Thứ sáu 08/11/2024 01:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Yếu tố tạo xung lực phát triển thị trường bất động sản 2021

18:47 | 22/03/2021

(Xây dựng) - Qua một năm 2020 với nhiều thách thức, nhưng với những tín hiệu, xu hướng phát triển tích cực của thị trường và toàn nền kinh tế, có thể nói thị trường bất động sản (BĐS) đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, để từng bước đứng vững, phục hồi. Qua đó tạo cơ sở, động lực tốt cho thị trường BĐS năm 2021 tiếp tục phát triển ổn định.

yeu to tao xung luc phat trien thi truong bat dong san 2021
Thị trường BĐS 2021 được dự đoán sẽ phát triển ổn định nhờ các yếu tố chính sách, giảm lãi suất.

Yếu tố tạo xung lực phát triển đầu tiên đó là nút thắt trong chính sách BĐS được gỡ bỏ. Năm 2020, thị trường BĐS bị chững lại do thủ tục pháp lý, khi có rất nhiều luật chồng chéo, cao điểm nhất là giai đoạn 2019 – 2020. Trước tình hình trên, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan lập pháp bước đầu đã có những Thông tư, Nghị định, hướng dẫn giải đáp những thắc mắc, vướng mắc đọng lại từ giai đoạn trên. Vì thế, năm 2021 sẽ có những thuận lợi hơn về mặt thủ tục pháp lý đối với thị trường BĐS.

Cụ thể là sự ra đời, bổ sung của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư; Thông tư số 21/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư; Nghị quyết số 164/NQ-CP của Chính phủ về việc tháo gỡ một số vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị; Nghị định 148 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ 8/2/2021 với nội dung quan trọng về việc giải cứu hàng nghìn dự án có đất xen kẹt được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nút thắt thiếu hụt nguồn cung.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thì yếu tố thúc đẩy lớn nhất là Chính sách giải ngân đầu tư công và đây được coi là cứu cánh khi mọi thứ bị trì hoãn, việc quyết tâm giải ngân đầu tư công là chính sách mạnh mẽ nhất trong năm 2020 và 2021.

Tiếp đó, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi, GDP của Việt Nam trong năm 2020 tăng 2,91%, thấp nhất trong 10 năm vừa qua. Theo Bộ Xây dựng, so với năm 2020 mặc dù tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 9,49 tỷ USD nhưng lĩnh vực BĐS vẫn có giá trị tăng trưởng dương so với năm 2019 là 0,32 tỷ USD.

Dự báo của nhiều chuyên gia và một số tổ chức tài chính quốc tế cho thấy, dòng tiền FDI vào Việt Nam thời gian tới sẽ còn lớn hơn nữa bởi doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng vào Việt Nam, việc đang khống chế thành công đại dịch là ưu điểm rất lớn cho lợi thế cạnh tranh quốc gia, bên cạnh đó, với các hiệp định thương mại lớn được ký kết, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước khác trong khu vực trong thu hút FDI.

Đi kèm với đó là các chính sách kinh tế vĩ mô, vi mô, chính sách tài chính được điều chỉnh linh hoạt…, cũng sẽ góp phần thúc đẩy và tạo lực đẩy cho thị trường BĐS tăng nhiệt.

Việc giảm lãi suất cũng đã tác động tích cực đến thị trường BĐS. Ông Nguyễn Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp đồng bộ hướng tới các chuẩn mực quốc tế, tập trung vào các chỉ số an toàn, cả vi mô và vĩ mô, giảm lãi suất cho vay có thể để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS cũng như cá nhân có nhu cầu vay vốn để mua nhà, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Với những nhà kinh doanh, xây dựng BĐS, họ được vay tiền của ngân hàng với lãi suất thấp, giảm được chi phí vốn và hỗ trợ được tốt trong vấn đề xây dựng công trình BĐS. Người mua BĐS cũng có lợi khi được vay tiền với lãi suất thấp hơn

Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS. Đặc biệt là đầu tư, kinh doanh BĐS, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng, tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt…

Có thể thấy, thị trường BĐS đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, để từng bước đứng vững, phục hồi, những yếu tố tích cực nêu trên sẽ là cơ sở, động lực tốt cho thị trường BĐS năm 2021 tiếp tục phát triển ổn định.

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load