(Xây dựng) – Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chuyên môn, UBND huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư tăng cường công tác quản lý, triển khai các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Việc tăng cường quản lý nhằm đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của các dự án. |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chuyên môn về xây dựng nâng cao chất lượng công tác tham mưu, thẩm định, trình quyết định, điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đảm bảo chặt chẽ, đúng trình tự và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Trong đó cần đặc biệt quan tâm, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trước khi trình.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, báo cáo, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh để chấn chỉnh, chỉ đạo, xử lý các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, tổ chức các hội nghị chuyên đề, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý dự án, giám sát chất lượng, tư vấn thiết kế, định giá, lập dự toán xây dựng công trình, hoàn công, thanh quyết toán… Đồng thời tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ và tuân thủ quy định pháp luật.
Ngoài ra, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tăng cường công tác phối hợp, hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức triển khai thực hiện các dự án đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, tuân thủ các quy định của pháp luật nhằm rút ngắn thời gian thực hiện, nâng cao hiệu quả, chất lượng các công việc có liên quan.
Đối với các chủ đầu tư, nhà đầu tư, tổ chức triển khai thực hiện từng khâu, từng bước của các dự án đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, tuân thủ các quy định của pháp luật. Siết chặt kỷ cương, quản lý chặt chẽ mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia trong suốt quá trình triển khai dự án, bảo đảm tuân thủ quy định của hợp đồng và các quy định pháp luật có liên quan.
Nghiêm cấm các hành vi: Thông đồng, móc ngoặc để hợp thức hóa hồ sơ thủ tục, làm sai lệch hồ sơ, kết quả công việc, kết quả lựa chọn nhà thầu, tăng khống khối lượng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, chèn ép, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các đơn vị, thu lợi cá nhân; áp đặt chỉ định mỏ vật liệu, chỉ định nguồn gốc, xuất xứ, gửi nhà thầu, nhà thầu phụ, nhà thầu cung cấp hàng hóa, vật tư, vật liệu… cho dự án.
Cùng với đó, thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát công tác quản lý chất lượng, tiến độ, an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường của từng chủ thể, từng khâu, từng bước để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các tồn tại, hạn chế… Tăng cường công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ dự án đảm bảo đầy đủ, logic, khoa học.
Chủ động phối hợp với các sở chuyên ngành, địa phương để hoàn thiện các thủ tục có liên quan về đất đai, tài nguyên môi trường, khoáng sản… theo quy định của pháp luật; kịp thời tổ chức nghiệm thu hoàn thành, bàn giao công trình đưa vào sử dụng đúng thời hạn.
Đối với UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức quán triệt tinh thần chỉ đạo; tăng cường công tác quản lý; đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện ngay từ thời điểm lập dự án. Phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, nhà đầu tư đảm bảo việc triển khai đồng bộ, thống nhất, kịp thời bàn giao mặt bằng phục vụ thi công xây dựng công trình. Tổ chức thực hiện quyết toán công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung của dự án…
Thân Nam
Theo