Thứ sáu 20/09/2024 22:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Yên Dũng (Bắc Giang): Các dự án đầu tư sai mục tiêu hiện giờ ra sao?

16:18 | 19/12/2022

(Xây dựng) – Qua quá trình kiểm tra, rà soát, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đã chỉ ra hàng loạt dự án đầu tư sai mục tiêu trên địa bàn huyện Yên Dũng. Đến thời điểm hiện tại, một số dự án đã tự giác khắc phục sai phạm, tuy nhiên có những dự án vẫn tỏ ra chây ỳ, chờ “hợp thức hóa”.

Yên Dũng (Bắc Giang): Các dự án đầu tư sai mục tiêu hiện giờ ra sao?
Trạm trộn sản xuất bê tông và cấu kiện bê tông của Công ty Cổ phần Gạch Trường Sơn vẫn chưa được tháo dỡ dù đã quá thời hạn.

Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin trước đó, thực hiện Văn bản số 1960/UBND-KTN ngày 6/5/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc thực hiện kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh về chấp hành pháp luật trong thực hiện các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước bên ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, trong đó có nội dung rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách ở ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn để nắm bắt tiến độ đầu tư và tình hình triển khai thực tế của các nhà đầu tư. Sau quá trình tổng hợp, kiểm tra, rà soát, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang đã có văn bản báo cáo, trong đó đã chỉ ra hàng loạt sai phạm.

Tại báo cáo nêu trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang đã liệt kê 21 dự án đầu tư sai mục tiêu, trong đó huyện Yên Dũng có 4 dự án gồm: Dự án Nhà máy cán thép tấm chi tiết và thép thỏi (Công ty Cổ phần Thương mại Sơn Thạch); Dự án Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, thủy sản (Công ty TNHH Giấy Bình Dương); Dự án Nhà máy gạch Tuynel Trường Sơn (Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Nham Biền); Dự án Sản xuất máy nông nghiệp và xây dựng nhà xưởng (Công ty Cổ phần Cơ khí Đỗ Kha).

Theo tìm hiểu được biết, năm 2009, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Nham Biền (ngày 20/01/2017 đổi tên thành Công ty Cổ phần Gạch Trường Sơn) xây dựng nhà máy gạch công nghệ tuynel, công suất 36 triệu viên/năm. Thế nhưng, thay vì thực hiện đúng theo giấy phép được cấp, doanh nghiệp này còn tự ý lắp đặt trạm trộn sản xuất bê tông và cấu kiện bê tông đúc sẵn.

Tháng 8/2022, đoàn công tác của huyện Yên Dũng đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu dừng hoạt động sản xuất bê tông và cấu kiện bê tông; bên cạnh đó đề nghị doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ pháp lý trước ngày 23/9 theo quy định. Nếu quá thời hạn trên, doanh nghiệp chưa hoàn thiện thủ tục sẽ buộc phải tháo dỡ công trình vi phạm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định và chưa thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm.

Lý giải cho sai phạm này, đại diện Công ty Cổ phần Gạch Trường Sơn cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 dẫn đến việc sản xuất gạch gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, công ty đã chuyển hướng thêm sang sản xuất bê tông và cấu kiện bê tông nhằm đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động và duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

“Hiện tại, chúng tôi đã dừng mọi hoạt động liên quan tới sản xuất bê tông và cấu kiện bê tông. Chúng tôi cũng đang tích cực hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật”, vị đại diện thông tin.

Cùng bị nêu tên trong báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư là Công ty TNHH Giấy Bình Dương và Công ty Cổ phần Cơ khí Đỗ Kha, cả 2 doanh nghiệp này đều có hành vi xây dựng, tự ý cho thuê nhiều ki-ốt bán hàng nước giải khát, quần áo, giày dép... dọc Quốc lộ 17, gây mất mỹ quan.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, bà Hoàng Thị Hệ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Đỗ Kha cho biết, đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã khắc phục hoàn toàn những sai phạm. “Chúng tôi đã chấm dứt toàn bộ hợp đồng cho thuê ki-ốt và sử dụng đất đúng mục đích, tháo dỡ đối với các công trình vi phạm”, bà Hệ cho hay.

Về việc khắc phục sai phạm của Công ty TNHH Giấy Bình Dương, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc công ty cho biết, đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp đã thanh lý 11 ki-ốt, còn lại 4 hợp đồng sẽ chấm dứt khi hết hạn vào tháng 4/2023.

Có thể nói rằng, để xảy ra tình trạng trên trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư các dự án, tuy nhiên một phần trách nhiệm cũng thuộc về công tác quản lý Nhà nước tại các địa phương.

Yên Dũng (Bắc Giang): Các dự án đầu tư sai mục tiêu hiện giờ ra sao?
Một loạt ki-ốt của Công ty Cổ phần Cơ khí Đỗ Kha dọc Quốc lộ 17 đã được doanh nghiệp này thanh lý chấm dứt hợp đồng.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Vũ Văn Hòe - Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Yên Dũng cho biết, huyện cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp khắc phục những sai phạm. Đến nay, cơ bản các doanh nghiệp đã tự giác khắc phục. “Đối với dãy ki-ốt cho thuê dọc Quốc lộ 17 của Công ty Cổ phần Cơ khí Đỗ Kha và Công ty TNHH Giấy Bình Dương trước đây do Ban Quản lý các khu công nghiệp quản lý. Cách khoảng 4, 5 năm có bàn giao cho huyện nhưng lại chưa bàn giao hồ sơ. Qua quá trình quản lý, các Sở, ngành đã có các cuộc thanh, kiểm tra và có văn bản đánh giá, chỉ đạo, trên cơ sở đó phòng cũng đã ra các văn bản đôn đốc khắc phục sai phạm.

Đến nay, Công ty Đỗ Kha đã chấm dứt toàn bộ hợp đồng cho thuê; Công ty Giấy Bình Dương cũng đã chấm dứt một phần và đợi hết hợp đồng vào năm 2023 cũng sẽ chấm dứt toàn bộ. Đối với sai phạm của Công ty Cổ phần Gạch Trường Sơn, huyện cũng đang tích cực đôn đốc doanh nghiệp tự giác khắc phục”, ông Hòe thông tin.

Chương Huyền – Thân Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load