Thứ sáu 20/09/2024 06:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Bắc Ninh: Nhiều ngôi nhà bị sông Cầu “nuốt chửng”, đề xuất giải pháp xử lý sự cố xong trước 15/5

10:28 | 09/04/2024

(Xây dựng) - Gần 1 tháng sau sự cố 1 ngôi nhà bị sông Cầu “nuốt chửng” ở khu Vạn Phúc, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh khiến nhiều người dân chưa hết bàng hoàng, thì rạng sáng 7/4/2024, 5 công trình nhà ở và 2 công trình khác tại đây cũng bị sạt trượt và nghiêng đổ về phía đê. UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn khu vực sự cố sạt trượt; xử lý sự cố xong trước 15/5.

Bắc Ninh: Nhiều ngôi nhà bị sông Cầu “nuốt chửng”, đề xuất giải pháp xử lý sự cố xong trước 15/5
Ngôi nhà của gia đình anh Nguyễn Văn Cường sinh sống ở khu Vạn Phúc, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh bị sạt trượt vào khoảng 14h30 ngày 14/3.

Được biết, ngày 5/4/2024, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh Nguyễn Song Hà đã ký ban hành Công văn hoả tốc số 716/UBND-VP, về thực hiện các biện pháp khẩn cấp đảm bảo an toàn khu vực sự cố sạt trượt tương ứng từ Km49+750 ÷ Km49+800 đê Hữu Cầu, khu Vạn Phúc, phường Vạn An, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản của nhân dân nằm trong khu vực sạt lở bờ sông.

Cụ thể, giao Ban quản lý dự án xây dựng thành phố chủ trì, phối hợp với các phòng, ban đơn vị có liên quan, UBND phường Vạn An và đơn vị tư vấn khẩn trương xây dựng phương án xử lý sự cố khẩn cấp, hạn chế sạt lở diện rộng trong mùa mưa lũ… (dự kiến thi công từ ngày 10/4/2024). Tuy nhiên, chưa kịp triển khai thì sự cố sụt lún lại tiếp tục xảy ra với 7 công trình bị sạt trượt và nghiêng đổ về phía đê.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Đặng Thanh Ngân - Phó Chủ tịch UBND phường Vạn An cho biết, vào hồi 02h15 ngày 7/4/2024, tổ trực của phường và khu Vạn Phúc ghi nhận sự cố tại đoạn sông từ Km49+750 ÷ Km49+800 đê hữu Cầu, khu Vạn Phúc, phường Vạn An có 5 công trình nhà ở (có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); và 2 công trình khác đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị sạt trượt và nghiêng đổ về phía đê, không có thiệt hại về người.

Sau sự cố sụt lún xảy ra vào ngày 14/3/2024 tại khu Vạn Phúc, các cấp chính quyền của tỉnh Bắc Ninh cũng đã kịp thời chỉ đạo, di dời và sơ tán khẩn cấp 12 hộ dân nằm trong diện bị ảnh hưởng sụt lún đến các nơi an toàn nên các sự cố xảy ra vừa qua không gây thiệt hại về người, tuy nhiên tài sản của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong 12 hộ sơ tán thì có 3 hộ di dời đến sống tạm ở nhà văn hoá của phường Vạn An.

Bắc Ninh: Nhiều ngôi nhà bị sông Cầu “nuốt chửng”, đề xuất giải pháp xử lý sự cố xong trước 15/5
Gia đình ông Phan Đình Hòe (Bé) có công trình nhà ở 2 tầng 1 tum, kết cấu bê tông cốt thép (1 trong 7 công trình) bị sụt đổ nghiêng về phía đê vào rạng sáng 7/4/2024.

Chưa hết bàng hoàng sau sự cố ngôi nhà tích cóp mua được hơn 10 năm trước của vợ chồng con trai - mẹ đẻ ông Phan Đình Hoè (1 trong 5 hộ gia đình có ngôi nhà bị sụt đổ nghiêng về phía đê vào rạng sáng 7/4/2024) cho biết: “Đến giờ tôi vẫn nghĩ là nhà của gia đình tôi không bị sao. Đồ đạc chúng tôi vẫn còn trong nhà mà chưa lấy được gì”.

Tuy nhiên, mẹ ông Hoè cũng thông tin, gia đình bà cảm thấy may mắn vì được hỗ trợ sơ tán từ gần một tháng trước về nhà văn hoá của phường: “Nếu không chúng tôi cũng không biết đi đâu. Gia đình tôi rất cảm ơn chính quyền đã hỗ trợ chỗ ăn, ở; các nhà hảo tâm đã quan tâm đến các hộ gia đình thời gian qua cả về vật chất lẫn tinh thần”.

Được biết, vợ chồng ông Phan Đình Hoè mua ngôi nhà này từ cách đây hơn 10 năm. Hiện, 6 người đang sinh sống ở đây gồm mẹ đẻ ông Hoè, hai vợ chồng ông Hoè và 3 người con.

Bắc Ninh: Nhiều ngôi nhà bị sông Cầu “nuốt chửng”, đề xuất giải pháp xử lý sự cố xong trước 15/5
Ông Nguyễn Văn Chung chỉ vào phần móng nhà cho biết: “Gia đình tôi khi làm nhà còn để móng cách bờ kè sông 5-6m nên rất chắc chắn. Còn lòng sông như thế nào thì gia đình tôi cũng không biết được”.

Bà Nguyễn Thị Hưng – hộ gia đình có ngôi nhà gần khu vực sụt lún cho biết, gia đình bà cũng rất lo lắng trước tình trạng sụt lún vừa qua. Mặc dù, nhà bà chưa có vấn đề gì nhưng cũng cảm thấy bất an. “Chúng tôi mong Nhà nước sớm có các biện pháp để hỗ trợ và xử lý các tình trạng sụt lún trên”, bà Nguyễn Thị Hưng nói.

Ông Nguyễn Văn Chung (SN 1959) chồng bà Nguyễn Thị Hưng chia sẻ thêm: “Gia đình tôi khi làm nhà còn để móng cách bờ kè sông 5-6m nên rất chắc chắn. Còn lòng sông như thế nào thì gia đình tôi cũng không biết được”.

Khi thấy phóng viên đến hiện trường tìm hiểu thông tin, ông Nguyễn Văn Dung (SN 1968) - người dân sinh sống trên lòng sông Cầu từ bé chia sẻ: “Tôi rất mong muốn chính quyền sớm có phương án hỗ trợ cho chúng tôi có nơi an cư và ổn định cuộc sống. Dù trước đó chính quyền của tỉnh cũng từng chia sẻ sẽ hỗ trợ phương án tái định cư, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy”. Được biết, tình trạng lấn chiếm trên lòng sông Cầu phía bên kia sông (thuộc địa phẩn tỉnh Bắc Giang) diễn ra suốt nhiều năm qua…

Bắc Ninh: Nhiều ngôi nhà bị sông Cầu “nuốt chửng”, đề xuất giải pháp xử lý sự cố xong trước 15/5
Tại bến đò Vạn Phúc, mỗi lượt người dân qua đò, anh Thành thu được 2.000 đồng/người (đi bộ), xe đạp là 3.000 đồng, xe máy là 5.000 đồng. Trung bình cứ 5 phút lại có một lượt qua sông (ít tầm 3-5 người, nhiều khoảng gần 10 người và phương tiện).

Anh Nguyễn Văn Thành – người lái đò trên Bến đò Vạn Phúc cho biết, anh lái đò được gần 20 năm, sống lênh đênh trên sông nước này cũng khổ. Nhiều người chắt bóp mãi mới mua được đất, cất được cái nhà lên bờ ở thì nay bị sụt lún, mất trắng cả. Cũng mong rằng chính quyền sớm có phương án và xử lý khắc phục, để bà con sớm ổn định cuộc sống.

Ông Đặng Thanh Ngân – Phó Chủ tịch UBND phường Vạn An thông tin thêm về phương án xử lý trước sự cố, phường đã có phương án di chuyển người và tài sản đến nơi tránh trú an toàn, đề phòng trường hợp có sự cố sạt lở đất xảy ra trên diện rộng từ ngay khi có sự cố sụt lún nên không có thiệt hại về người; bố trí nơi ở tạm thời an toàn cho nhân dân; tiếp tục rà soát danh sách các hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống dọc sông Cầu, khu Vạn Phúc bị ảnh hưởng của hiện tượng sạt lở đất… điều chỉnh vị trí biển cảnh báo nguy hiểm và căng dây khoanh vùng hạn chế tiếp cận.

Về nguyên nhân gây ra sạt lở, ông Nguyễn Văn Du – Cán bộ địa chính - xây dựng của phường Vạn An cho biết: “Khu vực sạt lở đoạn Km49+750 ÷ Km49+800 đê Hữu Cầu nằm ở đoạn bờ sông cong, uốn lượn, nước lớn nhiều năm chảy xiết. Khu vực bên phường chúng tôi là bên lở, các thuyền to, phương tiện đi lại cũng bị tác động và ảnh hưởng dần dần tới các công trình nhà dân. Trong đó, khu vực bị sụt lún và đổ nghiêng là khúc cua chuyển hướng của dòng sông tại đây, lưu lượng nước sông có tác động cực mạnh cũng là nguyên nhân chính dẫn đến đất bị xói mòn sụt lún”.

Phường Vạn An xác định khu vực nguy hiểm tác động trực tiếp đến an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong phạm vi 25m tính từ mép hàng cọc bê tông về 2 phía, chạy dọc khu vực có sạt lở bờ sông.

Về hướng xử lý thời gian tới, để bảo đảm an toàn tính mạng của nhân dân, giảm thiểu thiệt hại về tài sản cho khu dân cư, Chủ tịch UBND phường Vạn An Tống Quang Thanh cho biết, UBND phường đã báo cáo các cấp có thẩm quyền quan tâm, sớm đầu tư xây dựng kè dọc sông Cầu để giảm thiểu tình trạng sạt lở đất, ổn định đời sống cho nhân dân. Từ ngày 15/4/2024, UBND phường sẽ bố trí nơi sơ tán lâu dài cho các hộ dân bị ảnh hưởng, bởi sự cố sạt lở bên bờ sông đến khuôn viên của trường mầm non cũ.

Trước các sự cố xảy ra, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn khu vực sự cố sạt trượt; giao UBND thành phố Bắc Ninh nhanh chóng giải phóng mặt bằng… đảm bảo đủ mặt bằng triển khai các biện pháp công trình chống sạt lở (khoảng cách tối thiểu 50m tính từ mép sạt lở vào bãi sông); giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Thuỷ lợi khảo sát, đánh giá, nghiên cứu xác định nguyên nhân đề xuất giải pháp xử lý sự cố xong trước ngày 15/5; khảo sát đánh giá nghiên cứu xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp xử lý đảm bảo an toàn cho toàn bộ dân cư ngoài bãi sông đê Hữu Cầu, huyện Yên Phong và thành phố Bắc Ninh đoạn K45+700÷K52+100.

Trước đó, Báo điện tử Xây dựng đã đưa tin liên quan đến sự cố sạt lở đê hữu Cầu; ngày 20/3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cũng đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai làm sạt lở bờ sông đoạn từ K49 +750: K49+ 800 đê hữu Cầu.

Mong rằng, trước mong mỏi của người dân sinh sống hai bên bờ sông, cùng đánh giá của chính quyền địa phương, các chuyên gia về hiện trạng sụt lún vừa qua, các cấp, các ngành của hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang sẽ có phương án hỗ trợ và xử lý sự cố mang tính khả thi để người dân sinh sống ở hai bên sông nối liền hai tỉnh sớm ổn định, mưu sinh.

Nguyên Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Bình: Sơ tán, di dời gần 1.000 hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở

    (Xây dựng) - Để đảm bảo an toàn cho người dân do ảnh hưởng của bão số 4, tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương tổ chức sơ tán, di dời 852 hộ/2.995 khẩu ra khỏi khu vực sạt lở.

  • Văn Yên (Yên Bái): Gắn biển công trình chào mừng 60 năm thành lập huyện

    (Xây dựng) - Huyện Văn Yên (Yên Bái) vừa tổ chức gắn biển và đưa vào sử dụng công trình chào mừng 60 năm Ngày thành lập huyện.

  • Bắc Giang: Tiếp tục tập trung giải quyết, khắc phục hậu quả do bão số 3

    (Xây dựng) – Mới đây, Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Công văn số 3366-CV/TU về việc tiếp tục giải quyết, khắc phục hậu quả của bão số 3 và mưa, lũ trên địa bàn.

  • Hà Tĩnh: Sẵn sàng phương án di dời hộ dân khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn

    (Xây dựng) - Trước tình hình bão số 4 ảnh hưởng gây mưa lớn, có nguy cơ ngập lụt cao, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đã sẵn sàng phương án di dời các hộ dân vùng thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở đất ven sông, chân núi và hạ du các hồ chứa nước đến nơi an toàn.

  • Dáng núi trong điểm trường Thâm Luông

    (Xây dựng) - Được hoàn thành xây dựng vào năm 2023, mới đây, điểm trường Thâm Luông (Hà Giang) đã xuất sắc giành chiến thắng trong hạng mục Trường và Đại học của Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế IAA năm 2024 (International Architecture Awards 2024). Công trình chứa đựng câu chuyện ý nghĩa về kiến trúc “xanh” giữa núi rừng.

  • Phục hồi cây xanh đô thị sau bão

    (Xây dựng) – Bão số 3 qua đi đã để lại những thiệt hại vô cùng lớn đối với lá phổi xanh của Thủ đô. Thống kê sơ bộ, bão số 3 khiến 8.700 cây đô thị của Hà Nội bị gãy đổ, tuy nhiên trong số đó chỉ có thể dựng trồng lại được khoảng 1.900 cây. Bên cạnh đó là mối nguy hiểm tiềm tàng từ những cây xanh già cỗi lâu năm trước bão gió, vì vậy việc khôi phục cây xanh nghiêng, đổ… cần khắc phục nhanh và kịp thời.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load