(Xây dựng) – Trong quá trình phát triển đất nước nói chung và Bắc Ninh nói riêng, đã mọc lên nhiều đô thị, nhiều khu công nghiệp, làm thay đổi diện mạo đất nước, đồng thời cũng tạo nên sự tăng trưởng kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay và tương lai khi đất nông nghiệp ngày càng hạn hẹp, tình trạng biến đổi khí hậu đã tạo ra một hướng mới trong nghiên cứu phát triển đô thị mà chúng ta cần nghiên cứu và áp dụng.
Bắc Ninh là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Bắc bộ với thời tiết khí hậu ôn hòa, nguồn nước phong phú, đất đai màu mỡ, rất phù hợp cho sự sinh trưởng phát triển của nhiều loại cây trồng. |
Quy định pháp luật cần thực tiễn hơn
Sau khi Kết luận Thanh tra UBND tỉnh Bắc Ninh trong công tác quản lý Nhà nước ngành Xây dựng các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng, thực hiện theo quy hoạch; hoạt động đầu tư xây dựng; hoạt động kinh doanh bất động sản giai đoạn 2016-2020 được ban hành, nhiều cơ quan báo chí cũng đã đưa thông tin về các sai phạm nêu trong kết luận, đặc biệt trong công tác quy hoạch xây dựng, thực hiện theo quy hoạch.
Cụ thể, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị còn nhiều tồn tại, thiếu sót, vi phạm như: Thời gian lập đồ án quy hoạch tại một số đồ án quy hoạch không đảm bảo theo quy định; Thời gian thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch tại một số đồ án không đảm bảo theo quy định.
Hay về việc lấy ý kiến đối với nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch còn các tồn tại như: Cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị chưa đúng theo quy định; Tổ chức tư vấn lập quy hoạch xây dựng không lấy ý kiến cơ quan, tổ chức cá nhân và cộng đồng cư dân có liên quan về đồ án quy hoạch đô thị theo quy định.
Như đối với nội dung lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch còn tồn tại nhiều thiếu sót, vi phạm như: Quy định quản lý theo đồ án được duyệt không nêu cụ thể một số chỉ tiêu về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và chiều cao tối đa, tối thiểu, cốt xây dựng đối với từng ô phố, Không xác định đất dành cho nhà ở xã hội và tái định cư trong đồ án quy hoạch phân khu, thiếu một số thành phần bản vẽ theo quy định...
Hoặc về công tác tổ chức thực hiện quy hoạch còn thiếu sót, vi phạm như: Nhiều đồ án không tổ chức công bố, công khai theo các hình thức quy định; Không tổ chức lập, phê duyệt hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị đã được phê duyệt và tổ chức triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa theo quy định… Ngoài ra, một số đơn vị thực hiện lập đồ án quy hoạch không đủ năng lực theo quy định.
Điều đáng nói, những tồn tại, thiếu sót và sai phạm trên đây không chỉ xảy ra ở Bắc Ninh, mà tương đối phổ biến ở hầu hết các đồ án quy hoạch triển khai trên cả nước. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là: Pháp luật quy định như vậy đã phù hợp với thực tiễn hay chưa? Nếu phù hợp thì tại sao lại xảy ra tình trạng phổ biến như trên? Như vậy vấn đề này cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để có quy định phù hợp với tình hình thực tế, nhằm đảm bảo việc thực hiện pháp luật một các nghiêm túc và có hiệu quả.
Có nên “đánh thức” tiềm năng du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp
Những cánh đồng ruộng lúa cao sản lớn, trù phú, là nguồn sống của người dân tại khu vực Tiên Du – Từ Sơn. |
Nghiên cứu Kết luận Thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng, chúng tôi quan tâm đến nội dung liên quan Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị, du lịch, sinh thái, văn hoá, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí trên địa bàn huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (sau đây viết tắt là Đồ án quy hoạc phân khu Khu đô thị Tiên Du – Từ Sơn). Theo Kết luận Thanh tra, Đồ án do Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros tài trợ kinh phí và lựa chọn tư vấn lập. Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị Bắc Ninh là cơ quan chủ trì; Sở Xây dựng Bắc Ninh thẩm định và UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt tại Quyết định số 678/QĐ-UBND ngày 23/10/2019. Theo Đồ án, phạm vi quy hoạch: Thuộc địa bàn các xã Tương Giang, xã Tam Sơn – thị xã Từ Sơn và thị trấn Lim, xã Hội Duệ, xã Phú Lâm - huyện Tiên Du.
Quy mô quy hoạch: Diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 1.687,35ha, trong đó diện tích quy hoạch khu đô thị khoảng 1.477,28ha, đất đơn vị ở hiện trạng và đất khác khoảng 210,07ha. Quy mô dân số khoảng 80.000 người.
Mục tiêu là hình thành một khu đô thị mới đa chức năng, có quy mô cấp vùng tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và có bản sắc văn hóa của địa phương; Hình thành một khu đô thị mới, thông minh, thúc đẩy quá trình phát triển đô thị của tỉnh.
Bắc Ninh là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ với thời tiết khí hậu ôn hòa, nguồn nước phong phú, đất đai màu mỡ, rất phù hợp cho sự sinh trưởng phát triển của nhiều loại cây trồng. Dân số Bắc Ninh hơn 1,3 triệu, mật độ dân số 1.664 người/km2.
Theo số liệu báo cáo, đến nay, toàn tỉnh có trên 1.000 vùng sản xuất lúa, trong đó có 260 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, trên 70 vùng rau màu chuyên canh. Đây là nguồn đất nông nghiệp hiếm hoi để đảm bảo an ninh lương thực cho tỉnh Bắc Ninh nói riêng và góp phần cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia nói chung.
Bắc Ninh có diện tích đất tự nhiên nhỏ nhất cả nước nhưng lại có nhiều khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp (đến hết năm 2021, Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung được phê duyệt) và làng nghề, dẫn đến diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.
Theo đồ án Đồ án quy hoạc phân khu Khu đô thị Tiên Du – Từ Sơn, Bản đồ hiện trạng kiến trúc cảnh quan và đánh giá quỹ đất xây dựng, diện tích đất nông nghiệp khoảng 1237,09ha chiếm 73,32% tổng diện tích khu đất lập quy hoạch (Bảng tổng hợp sử dụng đất).
Theo bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất của Đồ án quy hoạc phân khu Khu đô thị Tiên Du – Từ Sơn, sau quy hoạch, quỹ đất nông nghiệp hầu hết được chuyển đổi, chỉ còn giữ lại bố trí chức năng đất nông nghiệp làng nghề khoảng 36,73ha (chiếm 2,97% so với đất nông nghiệp hiện trạng). Điều này đồng nghĩa với hàng nghìn ha đất trồng lúa tiếp tục bị “khai tử”.
Bản đồ hiện trạng kiến trúc cảnh quan và đánh giá quỹ đất xây dựng, diện tích đất nông nghiệp khoảng 1237,09ha, chiếm 73,32% tổng diện tích khu đất lập quy hoạch. Sau quy hoạch phân khu, quỹ đất nông nghiệp hầu hết được chuyển đổi, chỉ còn giữ lại bố trí chức năng đất nông nghiệp làng nghề khoảng 36,73ha (chiếm 2,97% so với đất nông nghiệp hiện trạng). |
Qua khảo sát thực tế của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, quỹ đất nông nghiệp theo Đồ án quy hoạc phân khu Khu đô thị Tiên Du – Từ Sơn hiện chủ yếu là những cánh đồng ruộng lúa cao sản lớn, trù phú, là nguồn sống của người dân tại khu vực này.
Hiện nay, khi xã hội càng hiện đại và phát triển, con người lại có xu hướng tìm về những giá trị thiên nhiên đơn giản, thuần túy. Có thể nhìn thấy nơi đây chính là một khu du lịch cảnh quan tuyệt vời, đa dạng cần được bảo tồn, phát triển.
Bên cạnh đó, an ninh lương thực quốc gia luôn là vấn đề luôn được đặt lên hàng đầu, cấp bách khi nguồn cung và khả năng tiếp cận lương thực đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh xuyên biên giới ngày càng khốc liệt, khó lường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đang thu hẹp diện tích đất nông nghiệp.
Nhiều diện tích lúa mùa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng gay gắt (Ảnh: Thế Anh/TTXVN). |
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, về sản xuất nông nghiệp, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến 10/13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với vụ lúa mùa 2019, diện tích bị thiệt hại trên đất lúa tôm chủ yếu ở tỉnh Cà Mau 16.500/176.700ha, trong đó mất trắng 14.000ha.
Đối với vụ đông xuân 2019-2020, diện tích lúa bị ảnh hưởng khoảng 41.900ha/1.541.000ha tổng diện tích gieo trồng toàn vùng (chiếm tỷ lệ 2,7%). Trong đó, thiệt hại mất trắng 26.000ha ở các tỉnh Trà Vinh 14.300ha, Tiền Giang 4.500ha, Sóc Trăng 4.100ha, Kiên Giang 1.600ha, Long An 800ha, Cà Mau 600ha.
Trước bối cảnh trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030. Đây là vấn đề cần quan tâm khi lập các đồ án quy hoạch phát triển đô thị trên toàn quốc. Do việc phát triển nhanh các khu đô thị mới, mở rọng nâng cấp đô thị cũng làm giảm nhanh quỹ đất nông nghiệp, gây biến động về an toàn lương thực. Vậy nên, việc sử dụng quỹ đất nông nghiệp tiết kiệm và có hiệu quả, đặc biệt là ở các vùng nông nghiệp truyền thống đặc thù để đảm bảo giảm thiểu các biến động tiêu cực về môi trường, sự đa dạng và năng động hợp lý trong cấu trúc không gian đô thị, tôn vinh được các giá trị truyền thống… trong quá trình đô thị hóa.
“Giải pháp” công viên nông nghiệp đô thị gắn với du lịch, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp
Vừa qua, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh về đề nghị cho phép điều chỉnh các đồ án Quy hoạch phân khu nằm trong ranh giới đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Đề nghị này của Sở Xây dựng Bắc Ninh đã được UBND đồng ý, trong đó Đồ án quy hoạch phân khu khu đô thị Tiên Du – Từ Sơn được được cho phép lập điều chỉnh.
Từ những phân tích trên, đối với việc lập điều chỉnh Đồ án quy hoạch phân khu khu đô thị Tiên Du – Từ Sơn, UBND tỉnh Bắc Ninh nên quan tâm điều chỉnh, trong đó nên chăng chú trọng việc bảo tồn, nâng cao phát huy giá trị vùng lúa hiện có kết hợp trong quá trình chuyển đổi sang cấu trúc các khu chức năng đô thị mới.
Xu hướng nhiều nước trên thế giới đều đang thực hiện những dự án với mô hình “Công viên nông nghiệp”. Hướng quy hoạch với nông nghiệp trong thiết kế những vành đai xanh cho các khu đô thị - và cả hình thái Công viên nông nghiệp di sản trong đô thị kết hợp bảo tồn dưới dạng bảo tàng sống, tôn vinh văn hóa nông nghiệp vùng miền, có sự tham gia của cộng đồng; gắn kết với cá loại hình du lịch trải nghiệm vui chơi giải trí; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và các trung tâm thương mại dịch vụ như một giải pháp tối ưu để hạn chế những tiêu cực của quá trình đô thị hóa, nhằm xây dựng các đô thị phát triển xanh và bền vững. Nông nghiệp đô thị tạo ra một môi trường cảnh quan đẹp, các khoảng không gian xanh, giúp giảm chi phí cho các công viên trong thành phố, tránh lãng phí đất và cũng rất thuận lợi trong phân kì chuyển hóa sang kinh tế đô thị.
Không riêng gì các nước có nền nông nghiệp phát triển lâu đời, ngay tại các thành phố lớn như: Dubai, hay tại Hong Kong… cũng đã có các dự án công viên nông nghiệp đô thị, chứng minh sự tích hợp liên ngành trong quá trình quy hoạch, thiết kế và xây dựng đô thị.
Dự án Công viên Nông nghiệp Đô thị dài nhất thế giới tại Dubai, do Machou Architects đảm trách. Công viên này gồm 80% đất sản xuất nông nghiệp trong môi trường khí hậu khắc nghiệt. |
Tại Việt Nam, xu hướng quy hoạch và triển khai các dự án về công viên nông nghiệp đã và đang được triển khai tại một số thành phố, tỉnh thành bước đầu cũng đã đạt những hiệu quả nhất định như: Khu công viên Long Việt, Sóc Sơn Hà Nội, Dự án khu công viên nông nghiệp công nghệ cao, Điện Bàn, Quảng Nam…
Những năm qua, thành công của Chính phủ về chương trình Nông thôn mới, đã tạo ra nhiều điểm đến du lịch nông thôn được hình thành không những giúp phát triển thành phố, tỉnh, huyện, mà còn bảo vệ và gìn giữ môi trường sống tự nhiên. Việc phát triển quy hoạch này cần chú trọng đến phát triển đồng bộ về không gian kiến trúc cảnh quan và hạ tầng về truyền thống và hiện đại, đảm bảo an sinh xã hội, chất lượng không gian sống, đời sống người dân được nâng cao.
Từ những nghiên cứu trên, chúng tôi cho rằng Bắc Ninh là một tỉnh có nhiều khu công nghiệp, lực lượng lao động trong khu công nghiệp lớn, đất phát triển nông nghiệp đang cạn dần. Vì vậy, có nên nghiên cứu điều chỉnh Đồ án quy hoạch phân khu khu đô thị Tiên Du – Từ Sơn theo hướng công viên nông nghiệp đô thị gắn với du lịch, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp “Công viên nông nghiệp”. Một mặt vừa gìn giữ được các cánh đồng màu mỡ, hướng dẫn người dân tự làm; Một mặt là cải tạo các khu dân cư nông thôn hiện có, tạo các nghề truyền thống. Như vậy, chúng ta sẽ có một khu đô thị mà do chính người dân xây dựng, gìn giữ và thu lợi.
Lê Huyền Nhi
Theo