(Xây dựng) - Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái đối với các cơ quan chức năng tại Hội nghị “Phân tích các chỉ số thành phần chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, giải pháp nâng cao các chỉ số thành phần PCI năm 2020 của tỉnh” diễn ra ngày 13/6.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái chỉ đạo các cơ quan, chính quyền địa phương trong tỉnh cải thiện chỉ số PCI. |
Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái chỉ đạo: Đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải đổi mới trong tư duy, nhận thức và hành động khi thi hành công vụ, chuyển từ tư duy “cho phép”, “cấp phép” sang tư duy “phục vụ”; chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực hiện phương châm “4 xin”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; “4 luôn”: Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ và “5 không”: Không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; không quan liêu vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ.
Cùng với đó, UBND tỉnh Bắc Giang xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm cải thiện chỉ số PCI là tập trung chỉ đạo các sở, ngành phải thực hiện các chỉ tiêu thành phần thực chất hơn; thành lập Tổ công tác tiếp nhận và xử lý thông tin, phản ánh của doanh nghiệp, xử lý nghiêm cán bộ công chức gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Bắc Giang cũng giao Giám đốc Công an tỉnh nắm chắc tình hình, phát hiện và xử lý những tiêu cực, tham nhũng; đồng thời cuối năm sẽ kiểm lại trách nhiệm của Công an tỉnh và Tổ công tác tiếp nhận và xử lý thông tin trong việc xử lý hành vi vi phạm của cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Đối với các sở, ngành, địa phương bao gồm cả cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã cần tiếp tục tổ chức quán triệt đến tất cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về quan điểm, thái độ và các biện pháp của tỉnh sẽ áp dụng thực hiện để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và công tác cải cách hành chính, từ đó chủ động có sự thay đổi về nhận thức, tư duy và hành động.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tỉnh có chỉ số PCI đạt cao.
Sau khi có kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ngành địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch của từng huyện, thành phố, đề ra biện pháp cụ thể để khắc phục hạn chế, yếu kém. Tỉnh sẽ tập trung phát động phong trào “Thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật” trong cơ quan, đơn vị.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cũng yêu cầu một số ngành đang bị đánh giá thấp, ảnh hưởng lớn đến kết quả PCI của tỉnh cần phải có sự quan tâm đặc biệt trong các lĩnh vực như: Xúc tiến đầu tư, thủ tục đầu tư, thanh tra, kiểm tra, tiếp cận đất đai…
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp cùng đồng hành với cơ quan Nhà nước xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thực sự minh bạch, lành mạnh, công bằng trên địa bàn tỉnh. Chủ động phản ánh những tồn tại, bất cập, hành vi gây khó khăn của cán bộ công chức.
Các ban của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, cơ quan truyền thông tăng cường giám sát, kịp thời phản ánh, thông tin cả những mặt tích cực và hạn chế về tình hình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến thủ tục hành chính…
Trước đó, theo Báo cáo nhanh kết quả xếp hạng chỉ số PCI năm 2019, Bắc Giang nằm trong nhóm có chất lượng điều hành kinh tế khá, đạt 64,47 điểm, tăng 1,46 điểm so với năm 2018, xếp hạng 40/63 tỉnh, thành phố, giảm 4 bậc so với năm 2018. Trong đó, có 6 chỉ số tăng điểm, đó là tính minh bạch; tiếp cận đất đai; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Bên cạnh đó, Bắc Giang có 4 chỉ số giảm điểm, đó là chi phí gia nhập thị trường; chi phí thời gian; chi phí không chính thức và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đánh giá, nguyên nhân của tình trạng trên là do thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp chưa được niêm yết công khai; cán bộ hướng dẫn doanh nghiệp về các thủ tục hành chính chưa rõ ràng, đầy đủ; thời gian đăng ký doanh nghiệp tăng lên; số cuộc thanh, kiểm tra trong năm tăng, trong khi đó nhiều nội dung lại trùng lặp; tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp phổ biến vẫn ở mức cao (56%); tỷ lệ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên tổng số doanh nghiệp giảm từ 0,82% năm 2018 xuống còn 0,36% năm 2019; tỷ lệ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư nhân và FDI trên tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giảm từ 65,38% năm 2018 xuống còn 47% năm 2019…
Chương Huyền
Theo