(Xây dựng) - Trong 5 năm trở lại đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) luôn là một trong những ngân hàng có tổng mức cấp tín dụng cho nền kinh tế lớn nhất trong toàn hệ thống các Tổ chức tín dụng, đặc biệt là đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực bán lẻ.
Mang sản phẩm dịch vụ hiện đại tới từng hộ dân, Agribank thực hiện chính sách không dùng tiền mặt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (Ảnh: Agribank). |
Tăng khả năng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng cho khách hàng cá nhân
Hiện nay, Agribank đã triển khai hơn 200 sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng, trong đó có 48 sản phẩm cấp tín dụng, 39 sản phẩm huy động vốn, 18 sản phẩm thanh toán trong nước, 35 sản phẩm thanh toán quốc tế, 22 sản phẩm E-banking... đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng của khách hàng cá nhân.
Đến 31/10/2021, dư nợ nền kinh tế của Agribank đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 70% và tỷ lệ này được duy trì trong nhiều năm qua. Dư nợ đối với khách hàng cá nhân đạt trên 870.000 tỷ đồng, chiếm 70,8% dư nợ nền kinh tế, tăng 32.000 tỷ đồng; tỷ lệ tăng 3,9% so với đầu năm. Trong giai đoạn từ 2017-2019, bình quân mỗi năm dư nợ cho vay cá nhân của Agribank tăng trưởng hơn 100.000 tỷ đồng/năm với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 10%, riêng năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dư nợ cho vay cá nhân chỉ tăng trưởng hơn 56 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng khoảng 7,1%). Số lượng khách hàng cá nhân vay vốn luôn chiếm 99% tổng số khách hàng vay vốn (trên 3 triệu khách hàng). Đặc biệt, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân quy mô nhỏ dưới 200 triệu đồng đạt khoảng 355.000 tỷ đồng, trên 2,1 triệu khách hàng, chiếm tỷ trọng 42% tổng dư nợ cho vay cá nhân. Chất lượng tín dụng cho vay tiêu dùng luôn được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp.
Dư nợ cho vay cá nhân của Agribank phục vụ chủ yếu nhu cầu sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực thương nghiệp, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp, tập trung vào cho vay tiêu dùng với dư nợ hơn 236.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,2% dư nợ khách hàng cá nhân. Tỷ trọng dư nợ cho vay phục vụ đời sống của Agribank tương đương tỷ trọng cho vay phục vụ đời sống của toàn hệ thống các Tổ chức tín dụng khoảng 20%. Dư nợ cho vay tiêu dùng tăng trưởng đều qua các năm, đặc biệt là trên các địa bàn các tỉnh khu vực nông thôn, miền núi, đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, doanh số giải ngân cho vay nông nghiệp nông thôn đạt gần 990.000 tỷ đồng với hơn 3 triệu khách hàng, bình quân hàng năm Agribank giải ngân cho vay khách hàng cá nhân số tiền hơn 1,1 triệu tỷ đồng, trong đó doanh số cho vay tiêu dùng là hơn 330.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 30% doanh số giải ngân cho vay của Agribank.
Những kết quả trên đạt được là do Agribank đã tích cực, chủ động triển khai nhiều sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ số giúp khách hàng thuận tiện trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng, không phải đến trụ sở ngân hàng để giao dịch cũng như cải tiến quy trình thủ tục thông qua các sản phẩm tín dụng đối với khách hàng cá nhân khu vực nông nghiệp nông thôn, như: Triển khai Đề án Điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng tới toàn bộ 62 tỉnh thành phố tại 405 xã. Mỗi Điểm giao dịch lưu động đều có thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ ngân hàng như: giải ngân, thu nợ, chuyển tiền... và đến nay đã phục vụ hơn 1,7 triệu lượt khách hàng.
Bên cạnh đó, Agribank đã tích cực triển khai phương pháp cho vay qua tổ nhóm, kết hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và các tổ chức khác. Mô hình cho vay qua tổ vay vốn đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng triệu khách hàng trong quá trình vay vốn cũng như việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ ngân hàng; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phương thức đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Mô hình này cũng giúp cho ngân hàng giảm tình trạng quá tải của cán bộ tín dụng. Đến 31/10/2021, Agribank đã triển khai cho vay qua tổ vay vốn tại địa bàn 63 tỉnh, Dư nợ cho vay đạt gần 180.000 tỷ đồng, với 1,3 triệu khách hàng, hơn 68.000 tổ vay vốn.
Đẩy mạnh cho vay góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” của Thủ tướng, ngoài việc cung ứng vốn cho địa bàn nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 và các chương trình tín dụng khác của Chính phủ, Agribank còn tích cực triển khai nhiều biện pháp cụ thể để tăng khả năng tiếp cận vốn vay đối với người dân vùng sâu, vùng xa và các giải pháp góp phần hạn chế tín dụng đen, như: Triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô hơn 5.000 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu cấp thiết đối với khách hàng cá nhân hộ gia đình với thủ tục xét duyệt được rút gọn, đơn giản hóa. Đến 31/10/2021, doanh số cho vay lũy kế đạt trên 45.000 tỷ đồng (gấp 9 lần quy mô ban đầu), với hơn 600.000 lượt khách hàng được vay vốn để đáp ứng nhu cầu cấp bách của người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen theo Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhận thấy những khó khăn mà người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực thành thị gặp phải do đại dịch Covid-19 gây ra, nhằm hỗ trợ người dân giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt, đáp ứng các nhu cầu cần thiết, ổn định và vực dậy cuộc sống trở lại, đồng thời hạn chế nạn “tín dụng đen”, từ ngày 25/6/2021, Agribank tiếp tục dành 20.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng cá nhân khu vực đô thị, thị trấn, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Sau hơn 4 tháng triển khai, doanh số giải ngân đã đạt trên 1.500 tỷ đồng với gần 2.000 khách hàng được tiếp cận vay vốn. Đồng thời, Agribank tiếp tục triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thấu chi thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn phục vụ các nhu cầu thanh toán thiết yếu, tạm thời, khi người dân chưa thu hoạch được sản phẩm và bán hàng hóa để trả nợ ngân hàng (nhu cầu về thanh toán vật tư, khám chữa bệnh, thanh toán dịch vụ công, học phí…). Đến 31/10/2021, Agribank đã phát hành được 300.000 thẻ với tổng hạn mức thấu chi qua thẻ cấp cho khách hàng là hơn 2.000 tỷ đồng, số máy POS đã triển khai trên địa bàn nông thôn là hơn 3.000 máy POS.
Agribank luôn là “Trụ đỡ” cho khách hàng (Ảnh: Agribank). |
Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn, Agribank sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, đổi mới phương thức cho vay, áp dụng ứng dụng công nghệ, với một số giải pháp: Công khai các quy trình, thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay, chủ động tiếp cận khách hàng; Cải tiến hồ sơ, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa và áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết lập, quản lý bộ hồ sơ cho vay; Triển khai đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp nông thôn; Đổi mới phương thức tổ chức phục vụ khách hàng theo hướng ngày càng thuận tiện, lấy khách hàng là trung tâm, tiết giảm chi phí cho khách hàng và ngân hàng.
Nhật Minh
Theo