Thứ sáu 20/09/2024 17:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Doanh nghiệp xi măng:

Áp lực và lựa chọn duy nhất để “sống”

10:56 | 15/03/2022

(Xây dựng) - Áp lực lớn từ việc tăng giá các nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất trong bối cảnh thị trường xi măng cạnh tranh khốc liệt do dư cung đã đẩy các DN sản xuất xi măng muốn tồn tại, phát triển đến con đường duy nhất phải đi, đó là đổi mới sáng tạo.

ap luc va lua chon duy nhat de song

Nguyên nhiên liệu đầu vào “tăng sốc”

Cả nước hiện có 90 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất 106,6 triệu tấn/năm, nhưng thực tế có thể sản xuất 122 triệu tấn/năm. Thị trường cung vượt cầu khiến áp lực cạnh tranh ngành Xi măng bị đẩy lên cao.

Mặc dù số dây chuyền sản xuất nhiều, năng lực đứng thứ 5 thế giới nhưng năng suất lao động ngành XM Việt Nam thuộc Top thấp nhất thế giới. Nguyên nhân là do tồn tại nhiều dây chuyền nhỏ, lạc hậu, sử dụng nhiều nhân công và không có khả năng tăng năng suất lao động. Trong 42/90 dây chuyền công suất nhỏ hơn 0,91 triệu tấn xi măng/năm; có tới 29 dây chuyền công suất nhỏ từ 0,25 - 0,65 triệu tấn xi măng/năm. Có nhà máy xi măng đầu tư từ lâu, thiết bị cũ, xuống cấp, mức tiêu hao nhiên liệu lớn, sản phẩm có giá thành cao, sức cạnh tranh thấp khiến DN nhỏ “thoi thóp” để tồn tại.

Ngoài cạnh tranh đầy áp lực do cung vượt cầu, các DN xi măng đang đối mặt với áp lực tăng phi mã của tất cả các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như than, điện, dầu, phụ gia; tăng sốc nhất phải kể đến giá than. Nếu giai đoạn 2010 - 2019 giá than tăng gấp 2,6 lần; thì từ năm 2020 - 2021 than nhập khẩu tăng 300%, tức tăng 3 lần (tháng 10/2020 giá than 75 - 80 USD/tấn; nhưng đến tháng 10/2021 là 240 - 250 USD/tấn). Năm 2022, giá than nhiệt tham chiếu trên thị trường thế giới tuần đầu tháng 3 tăng vọt lên mức cao kỷ lục, 446 USD/tấn; thậm chí dự báo sẽ tăng lên trên 500 USD/tấn.

Thông thường để sản xuất 1 tấn xi măng, các nhà máy cần 1,1 tấn đá vôi; 0,3 tấn đất sét; 0,12 tấn than; 0,03 tấn thạch cao và 100 kWh điện; cũng có nhà máy mức tiêu hao thấp hoặc cao hơn, tuỳ thuộc vào công nghệ và kỹ thuật sản xuất. Nếu xét theo tỷ trọng chi phí, than là nguyên vật liệu đắt đỏ nhất (chiếm 30% chi phí sản xuất), đá vôi và đất sét (12%), phụ gia (5%)… Khó khăn chưa dừng lại, khi giá xăng dầu, giá phụ gia lại tăng tiếp, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN. Áp lực tăng giá rất sốc từ nguyên nhiên liệu đầu vào, đẩy DN đến bài toán buộc phải tăng giá bán.

Áp lực tạo động lực

Mặc dù xếp thứ 5 thế giới về năng lực sản xuất xi măng (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga) nhưng phải nhìn nhận thực tế khách quan, xi măng Việt Nam tồn tại nhiều nhà máy công suất nhỏ, khó khăn trong vận hành, quản trị cũng như cạnh tranh; mức tiêu thụ nhiên liệu của ngành này tương đối lớn. Một nhà máy quy mô trung bình 2 triệu tấn xi măng/năm sử dụng khoảng 2 triệu tấn đá vôi, 200.000 tấn than, tiêu thụ khoảng 170 triệu KWh điện, thải ra khoảng 2,2 triệu tấn CO2.

Phân tích cho thấy, nội tại ngành Xi măng cần giải quyết nhiều vấn đề về năng suất lao động, về tiêu hao nguyên nhiên liệu, về môi trường, trong đó có giảm hàm lượng CO2 bởi theo quy định, đến năm 2023, xi măng xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển cần đáp ứng yêu cầu hàm lượng CO2 thấp; nếu hàm lượng CO2 trong sản xuất xi măng cao như hiện nay, DN Việt Nam phải chịu mức thuế cao hơn.

Trong thời kỳ 4.0; cạnh tranh khốc liệt cộng với sự tăng giá sốc của một số nguyên liệu đầu vào, áp lực biến thành động lực buộc các DN xi măng phải đổi mới sáng tạo; nếu không thì không tồn tại được trong bối cảnh hiện nay. Nếu xét ở khía cạnh này, thì chính áp lực đã tạo động lực buộc các DN xi măng phải đổi mới sáng tạo; thích ứng linh hoạt trong tình hình mới.

Đổi mới sáng tạo bằng cách nào?

Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, nêu rõ: Áp dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất; tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất VLXD lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường… Như vậy, đổi mới sáng tạo là hướng các DN xi măng bắt buộc phải đi.

Theo TS Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành Xi măng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị sản xuất, kinh doanh; đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư chiều sâu; đổi mới quản trị DN, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Xu hướng tất yếu ngành Xi măng là sản xuất thân thiện với môi trường. Trong đó, tập trung sản xuất xi măng các bon thấp; giảm tối đa nồng độ bụi và tận dụng nhiệt thừa để phát điện. Đây là hướng đi tất yếu trong bối cảnh tài nguyên không tái tạo ngày càng cạn kiệt, giá than, dầu và các chi phí đầu vào ngày càng tăng.

Là DN xi măng lớn nhất Việt Nam, những năm qua, đổi mới sáng tạo được Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đẩy mạnh, triển khai. Ngoài xử lý các nút thắt về dây chuyền công nghệ; VICEM thử nghiệm xử lý rác thải công nghiệp, bùn thải để thay thế một phần nguyên nhiên liệu trong sản xuất xi măng; sử dụng tiết kiệm tài nguyên không tái tạo và bảo vệ môi trường tại VICEM Hoàng Thạch; VICEM Hà Tiên; VICEM Bút Sơn, VICEM Bỉm Sơn…. Các dự án cải tạo, sửa chữa thay thế được triển khai thành công tại VICEM Hải Phòng, VICEM Bút Sơn…và đang tiến hành tại VICEM Hoàng Mai.

Hiện các kỹ sư VICEM hoàn toàn làm chủ công nghệ, không cần thuê chuyên gia nước ngoài; tự tìm tòi, đánh giá dây chuyền sản xuất; tìm các thiết bị thay thế; xử lý nút thắt một cách đột phá.

Như vậy đổi mới sáng tạo bằng cách cải tạo dây chuyền, thay thế thiết bị để tăng công suất lò; giảm tiêu hao than, điện; tận dụng nhiệt khí thải; tận dụng các nguyên nhiên liệu thay thế than, phụ gia… là hướng VICEM đang đi và bước đầu gặt hái thành công.

Vũ Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load