Thứ năm 07/11/2024 17:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

9 tháng Quảng Nam mới giải ngân được 44,6% vốn đầu tư công

22:20 | 17/10/2023

(Xây dựng) - UBND tỉnh Quảng Nam cho hay việc giải ngân chậm do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn còn vướng mắc nên dẫn đến chưa có khối lượng để giải ngân. Khan hiếm nguồn nguyên vật liệu đất đắp, cát xây dựng và biến động đơn giá xăng, sắt, thép đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

9 tháng Quảng Nam mới giải ngân được 44,6% vốn đầu tư công
Hết tháng 9/2023, tỉnh Quảng Nam mới đạt 44,6% tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Ngày 17/10, UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo tình hình thực hiện, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/9. Theo đó, tổng vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Quảng Nam là hơn 9.200 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 là hơn 7.700 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài hơn 1.400 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9, UBND tỉnh Quảng Nam phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 cho các ngành và các địa phương là 7.579 tỷ đồng (đạt 97,1%). Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 2.961 tỷ đồng (đạt 98,2%); vốn ngân sách địa phương 4.604 tỷ đồng (đạt 96,1%). Kế hoạch vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết 224 tỷ đồng.

Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 30/9, vốn đầu công năm 2023 (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) giải ngân hơn 4.135 tỷ đồng (đạt 44,6%). Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 giải ngân 3.345 tỷ đồng (đạt 42,9%); kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân 790 tỷ đồng (đạt 53,6%).

Lý giải việc giải ngân chậm, UBND tỉnh Quảng Nam cho hay các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giải ngân chậm do việc xử lý hồ sơ giải ngân của nhà tài trợ chậm đã làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân dự án; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn còn vướng mắc nên dẫn đến chưa có khối lượng để giải ngân.

Đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do nguồn vốn phân bổ vào đầu năm 2023, các dự án có quy mô lớn và triển khai trên địa bàn rộng, nhiều công trình ở vùng sâu, vùng xa và đấu thầu qua mạng nên mất nhiều thời gian. Giai đoạn từ đây đến cuối năm địa bàn tỉnh thường xảy ra các đợt mưa, bão lũ nên sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các dự án.

Khan hiếm nguồn nguyên vật liệu đất đắp, cát xây dựng và biến động đơn giá xăng, sắt, thép đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia, việc triển khai các thủ tục đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư của một số ngành, địa phương còn chậm. Số danh mục công trình nhiều, danh mục công trình năm 2023 phải qua HĐND các cấp (HĐND huyện, xã) nên kéo dài thời gian thực hiện của các dự án.

Một số dự án thực hiện trên địa bàn miền núi, vướng quy hoạch, vướng giải phóng mặt bằng, vướng đất rừng nên đến nay các địa phương đang lập thủ tục đầu tư hoặc xin điều chỉnh.

Các huyện miền núi của tỉnh đều được thụ hưởng 3 chương trình mục tiêu quốc gia nên nguồn vốn phân bổ thực hiện rất lớn, cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng ít nhưng cùng thời gian thẩm định cho quá nhiều công trình, dẫn đến quá tải trong công tác thẩm định các dự án.

9 tháng Quảng Nam mới giải ngân được 44,6% vốn đầu tư công
Quảng Nam đề ra mục tiêu đạt trên 90% tiến độ giải ngân đến hết quý IV.

UBND tỉnh Quảng Nam đã đề ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân đến hết quý IV/2023 đạt trên 90% (riêng kế hoạch vốn năm 2022 được cấp thẩm quyền cho kéo dài thời hạn giải ngân sang năm 2023 đạt 100%) và đến hết ngày 31/01/2024 giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch vốn năm 2023.

Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết liệt đẩy mạnh thực hiện rà soát và điều chuyển kế hoạch vốn năm 2023 cho các dự án khác có khả năng giải ngân ngay sau khi bổ sung kế hoạch vốn.

Các chủ đầu tư có dự án khởi công mới năm 2023 cần tập trung nhân sự chuẩn bị kỹ hồ sơ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thụ lý để kịp thời giải trình, hoàn thiện hồ sơ, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện dự án.

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tỉnh và báo cáo của các đơn vị, địa phương, tính đến hết ngày 30/9/2023, các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 45% bao gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty TNHH MTV Khai thác Thuỷ lợi tỉnh, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh. 8 địa phương giải ngân dưới 45%, gồm thành phố Hội An, Quế Sơn, Núi Thành, Bắc Trà My, Phước Sơn, Duy Xuyên, Phú Ninh, Nông Sơn.

Thanh Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load