(Xây dựng) – Nhằm quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mới đây, Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành kế hoạch phát triển đô thị tỉnh Bắc Giang theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong những năm qua, bức tranh đô thị của tỉnh Bắc Giang đã có nhiều chuyển biến rõ rệt theo hướng hiện đại, đồng bộ. |
Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 50%
Mục tiêu kế hoạch nhằm xây dựng, phát triển đô thị tỉnh Bắc Giang theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, làm trung tâm dẫn dắt sự phát triển của các tiểu vùng, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và của tỉnh. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh cao hơn mức trung bình toàn quốc; bộ máy chính quyền tại các đô thị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chất lượng cuộc sống đô thị ngày càng nâng cao, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, gìn giữ và phát huy các yếu tố văn hóa đặc trưng.
Cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 32,4%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 5-7%. Toàn tỉnh có 17 đô thị, trong đó 1 đô thị loại II (thành phố Bắc Giang mở rộng), 2 đô thị loại IV là thị xã (thị xã Việt Yên, thị xã Chũ), 3 đô thị loại IV là thị trấn (thị trấn Thắng, thị trấn Đồi Ngô và thị trấn Vôi) và 11 thị trấn là đô thị loại V gồm 07 đô thị hiện có và 04 đô thị thành lập mới. 100% các đô thị có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết các đô thị đạt khoảng 45 - 50%. Mở rộng địa giới hành chính thành phố Bắc Giang (sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Yên Dũng vào thành phố Bắc Giang); điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn thành thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn.
Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11-16%. Diện tích đất cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8m2. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt trên 29,6m2. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 100% hộ gia đình tại đô thị, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh; 100% dân số trưởng thành tại đô thị có nhu cầu, đủ điều kiện có tài khoản thanh toán điện tử.
Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 7-9%. Toàn tỉnh có 25 đô thị, trong đó 01 đô thị loại I (thành phố Bắc Giang), 01 đô thị loại III (thị xã Việt Yên), 02 đô thị loại IV là thị xã (thị xã Hiệp Hòa, thị xã Chũ), 02 đô thị loại IV là thị trấn (thị trấn Vôi, thị trấn Đồi Ngô) và 19 thị trấn là đô thị loại V, trong đó 9 thị trấn được thành lập mới trong giai đoạn 2026-2030. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt 100% (đối với các đô thị phải lập quy hoạch phân khu); tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết của các đô thị đạt trên 60%. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 16 - 26%. Diện tích đất cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị của thành phố Bắc Giang đạt trên 19m2, các đô thị loại III, loại IV đạt trên 8m2, các đô thị loại V đạt trên 6m2. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt trên 32,7m2.
6 giải pháp, nhiệm vụ cốt lõi
Để hoàn thành tốt các mục tiêu, Tỉnh ủy Bắc Giang đã đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cốt lõi gồm: Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Trong đó, tập trung vào việc rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là các thủ tục liên quan tới đầu tư, xây dựng nhằm cắt giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Cần nâng cao chất lượng quy hoạch, đảm bảo việc lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ với các quy hoạch chuyên nghành và cụ thể hóa trong quy hoạch phân khu…
Thứ ba, tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới. Đến năm 2025 hoàn thành việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Bắc Giang, đến năm 2030, thành phố Bắc Giang mở rộng được công nhận là đô thi loại I; thành lập thị xã Hiệp Hòa. Cùng với đó, nghiên cứu, triển khai mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán…
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung xây dựng triển khai thực hiện các chương trình đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị đến năm 2030, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, xây dựng hạ tầng xanh, công trình xanh. Thực hiện ngầm hóa toàn bộ các đường dây, cáp dịch vụ công cộng tại khu đô thị, khu dân cư mới tại khu vực đô thị cũ thực hiện ngầm hóa khoảng 40-50%, còn lại thực hiện bó gọn đảm bảo cảnh quan đô thị…
Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị. Tăng cường phân cấp cho các địa phương trong quản lý đô thị phù hợp với điều kiện thực tế; xây dựng văn hóa, lối sống văn minh đô thị; tăng cường các biện pháp kiểm soát, cải thiện, giảm thiểu ô nhiễm bụi, tiếng ồn tại các đô thị…
Thứ sáu, phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị. Triển khai các chương trình phát triển đô thị, nhà ở hiệu quả để nâng cao hiệu quả sử dụng đất cho phát triển kinh tế khu vực đô thị; khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng như: khu vực, tuyến phố phát triển kinh tế đêm; khu vực phát triển kinh tế du lịch, nghỉ dưỡng, thể thao; vỉa hè trong phát triển kinh tế khu vực đô thị...
Triển khai phát triển mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Tiếp tục lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn cho người dân ra khỏi khu vực trung tâm các đô thị. Thu hút các tập đoàn lớn, có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính tới đầu tư một số dự án trọng điểm…
Chương Huyền
Theo