thế cổng tỉnh ở Đông Triều.

Kinh điển về kỹ thuật xây dựng cầu vượt biển

Cầu Bãi Cháy dài 2.487m, trong đó chiều dài cầu chính (không kể đường dẫn) 903m, gồm 6 nhịp liên tục, nhịp chính dài 435m; chiều cao thông thuyền 50m, trụ cao nhất 137,5m so với mực nước biển. Đây là 1 trong 5 cây cầu dây văng dự ứng lực một mặt phẳng lớn nhất thế giới. So với cầu Sunshinne Skyway của Mỹ, chiều dài toàn cầu Bãi Cháy ngắn hơn, nhưng nhịp chính với độ dài 435m thì lại dài hơn cầu Sunshinne Skyway của Mỹ 35m, đương nhiên kỷ lục vượt biển thuộc về cầu Bãi Cháy. Cầu Bãi Cháy lại qua eo biển nước sâu, hải lưu chảy xiết hơn 4 cây cầu dây văng dự ứng lực một mặt phẳng cùng lớn nhất thế giới kia. Mặt cầu rộng 25,5m, được thiết kế cho 4 làn xe ôtô H30 (360 xe với tổng tải trọng 10.800T có thể chạy qua cầu cùng một lúc cách nhau 10m); 2 làn đường cho người đi bộ và phương tiện thô sơ rộng 2,5m chứa được 30.100 người. Hai thân trụ tháp cao 90m/tháp. Cầu chịu đựng được những điều kiện thời tiết bất lợi như: động đất cấp 7, gió bão tốc độ gió 50m/s-180km/h, thay đổi nhiệt độ với biên độ thay đổi 15 độ.

Cầu Bãi Cháy với công nghệ xây dựng cầu tiên tiến của người Nhật, đến nay còn là một hằng số bí ẩn. Mắt thường nhìn thấy 2 trụ đỡ cao 137,5m, còn phần âm sâu 47,5m, đường kính rộng 60m, khối lượng bốc đất đá trên 1.000m3. Thi công móng trụ theo công nghệ giếng chìm hơi ép, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Khi thi công, dân ở lân cận công trình xây dựng đến giờ cũng chưa hiểu, hàng ngàn khối đất đá moi lên từ móng trụ cầu đổ đi đâu và đổ khi nào? Không ai nhìn thấy; và lần đầu tiên đổ bê tông không cần đóng cốp pha, giàn giáo chống từ phía dưới lên. Bản cầu đổ bê tông công nghệ đúc hẫng lần đầu áp dụng ở Việt Nam, bản cầu tịnh tiến từ 2 mố cầu vươn ra biển. Điểm hợp long trong cấp gió bình thường, độ dung sai khoảng 2m, tức độ lắc ngang dọc là 4m, nên khi hợp long phải chọn thời điểm ngừng gió, đứng nước triều, tức tĩnh không là một kỳ công trong xây dựng.

Bài 2: Cầu Bãi Cháy đi vào thơ ca
Nhạc phẩm Cây đàn Hạ Long của Nhạc sỹ Lê Nguyên Thêm.

Cầu Bãi Cháy đổ bê tông móng giếng chìm, một trụ hết 800m3 bê tông, cường độ 24Mpa. Khi đổ bê tông còn phải dùng đến 3.200 cây nước đá, loại 25kg/cây (làm lạnh bê tông để chống rạn nứt). Phần trụ nổi trên mặt đất cao 90m, bê tông nhẵn thín, bóng nhẫy đạt mức soi gương được, đến giờ không vôi ve nhưng vẫn còn như mới. Cầu 1 hàng dây văng chính giữa, như vai người gánh đôi quang. Hai làn đường xuôi ngược, hôm thử tải một bên xe chạy kín đường, một bên không xe (một bên có tải - một bên không có tải) mà vẫn thăng bằng không bị “tùng bê”, hàng ngàn người chứng kiến thán phục. Ở trong lòng bản cầu thì rộng rãi, thông thoáng theo chiều rộng và chiều dài của thân cầu. Ai đã từng vào “ruột” bản cầu Bãi Cháy, quả như xưởng máy, xe nâng hạ chạy bên trong để người thợ sửa chữa, cân chỉnh dây văng, duy tu bảo dưỡng công trình rất tiện lợi.

Cầu Bãi Cháy, cây cầu để đời trên đất Quảng Ninh, công trình kinh điển về kỹ thuật xây dựng cầu đường, có giá trị văn hóa đã đi vào thơ ca.

Một số hình ảnh về cây cầu Bãi Cháy:

Bài 2: Cầu Bãi Cháy đi vào thơ ca
Nhạc sỹ Lê Nguyên Thêm, tác giả bài hát Cây cầu Bãi Cháy - cây đàn Hạ Long.
Bài 2: Cầu Bãi Cháy đi vào thơ ca
Một doanh nghiệp tài trợ hệ thống đèn trị giá khoảng 40 tỷ đồng, gồm 8888 chiếc đèn led với 16 triệu màu.
Bài 2: Cầu Bãi Cháy đi vào thơ ca
Chiều cao thông thuyền 50m, đảm bảo tàu trọng tải lớn qua gầm cầu ra vào cảng nước sâu Cái Lân và cảng dầu B12 an toàn.
Bài 2: Cầu Bãi Cháy đi vào thơ ca
Công trình xây dựng kiên cố chịu được động đất cấp 7, gió bão tốc độ gió 50m trên giây -180km trên giờ, thay đổi nhiệt độ với biên độ thay đổi 15 độ.
Bài 2: Cầu Bãi Cháy đi vào thơ ca
Cầu Bãi Cháy - một hàng dây văng vắt qua eo biển Cửa Lục nom như cây đàn.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load