(Xây dựng) - Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư đã và đang nâng cao nhận thức xây dựng và quản lý tòa nhà một cách bền vững. Đối với khách thuê cũng vậy, đặc biệt là công ty, tổ chức, tập đoàn đa quốc gia, họ hiện đều nhắm đến xu hướng là xây dựng một môi trường làm việc bền vững cho nhân viên. Các chuyên gia nhận định, từ nay đến năm 2025, xu hướng phát triển của thị trường văn phòng xanh sẽ là chủ đạo.
Việc “xanh hóa” các tòa nhà văn phòng gần như đã trở thành yêu cầu thiết yếu hiện nay (ảnh: T/L). |
Trong nghiên cứu mới đây của JLL châu Á, đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản đến từ Anh Quốc cho biết: 83% công ty tại châu Á được khảo sát công nhận các mục tiêu về môi trường và xã hội trong hoạt động của công ty. Trong đó, có 80% công ty cho biết nhân viên của họ mong muốn nơi làm việc của mình có ảnh hưởng tích cực đến môi trường.
Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức của các công ty bất động sản trong khu vực bởi nhu cầu phát triển bất động sản xanh, thuê văn phòng xanh đang được đẩy mạnh. Muốn có khách hàng dài hạn, các công ty này phải xây dựng danh mục đầu tư bất động sản bền vững, được cấp chứng chỉ EGS - tiêu chuẩn cao nhất về đánh giá tác động môi trường và xã hội.
Không đứng ngoài xu thế phát triển, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ có những thay đổi cần thiết để đáp ứng nhu cầu bền vững, nhất là ở phân khúc thuê văn phòng xanh. Xu hướng này được hỗ trợ và thúc đẩy bởi nhiều nhiều yếu tố.
Các chuyên gia của Công ty Savills Việt Nam cũng nhận định, chứng chỉ xanh ngày càng quan trọng đối với thị trường văn phòng cho thuê. Hiện nay, nhiều khách thuê đang sẵn sàng trả giá thuê cao hơn đối với các tòa nhà có chứng chỉ xanh. Việc cải thiện và nâng cấp các tòa nhà cũ chưa có chứng nhận xanh cũng đang trở thành thiết yếu nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Mới đây, Báo cáo Tổng quan thị trường của Savills Việt Nam cũng ghi nhận, tại Hà Nội có thêm một số dự án xanh sắp ra mắt gồm: Gelex 10 Trần Nguyên Hãn, 36 Cát Linh, Tiến Bộ Plaza... Dự kiến đến cuối năm 2025, Hà Nội dự kiến sẽ cung cấp 68.400 m2 diện tích văn phòng xanh.
Ngoài nguồn cung mới này, thị trường còn ghi nhận vài cái tên đình đám khác sở hữu chứng chỉ xanh như TechnoPark Tower (chứng chỉ LEED Platinum), Capital Place Hà Nội (chứng chỉ LEED Gold), Bi Eco Suites Hanoi (chứng chỉ LOTUS gold)…
Nhằm phổ biến việc áp dụng các giải pháp thiết kế – xây dựng công trình xanh, đồng thời khuyến khích, công nhận các công trình đã áp dụng thành công, nhiều hệ thống tiêu chí đánh giá, chứng nhận công trình xanh đã được phát triển và ban hành ở nhiều nước trên thế giới như: Hệ thống BREEAM (Anh); hệt hống tiêu chí LEED của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC); hệ thống tiêu chí Green Mark (Singapore)…
Tại Việt Nam, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) là tổ chức tiên phong phát triển một hệ thống tiêu chí công trình xanh với các đặc thù dành cho thị trường xây dựng Việt Nam, ban hành công cụ LOTUS năm 2010.
Các chương trình chứng nhận này đặt ra các tiêu chí và yêu cầu về môi trường và hiệu năng dựa trên đặc thù và hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của mỗi nước. Sau đó đánh giá công trình dựa trên mức độ tuân thủ hay đáp ứng các tiêu chí đó.
Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội Hoàng Minh Nguyệt cho biết, sự dịch chuyển mạnh mẽ về nhu cầu khách thuê đã phần nào đẩy mạnh tính cạnh tranh giữa các tòa nhà, tạo ra áp lực về giá thuê cho các tòa nhà cũ, không đáp ứng được tiêu chí về môi trường.
Việc “xanh hóa” các tòa nhà văn phòng gần như đã trở thành yêu cầu thiết yếu, buộc chủ đầu tư cần có sự chuẩn bị kỹ càng để thích ứng và tìm kiếm mặt bằng phù hợp với chiến lược mở rộng của khách thuê cũng như các cam kết ESG (môi trường, xã hội và quản trị) đã đề ra.
Thống kê của Savills công bố năm 2022 cho thấy, chỉ khoảng 22% toà nhà văn phòng trên thế giới đạt chứng chỉ xanh quốc tế với các hệ thống chứng chỉ khác nhau như LEED, BREEAM hay WELL.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện số lượng công trình xanh tại Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và việc xin chứng nhận xanh quốc tế như LEED, đặc biệt LEED Platinum, Green Globes… cũng hoàn toàn không đơn giản. Để một tòa nhà xanh được hoàn thiện không chỉ đơn thuần yêu cầu về diện tích hay độ phủ thiên nhiên, mà cũng đòi hỏi áp dụng những công nghệ trong khâu vận hành nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực ra ngoài môi trường…
Linh Đan
Theo