(Xây dựng) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kết luận Thanh tra số 102/KL-TTr về công tác quản lý, sử dụng đất đai, ký kết, thực hiện thanh lý hợp đồng giao khoán tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc. Kết luận Thanh tra cho thấy, từ hơn chục năm nay tại rừng phòng hộ Xuân Lộc xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, sử sụng đất rừng trái quy định tràn lan trên diện tích hàng trăm ha.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc để xảy ra tình trạng nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. (Ảnh: Quang Phương) |
Xây dựng trái phép tràn lan
Theo đó, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai làm rõ nhiều hoạt động “có vấn đề” tại khu vực do Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc quản lý. Trong đó, đối với việc quản lý, sử dụng đất, đơn vị thanh tra đã làm rõ nhiều vi phạm, hạn chế trong giai đoạn từ năm 2014 đến hết năm 2023; đối với việc ký kết, thanh lý hợp đồng giao khoán (HĐGK), các vi phạm, hạn chế được thanh tra làm rõ, giai đoạn từ năm 1987 đến hết năm 2023.
Theo đơn vị thanh tra, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc hiện tại quản lý sử dụng đất rừng tại xã Xuân Tâm với tổng diện tích 634,88ha. Trong đó, diện tích đất đã ký HĐGK với các hộ dân có diện tích hơn 569ha với 277 hộ, đất chưa ký HĐGK là hơn 26ha với 10 hộ. Tại xã Xuân Hưng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc quản lý sử dụng đất hơn 1.098ha, trong đó đã ký HĐGK là hơn 901ha với 214 hộ, chưa ký HĐGK là hơn 71ha với 13 hộ.
Theo Kết luận Thanh tra, đối với các hộ dân sử dụng đất rừng chưa ký HĐGK, trong hơn chục năm qua Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đã nhiều lần phối hợp với địa phương vận động thực hiện ký hợp đồng theo quy định, nhưng đều không nhận được sự hợp tác.
Không chỉ vậy, theo Kết luận Thanh tra, hiện tại khu vực còn để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép tràn lan. Hiện tại khu vực xã Xuân Tâm có 11 trường hợp tự ý xây dựng nhà trên đất lâm nghiệp, tại xã Xuân Hưng có 3 trường hợp. Trong đó bao gồm các trường hợp xây dựng nhà không đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng và cả các trường hợp xây dựng, cơi nới mở rộng hoặc sửa chữa nhà, thay đổi kết cấu nhà không phép.
Ngoài ra, tại 2 xã này còn có 37 trường hợp xây dựng các loại nhà tạm, công trình tạm trên đất lâm nghiệp mà không thông qua cấp có thẩm quyền.
Theo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, việc xây dựng nhà, nhà tạm, công trình trên đất lâm nghiệp là vi phạm quy định pháp luật, phải bị lập biên bản, yêu cầu không tiếp tục xây dựng đồng thời lập hồ sơ chuyển đến chính quyền địa phương để xử lý. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trái phép tại khu vực rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc quản lý đã xảy ra tràn lan và kéo dài từ nhiều năm nay.
Hàng trăm ha đất rừng sử dụng không đúng theo hợp đồng
Theo hồ sơ, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc hiện nay quản lý diện tích rừng hơn 10.000ha, trong đó 5.787ha quy hoạch rừng phòng hộ, 4.242ha quy hoạch rừng sản xuất, trên địa bàn 5 xã của huyện Xuân Lộc. Hiện tại, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đã ký hợp đồng giao khoán với 491 hộ dân, ngoài ra còn hợp tác trồng rừng với Công ty Cổ phần lâm nghiệp Sài Gòn để trồng rừng sản xuất nguyên liệu và rừng phòng hộ.
Theo Kết luận Thanh tra, không chỉ tại 2 xã nói trên mà trên toàn khu vực rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc quản lý hiện tại tình trạng sử dụng đất rừng không đúng theo hợp đồng xảy ra trên diện tích rất lớn, lên đến hàng trăm ha. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.
Theo đó, có đến 111 hộ với tổng diện tích 197ha (chiếm 12%) sử dụng đất không đúng hợp đồng. Trong đó, có 64 hộ vi phạm lần đầu, 29 hộ vi phạm lần 2, 18 hộ vi phạm 3 lần trở lên. Đặc biệt, có 41 trường hợp vi phạm nghiêm trọng (vi phạm nhiều lần, hậu quả lớn, tự ý sang nhượng hợp đồng, không thể khắc phục…).
Trong đó, 12 trường hợp vi phạm hợp đồng “đặc biệt nghiêm trọng”, đã bị Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc ban hành quyết định, thông báo thanh lý hợp đồng và thu hồi đất; 6 trường hợp (5 tại xã Xuân Tâm, 1 tại xã Xuân Hưng) bị khởi kiện ra Tòa án Nhân dân huyện Xuân Lộc. Tuy nhiên, về tài sản của Nhà nước đến hiện tại tất cả diện tích đất giao khoán trong diện phải thu hồi vẫn chưa thu hồi được.
Cũng theo Kết luận Thanh tra, hiện Đoàn Thanh tra đã ban hành Văn bản số 13/ĐTT ngày 10/5/2024, đồng thời tham mưu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai ban hành Văn bản số 2113/SNN-TTr ngày 10/5/2024 gửi UBND huyện Xuân Lộc và Chi cục Kiểm lâm đề nghị nhanh chóng vào cuộc ngăn chặn tình trạng sử dụng, khai thác rừng trái pháp luật.
Kết luận Thanh tra cũng nêu rõ: Một phần do khâu tuyên truyền của các đơn vị quản lý tại địa bàn về kết quả quy hoạch 3 loại rừng và chuyển đổi rừng đến các hộ nhận khoán còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả quản lý rừng không cao. Theo đó, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc tiếp tục phối hợp với UBND huyện Xuân Lộc, UBND các xã liên quan để tuyên truyền, vận động đối với 111 hộ canh tác chưa ký hợp đồng, yêu cầu ký hợp đồng nhận khoán theo quy định. Đồng thời, xem xét xử lý nghiêm đối với các trường hợp xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.
Đối với các vụ việc, hành vi xảy ra tranh chấp hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý bảo vệ rừng, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị các cơ quan Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát, Công an tỉnh chỉ đạo các cơ quan tố tụng huyện Xuân Lộc đẩy nhanh tiến độ vào cuộc, xử lý.
Nguyễn Đức
Theo