Thứ tư 13/11/2024 14:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

35 ngân hàng toàn cầu tăng tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch sau Hiệp định Paris

10:44 | 21/03/2020

(Xây dựng) – Báo cáo Banking on Climate Change 2020 cho thấy, các ngân hàng toàn cầu đã đầu tư 2,7 nghìn tỷ USD vào nhiên liệu hóa thạch kể từ khi Hiệp định khí hậu Paris được ký kết vào năm 2015 và số tiền tài trợ thậm chí còn tăng lên hàng năm.

35 ngan hang toan cau tang tai tro cho nhien lieu hoa thach sau hiep dinh paris
Các ngân hàng toàn cầu đang tăng tài trợ cho ngành nhiên liệu hóa thạch (Ảnh: Rainforest Action Network).

Banking on Climate Change 2020, phiên bản mới nhất của báo cáo toàn diện nhất về tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch của các ngân hàng toàn cầu đã được phát hành vào ngày 18/3/2020. Báo cáo cho thấy, 35 ngân hàng toàn cầu đã cung cấp hơn 2,7 nghìn tỷ USD cho ngành Nhiên liệu hóa thạch trong 4 năm kể từ khi Thoả thuận Paris được thông qua vào tháng 12/2015 và số tiền tài trợ thậm chí còn tăng lên qua mỗi năm.

Rõ ràng, hành động của các ngân hàng toàn cầu đang đi ngược với mục tiêu của Hiệp định Paris nhằm hạn chế sự nóng lên của Trái đất ở mức 1,5°C.

Báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Liên Hợp Quốc cũng khẳng định, nếu thế giới muốn tránh được hậu quả nghiêm trọng nhất của khủng hoảng khí hậu thì cần phải giảm nhanh hơn nưa lượng phát thải carbon toàn cầu. Nhưng các ngân hàng lớn lại đang làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu khi tăng thêm tiền tài trợ cho ngành nhiên liệu hóa thạch.

Các ngân hàng tích cực tài trợ mở rộng ngành nhiên liệu hoá thạch

Báo cáo Banking on Climate Change 2020 cũng tiết lộ, việc cung cấp tài chính cho nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới tiếp tục bị chi phối bởi các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ như: JPMorgan Chase, Wells Fargo, Citi hay Bank of America. Riêng 4 ngân hàng này đã chiếm tỷ lệ đáng kinh ngạc với 30% tổng số tiền tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch của 35 ngân hàng lớn trên toàn cầu, kể từ khi Thỏa thuận Paris được thông qua.

Trong đó, ngân hàng JPMorgan Chase tài trợ gần 269 tỷ USD trong 4 năm qua. Mức hỗ trợ này giúp JPMorgan Chase trở thành ngân hàng đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch số 1 trên thế giới, chiếm 10% tổng số tiền tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch từ 35 ngân hàng được nghiên cứu trong báo cáo. Thậm chí, mức tài trợ của JPMorgan Chase còn lớn hơn 36% tiền tài trợ của ngân hàng xếp thứ hai là Wells Fargo.

Quan trọng hơn, JPMorgan Chase chính là đơn vị tích cực nhất trong việc tài trợ các lĩnh vực gây nguy hiểm nhất trong 4 năm qua nhằm mở rộng ngành nhiên liệu hoá thạch, khai thác dầu khí tại Bắc Cực, khai thác dầu khí ngoài khơi và dầu khí đá phiến.

35 ngan hang toan cau tang tai tro cho nhien lieu hoa thach sau hiep dinh paris
Rất nhiều người dân và tổ chức phi chính phủ đang kêu gọi các ngân hàng ngừng tài trợ cho ngành nhiên liệu hóa thạch (Ảnh: Rainforest Action Network).

Báo cáo cho biết, trong số 2,7 nghìn tỷ USD tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch, khoảng 975 tỷ USD được dành cho 100 công ty tích cực nhất trong việc hoạch định, mở rộng các dự án khai thác than, dầu, khí và cơ sở hạ tầng có liên quan. Bất chấp nhu cầu cấp thiết để chấm dứt việc mở rộng ngành nhiên liệu hoá, tài trợ cho 100 công ty này vẫn tăng 40% trong 2 năm qua.

Các chuyên gia nói gì về hành động tài trợ của các ngân hàng?

Rất nhiều chuyên gia hàng đầu về môi trường của các tổ chức phi chính phủ trên thế giới đều khẳng định, các ngân hàng toàn cầu cần chấm dứt ngay việc cung cấp tài chính cho ngành nhiên liệu hóa thạch.

35 ngan hang toan cau tang tai tro cho nhien lieu hoa thach sau hiep dinh paris
Bà Alison Kirsch - nhà nghiên cứu hàng đầu về khí hậu và năng lượng thuộc mạng lưới Rainforest Action Network (Ảnh: Rainforest Action Network).

Bà Alison Kirsch - nhà nghiên cứu hàng đầu về khí hậu và năng lượng thuộc mạng lưới Rainforest Action Network cho biết: “Dữ liệu của báo cáo Banking on Climate Change 2020 cho thấy, các ngân hàng toàn cầu không chỉ tăng tài trợ cho lĩnh vực nhiên liệu hoá thạch nói chung mà còn tăng tài trợ cho các công ty chịu trách nhiệm nhiều nhất cho việc mở rộng ngành nhiên liệu hoá thạch.

Điều này cho thấy các ngân hàng đã thất bại thảm hại trong việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp của cuộc khủng hoảng khí hậu. Khi số người thiệt mạng và sự tàn phá của các thảm hoạ như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng hay bão... đang tăng lên, thật đáng trách khi các ngân hàng chấp nhận các khoản vay mới và tăng tài trợ cho các công ty hăng hái nhất trong việc làm tăng phát thải carbon”.

Ben Cushing - chuyên gia đến từ tổ chức Sierra Club Beyond cũng chia sẻ rằng: “Bất chấp việc ngày càng có nhiều báo cáo về khí hậu và những lời kêu gọi trên toàn thế giới yêu cầu hành động nhằm ngăn chặn tác động tệ hại nhất của khủng hoảng khí hậu, điều gây sốc là hầu hết các ngân hàng lớn đều tiếp tục tăng cường tài trợ cho lĩnh vực nhiên liệu hoá thạch”.

Trong khi đó, Giám đốc Bank Track Johan Frijns khẳng định: “Năm ngoái, các ngân hàng đã tuyên bố hỗ trợ các mục tiêu của Thỏa thuận Paris... Tuy nhiên, dữ liệu trong Báo cáo Banking on Climate Change 2020 lại cho thấy những cam kết đáng khen ngợi này tạo ra rất ít khác biệt. Trong khi đó, việc cung cấp tài chính cho ngành nhiên liệu hóa thạch tiếp tục đưa chúng ta đến vực thẳm khí hậu.

Đã đến lúc các ngân hàng nhận ra rằng, để đạt được các mục tiêu khí hậu theo Thoả thuận Paris, họ cần phải chấm dứt ngay lập tức việc cung cấp tài chính cho tất cả các dự án nhiên liệu hóa thạch mới và nhanh chóng loại bỏ việc tài trợ cho lĩnh vực này”.

Báo cáo Banking on Climate Change 2020 được phát hành bởi 6 tổ chức phi chính phủ về môi trường và ngân hàng là Rainforest Action Network, Bank Track, Indigenous Environmental Network, Oil Change International, Reclaim Finance và Sierra Club.

Tài liệu đã đánh giá hoạt động cho vay, bảo lãnh của 2.100 công ty trên khắp thế giới trong các lĩnh vực than, dầu mỏ và khí tự nhiên trong 4 năm qua. Báo cáo được công nhận bởi hơn 240 tổ chức trên khắp thế giới.

Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load