Thứ tư 13/11/2024 16:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

0,4 – 0,7 triệu tấn rác thải nhựa thất thoát ra môi trường năm 2019

16:44 | 27/12/2019

(Xây dựng) – Ngày 26/12, Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu quốc gia về hiện trạng chất thải rắn, chất thải nhựa tại Việt Nam để tìm ra nguyên nhân chính khiến việc quản lý và xử lý rác thải rắn tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và tìm hướng giải quyết.

04 07 trieu tan rac thai nhua that thoat ra moi truong nam 2019
WWF đã giảm thiểu rác thải ngay từ việc không in tài liệu giấy trong Hội thảo mà chuyển sang tài liệu “mềm” qua e-mail.

Kết luận của Hội thảo cho biết, một số nguyên nhân chính việc quản lý và xử lý rác thải rắn (bao gồm cả rác thải nhựa) tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đó là: Thiếu nguồn lực, năng lực và chưa có sự phối hợp quyết liệt của các bên liên quan trong thực thi pháp luật về quản lý chất thải rắn; Nhận thức cộng đồng về bản chất và tác hại của rác thải nhựa chưa cao; Không nắm rõ các quy định pháp lý về chất thải rắn và bảo vệ môi trường trong kinh doanh và tái chế rác thải nhựa chưa có cơ chế vận hành hiệu quả.

Hội thảo công bố “Kết quả nghiên cứu về chất thải rắn, rác thải nhựa tại Việt Nam và hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa tại địa phương” diễn ra trong khuôn khổ dự án “Đô thị giảm nhựa” do Tổ chức Hợp tác Phát triển Na Uy (NORAD) tài trợ. Sự kiện có sự tham gia của 60 đại diện đến từ các Sở, ban, ngành của 10 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Tại Hội thảo, WWF đã chia sẻ những kết quả đánh giá về công tác quản lý chất thải rắn tại cấp Trung ương và địa phương ở Việt Nam; khảo sát nhận thức, quan điểm và thói quen thải loại rác nhựa của gần 400 hộ gia đình, hơn 300 hộ kinh doanh quy mô nhỏ và hơn 300 đối tượng thu gom rác tại những khu vực ven biển, gần kênh rạch tại 4 tỉnh/thành phố được lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình “Đô thị giảm nhựa” là Quảng Ninh, Đà Nẵng, Kiên Giang và thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo cũng chia sẻ kết quả khảo sát thành phần của gần 200 mẫu chất thải rắn tại 4 tỉnh, thành phố nói trên và tỉnh Phú Yên nói riêng.

04 07 trieu tan rac thai nhua that thoat ra moi truong nam 2019
Thạc sĩ Trần Thu Hương - Cán bộ kỹ thuật cấp cao của WWF trình bày kết quả khảo sát hiện trạng chất thải rắn tại 4 tỉnh, thành phố ở Việt Nam được lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình “Đô thị giảm nhựa”.

Việt Nam đang xếp thứ 4 thế giới trong số các nước xả rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất. Sự tiện lợi và giá thành rẻ của các sản phẩm bằng nhựa đang góp phần tạo nên thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam và tạo ra cả khối lượng rác nhựa khổng lồ. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải nhựa và hệ thống tái chế đồ nhựa ở Việt Nam nói riêng, hay trên thế giới nói chung, chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn.

Nhận thức chưa cao, tỷ lệ xả rác thải nhựa ra môi trường còn lớn

Nghiên cứu của WWF và các chuyên gia cho thấy, công tác quản lý chất thải rắn ở Việt Nam còn nhiều khó khăn và phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực và chung tay từ các cấp, các ngành. Dù khung pháp lý của Việt Nam về quản lý chất thải rắn tương đối đầy đủ so với các nước trong khu vực và đang từng bước được kiện toàn, nhưng nguồn lực, năng lực thực thi và cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan vẫn là những vấn đề còn nhiều vướng mắc cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa từ các cấp chính quyền.

04 07 trieu tan rac thai nhua that thoat ra moi truong nam 2019
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - chuyên gia chính sách môi trường đã chia sẻ tổng quan về mô hình quản lý và chính sách quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng về rác thải nhựa cũng chưa cao. Khoảng 51% các hộ kinh doanh quy mô nhỏ được phỏng vấn thiếu hiểu biết về bản chất của nhựa, tác động của rác thải nhựa và tình trạng rò rỉ rác nhựa ra môi trường. 63% số hộ kinh doanh được hỏi không nắm được bất cứ một quy định pháp lý nào về chất thải rắn, bảo vệ môi trường và thờ ơ với vấn đề rác thải nhựa diễn ra xung quanh họ.

Nghiêm trọng hơn, vẫn còn khoảng 5 – 10% các hộ dân vẫn có thói quen xả rác trực tiếp ra môi trường. Hành động này dẫn đến tỷ lệ rác nhựa thất thoát ra môi trường ước tính khoảng 8 -10%, tương đương 0,4 – 0,7 triệu tấn vào năm 2019. WWF cũng ước tính khoảng 25% rác thải nhựa tại Việt Nam được quay lại thị trường tái chế thông qua con đường phi chính thức. Kết quả này phù hợp với những nghiên cứu trước đây về lượng rác nhựa thất thoát ra môi trường và tỷ lệ tái chế tại Việt Nam của các tổ chức quốc tế.

Khảo sát sự ủng hộ của người dân với 14 chính sách tiềm năng về giảm rác nhựa cho thấy, người dân Việt Nam đặc biệt ủng hộ 3 chính sách: Cấm và phạt với hành vi xả thải bừa bãi (63%); Truyền thông giáo dục về rác thải nhựa (50%) và Hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần (41%).

Trên cơ sở đó, WWF đã đưa ra 4 khuyến nghị để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường ở Việt Nam, bao gồm: Nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen của cộng đồng, đặc biệt các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống về rác thải nhựa; Cân nhắc ban hành các chính sách được người dân ủng hộ, học tập theo các mô hình đã có như hạn chế túi ni lông tại Quảng Trị, Bắc Ninh; Tiếp tục đầu tư chương trình giám sát và đánh giá dòng thải nhựa ra môi trường, tại các điểm trung chuyển, bãi chôn lấp; Phối hợp cùng WWF và các tổ chức quốc tế để xây dựng đô thị giảm nhựa.

04 07 trieu tan rac thai nhua that thoat ra moi truong nam 2019
Tiến sĩ Phạm Mạnh Hoài – Chuyên gia môi trường, Điều phối viên của WWF - Việt Nam khẳng định phương pháp kiểm kê rác thải nhựa phù hợp với Việt Nam nhất trong điều kiện hiện nay là phân tích dòng vật liệu (MFA), với điều kiện phải kiểm soát chất lượng của quá trình lấy mẫu, khảo sát đánh giá hiện trạng.

Căn cứ vào những kết quả nghiên cứu hiện trạng phát sinh và quản lý rác thải, WWF cùng các chuyên gia đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố xác định những chính sách về giảm thiểu rác thải nhựa và tuyên truyền nâng cao nhận thức phù hợp với điều kiện của địa phương và nguồn lực hỗ trợ từ các bên liên quan.

Dự án “Đô thị giảm nhựa” là một hoạt động của WFF với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại một số tỉnh/thành phố tại Việt Nam từ nay đến năm 2021.

Dự án bao gồm 4 nhóm hoạt động: Khảo sát hiện trạng và hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động giảm ô nhiễm rác nhựa tại các thành phố được lựa chọn; Hỗ trợ liên kết các ngành có liên quan đến sử dụng và thải loại nhựa; Hỗ trợ thực hiện các mô hình thí điểm giảm nhựa tại những khu vực được lựa chọn tại các thành phố và Truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

Dự án nằm trong chương trình “Đô thị giảm nhựa” cấp toàn cầu với mục tiêu không có rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, dự án mong muốn tạo ra mạng lưới kết nối 25 đô thị không rác thải nhựa tại Đông Nam Á vào năm 2025.

Hữu Mạnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load