Thứ ba 14/05/2024 11:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đồng bằng sông Cửu Long: “Giải cứu” những công trình trọng điểm

Bài 1: Khi công trình “đói”… cát!

19:05 | 05/04/2024

(Xây dựng) – Hiện nay, nhiều công trình trọng điểm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chậm tiến độ do thiếu cát. Trên bờ, những tuyến cao tốc chờ những sà lan chở cát để san lắp mặt bằng; dưới sông, các công trình cầu thi công cầm chừng chờ… cát. Và còn nhiều công trình, dự án trọng điểm ở miền Tây có một điểm chung là thiếu cát. Làm thế nào để các công trình, dự án không còn nỗi lo thiếu cát đang là câu hỏi rất cần các cơ quan chuyên môn vào cuộc.

Bài 1: Khi công trình “đói”… cát!
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng (bên trái) trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh (bên phải) sau khi khảo sát dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (đoạn qua Hậu Giang).

Dự án cao tốc chậm tiến độ

Theo thống kê, các tỉnh ĐBSCL đang triển khai 8 dự án đường cao tốc, với tổng cộng 463km chạy qua 10 tỉnh. Các dự án này có nhu cầu về cát san lấp rất lớn, cần khoảng 53,7 triệu m3 cát san lấp nền. Trong đó, nhu cầu cát san lấp nền của các dự án năm 2023 khoảng 16,78 triệu m3, năm 2024 khoảng 23,63 triệu m3.

Theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, đến nay, mặt bằng bàn giao của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 được khoảng 695,38/721,25km (đạt 96,4%). Tuy nhiên, mặt bằng có thể thi công được khoảng 84,20/721,25km (đạt 94,9%) chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ.

Hầu hết, các dự án đều chung tình cảnh thiếu cát san lấp nên chậm tiến độ. Báo cáo của UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố đang tập trung triển khai Dự án thành phần 2 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, với tổng chiều dài 37,4km. Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán đã được phê duyệt thì nhu cầu cát san lấp cho dự án khoảng 7 triệu m3 cát (khối rời). Trong quá trình triển khai dự án, thành phố Cần Thơ gặp khó khăn về nguồn cát san lấp. Thành phố được tỉnh An Giang hỗ trợ 2,3 triệu m3, hiện còn thiếu khoảng 4,7 triệu m3 cát.

Tương tự, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Dự án đi qua địa bàn thành phố Cần Thơ và 4 tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Dự án được khởi công ngày 1/1/2023, chia thành hai dự án thành phần, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài hơn 37km, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang – Cà Mau có chiều dài hơn 73km, tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng.

Ngày khởi công, chủ đầu tư cam kết cuối năm 2025 đoạn Cần Thơ – Cà Mau phải cơ bản hoàn thành, nhưng tới nay vẫn thiếu 3 triệu m3 cát chưa xác định được nguồn khai thác.

Bài 1: Khi công trình “đói”… cát!
Nhiều dự án thành phần cao tốc phải chờ cát.

Ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư) cho biết, tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vẫn đang chậm sau hơn một năm triển khai thi công. Hiện sản lượng đạt hơn 20% giá trị hợp đồng, chậm so với tiến độ khoảng 6 tháng. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu cát san lấp nền đường. Các nhà thầu đang tập trung thi công các hạng mục cầu, đường công vụ, cầu tạm bù lại tiến độ phần đường.

Tại Sóc Trăng, tính đến tháng 3/2024, do thiếu vật liệu xây dựng nên các gói thầu cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng triển khai đạt khối lượng không đáng kể. Theo đó, gói thầu số 9, gói thầu số 10 và gói thầu số 12, các nhà thầu đang triển khai đào đường công vụ và cầu tạm để triển khai thi công các cầu. Gói thầu số 11 (thi công xây lắp đoạn Km 159+500 - đến Km 174+000), do liên danh Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà - Công ty Cổ phần Đầu tư Xây lắp Miền Nam - Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam làm nhà thầu thi công. Gói thầu này khởi công từ ngày 17/6/2023, nhưng do khó khăn về nguồn cát nên các nhà thầu mới tập trung lập thiết kế bản vẽ thi công, thi công vét hữu cơ, đào nền đường công vụ.

Đồng thời, triển khai thi công một số cầu không vướng giải phóng mặt bằng và có đường vận chuyển (cầu số 27, cầu số 30, cầu số 34). Khối lượng thi công đạt được khoảng 37 tỷ/2.290 tỷ đồng. UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định, do khó khăn về nguồn cát, nên đến nay khối lượng gói thầu đã khởi công đạt được chưa nhiều.

Nhu cầu cát đắp trong năm 2024 của tỉnh Đồng Tháp trên 1,7 triệu m3. Tuy nhiên, 3 mỏ cát tỉnh giao khai thác cho dự án đến nay chưa xong thủ tục để đưa mỏ vào khai thác. Nguyên nhân là Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có hướng dẫn áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát san lấp). Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đang thi công phần san lấp nền đường và xây dựng cầu, rất cần nguồn cung ứng cát phục vụ thi công.

Lãnh đạo Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, nhà thầu được Bộ Giao thông vận tải và các địa phương giao cho thực hiện 13 dự án cao tốc, trong đó có 8 dự án ở miền Trung, 5 dự án ở ĐBSCL cho rằng, không chỉ các dự án cao tốc ở phía Nam khan hiếm vật liệu thi công mà nhiều dự án ở khu vực miền Trung có thời điểm cũng không có vật liệu thi công dù dự án nằm ngay cạnh mỏ vật liệu.

Bài 1: Khi công trình “đói”… cát!
Tuyến đường dẫn cầu Rạch Miễu 2 thiếu cát.

Nhà thầu Trường Sơn đang thi công cùng lúc ba dự án thành phần của tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chạy qua ba tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, các dự án cao tốc trục dọc như Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau. Việc thi công các dự án này đều thiếu nghiêm trọng cát đắp nền đường. Trong năm 2023, Tổng Công ty Trường Sơn cần 1,8 triệu m3 cát để đắp nền các dự án nhưng chỉ An Giang mới phân bổ 1,1 triệu m3 cát, song mới đây sau vụ việc doanh nghiệp khai thác cát bị bắt ở tỉnh này, nhà thầu không có nguồn cát để thi công. Trong khi nhà thầu vẫn phải bỏ toàn bộ chi phí về thiết bị, máy móc thi công, nhân sự tại công trường. Đây là vấn đề nhức nhối trong thi công các dự án cao tốc trong vùng.

Điệp khúc chờ… cát

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị chủ đầu tư dự án này cho biết, đến nay dự án cầu Rạch Miễu 2 đã triển khai thi công 6/6 gói thầu. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng việc thi công phần cầu đáp ứng tiến độ; phần đường chậm khoảng 5-7 tháng, chủ yếu do công tác bàn giao mặt bằng còn nhiều vướng mắc và khó khăn về nguồn cát xây lắp. Tổng khối lượng tập kết cát toàn dự án đến nay đạt 642.000m3 (80%), còn lại khoảng 160.000m3 cát, các nhà thầu đang tiếp tục huy động, tập trung phần lớn ở gói thầu XL-01, XL-03 do chưa có mặt bằng thi công.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60, thuộc địa bàn các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng có tổng mức đầu tư hơn 7.960 tỷ đồng, gồm 2 gói thầu: Gói thầu thi công cầu Đại Ngãi 2, tuyến và các công trình trên tuyến; Gói thầu thi công cầu Đại Ngãi 1 việc thi công đắp cát nền đường đang chậm trễ do tình trạng khó khăn và khan hiếm nguồn vật liệu cát đắp. Trong khi đó, toàn bộ mặt bằng đã được phát quang, đã đào khuôn tường và đắp bờ bao đường công vụ rồi nhưng cát về đang rất nhỏ giọt, không có cát.

Bài 1: Khi công trình “đói”… cát!
Công trình cầu Đại Ngãi đang thi công.

Báo cáo của các địa phương, thiếu cát thi công công trình là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Thống kê của Sở Giao thông vận tải Kiên Giang, tình trạng thiếu cát san lấp mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ thực hiện nhiều công trình xây dựng trọng điểm trên địa bàn. Tỉnh đang cần khoảng 1,7 triệu m³ cát để san lấp. Trong đó, 02 dự án đường 3/2 (qua địa bàn thành phố Rạch Giá, huyện Châu Thành) cần khoảng 300.000m3 và đường ven biển Hòn Đất - Kiên Lương khoảng 900.000m3.

Tỉnh Sóc Trăng đã và đang triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm kết nối liên tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; tuyến đường hướng Bắc - Nam kết nối từ chân cầu Đại Ngãi; khu bến cảng Trần Đề... nên nhu cầu về vật liệu cát san lấp mặt bằng rất lớn. Theo tính toán sơ bộ của ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, để đáp ứng đủ vật liệu cát phục vụ san lấp các công trình, dự án trọng điểm trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng phải cần trên 250 triệu m3 cát.

Đào Văn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load