(Xây dựng) - Từ một huyện thuần nông, Phổ Yên đã và đang trở thành cực kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, “hạt nhân” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương khác trong khu vực chính là sự thành công của địa phương này khi “biến” Nghị quyết của Đảng về xây dựng đô thị trở thành hiện thực trong cuộc sống.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (lúc bấy giờ) trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Phổ Yên cho lãnh đạo Thị xã Phổ Yên. |
Tối 16/7/2015 một dấu mốc quan trọng đã đến với huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Ngày này đã diễn ra lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Phổ Yên trực thuộc tỉnh Thái Nguyên và kỷ niệm 70 năm thành lập chính quyền Cách mạng Phổ Yên.
Dự lễ kỷ niệm có bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Vũ Văn Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và của tỉnh Thái Nguyên.
Tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Phổ Yên trực thuộc tỉnh Thái Nguyên cho lãnh đạo thị xã. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho cán bộ và nhân dân thị xã Phổ Yên.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới đông đảo người dân thị xã Phổ Yên nhân sự kiện trọng đại này và biểu dương những nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, nhân dân thị xã trong suốt 70 năm qua. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thị xã Phổ Yên cần chủ động khai thác,tập trung phát triển sản xuất các mặt hàng có thế mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính thu hút đầu tư theo hướng phát triển công nghiệp, công nghệ cao; phát triển thị xã toàn diện, đảm bảo an sinh xã hội nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... Đặc biệt là thực hiện tốt việc tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Rất nhanh chóng, nhiều cánh đồng mẫu lớn được thay thế bằng các khu công nghiệp. |
Ông Lê Thanh Tuyết, vị Bí thư đầu tiên của Thị ủy Phổ Yên từng chia sẻ: Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, hành động, phục vụ nhân dân, luôn thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ và tạo sức lan tỏa về khát vọng xây dựng một thị xã văn minh, giàu đẹp trong từng người dân.
Phổ Yên nằm ở phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, là trung tâm tổng hợp về công nghiệp, thương mại và dịch vụ, đầu mối giao thông có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, là cửa ngõ giao lưu kinh tế - văn hóa của tỉnh Thái Nguyên với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Vùng đất Phổ Yên hình thành và phát triển từ lâu đời gắn với quá trình điều chỉnh, chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính ngay từ thời kỳ phong kiến. Đến những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Phổ Yên là một huyện thuộc tỉnh Thái Nguyên gồm 6 tổng, với 24 làng. Năm 1918 Phổ Yên là 1 phủ thuộc tỉnh Thái Nguyên gồm 8 tổng, 36 làng.
Năm 1948 phủ Phổ Yên được đổi thành huyện Phổ Yên. Năm 1956 huyện Phổ Yên tách khỏi tỉnh Thái Nguyên, để trở thành một huyện của tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1957 huyện Phổ Yên được nhập về tỉnh Thái Nguyên thuộc khu Tự trị Việt Bắc.
Từ năm 1967 đến nay, huyện Phổ Yên nhiều lần thực hiện điều chỉnh, đổi tên và thành lập mới các đơn vị hành chính trực thuộc... Trước năm 2010 Phổ Yên luôn được biết đến là một huyện thuần nông của tỉnh Thái Nguyên với cơ cấu nông lâm nghiệp chiếm hơn 64%.
Trong kết quả có thể coi là “thần kỳ” khi nhanh chóng từ một huyện thuần nông trở thành thành phố trực thuộc tỉnh của Phổ Yên, có dấu ấn quyết định từ sự định hướng, chỉ đạo đúng đắn của cấp uỷ Đảng các cấp, sự điều hành linh hoạt, sáng tạo của chính quyền, sự đoàn kết nhất trí của nhân dân các dân tộc và đồng hành cùng phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải cách hành chính một cách triệt để và quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng, đã giúp Phổ Yên thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn. Sự hiện diện của Tập đoàn điện tử Samsung (Hàn Quốc) và các công ty đa quốc gia trên địa bàn là minh chứng rõ nét nhất. Nhờ vậy, nhiều năm liên tục Phổ Yên là địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất của tỉnh Thái Nguyên, luôn đứng đầu các chỉ số về sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu và thu nộp ngân sách Nhà nước.
Lễ khởi công tổ hợp Samsung Thái Nguyên, điểm nhấn quan trọng nhất trong năm 2013. |
Thống kê cho thấy: Trong giai đoạn 2010 - 2015, Phổ Yên đã thu hút hơn 60 dự án lớn trên địa bàn đưa tổng vốn đầu tư đạt 225 nghìn tỷ đồng, đặc biệt, Dự án đầu tư của Tập đoàn Samsung ở Khu công nghiệp Yên Bình đã góp phần tăng nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Cùng với đó, Phổ Yên tập trung quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn đa quốc gia, hỗ trợ sản xuất doanh nghiệp nhỏ và vừa đi đôi với bảo vệ môi trường. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường và đô thị, bền vững, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa.
Qua nhiều năm chuẩn bị, nỗ lực, cố gắng hết mình của tập thể cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân các dân tộc trong toàn huyện, đến năm 2015, Phổ Yên đã cơ bản đạt 9/9 tiêu chí của một thị xã như: Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 411,168 tỷ đồng; GDP bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng/người; Tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm (2011-2013) đạt 20%; Tỷ lệ hộ nghèo 6,54%; Tổng dân số toàn đô thị đã bao gồm dân số quy đổi là 158.619 người; Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 68,74%, thương mại - dịch vụ chiếm 20,15%, nông - lâm - thủy sản chiếm 11,11%; Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch trong cơ cấu kinh tế của huyện đạt 88,89%…
Từ một huyện thuần nông, Phổ Yên đã và đang trở thành cực kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Thái Nguyên. |
Với những thành tích đạt được trong suốt chặng đường 70 năm đã qua ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phổ Yên vinh dự được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Ngày 15/5/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập thị xã Phổ Yên trực thuộc tỉnh Thái Nguyên - đây là niềm vinh dự lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Phổ Yên.
Sinh ra và lớn lên ở xã Nam Tiến (nay là phường Nam Tiến), ông Nguyễn Văn Chính chứng kiến mọi sự thăng trầm, phát triển của vùng quê mình vốn là mảnh đất thuần nông. Ông chia sẻ: “Người dân xã Nam Tiến trước đây chủ yếu làm nông nghiệp, một năm 2 vụ lúa và một vụ cây màu. Đời sống ở mức đủ ăn, chứ ít có hộ thuộc diện khá giả. Từ năm 2010 đến nay, với sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp và thương mại, dịch vụ nên diện mạo nông thôn cũng có sự phát triển mạnh mẽ. Nam Tiến giờ đã là phường, trên địa bàn được xây dựng Dự án Tổ hợp Quảng trường văn hóa thể thao - công viên - cây xanh, trung tâm thiết chế thể thao và nhiều tuyến đường lớn, hiện đại. Người dân chúng tôi ai cũng vô cùng phấn khởi”.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải ghi nhận: Từ một huyện thuần nông, Phổ Yên đã và đang trở thành cực kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Thái Nguyên. “Hạt nhân” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương khác chính là sự thành công của địa phương này khi “biến” Nghị quyết của Đảng về xây dựng đô thị trở thành hiện thực trong cuộc sống.
Vũ Vân Phương
Theo