(Xây dựng) – Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư hơn 4.815 tỷ đồng (khoảng 220 triệu USD) dù mới hoàn thành và đang vận hành thử nghiệm, nhưng nhiều vị trí đã sạt lở, nứt vỡ... Phía chủ đầu tư cho rằng, mưa lớn là nguyên nhân gây hư hỏng và đang cho tiến hành kiểm tra, khắc phục sự cố.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 4.815 tỷ đồng dù mới hoàn thành và đang vận hành thử nghiệm, nhưng nhiều vị trí đã sạt lở, nứt vỡ. |
Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc được thực hiện trên địa bàn 7 huyện của Vĩnh Phúc: Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, thành phố Phúc Yên và thành phố Vĩnh Yên.
Dự án có tổng mức đầu tư và nguồn vốn cho dự án 4.815,8 tỷ đồng (tương đương 220 triệu USD). Trong đó, vốn đối ứng hơn 1.532 tỷ đồng (tương đương 70 triệu USD), vốn vay hơn 3.284 tỷ đồng (tương đương 150 triệu USD) vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB). Thời gian thực hiện dự án đến ngày 30/6/2025; thời hạn giải ngân theo Hiệp định vay vốn đến hết ngày 08/7/2024.
Phía hai bên đầu cầu Máng Yên Phương bị sạt lở nghiêm trọng đang được xử lý lại. |
Đến nay, Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc đã cơ bản hoàn thành và đang trong quá trình chạy thử nghiệm. Tuy nhiên, trong cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua nhiều vị trí thuộc hệ thống kênh xả, hút của dự án này có dấu hiệu nứt gãy, sụt lún (trong đó, các kênh trạm bơm Kim Xá, Nguyệt Đức, Ngũ Kiên sạt lở, vỡ mảng, nứt gãy với vết dài rõ rệt) với khoảng chiều dài 60-80m… khiến dư luận nghi ngờ về chất lượng công trình.
Tại điểm kênh hút 1A thuộc hệ thống trạm bơm Nguyệt Đức được nhà thầu bóc bỏ phần bê tông và các lớp đất bị sạt trượt. |
Trao đổi cùng phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng phòng WB, Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Do tác động của thời tiết mưa lớn kéo dài liên tục trong thời gian qua, khiến nền đất ngâm nước lâu ngày nên nền đất yếu và sụt lún, phía nhà thầu cũng đã có báo cáo kịp thời và đã có phương án xử lý khắc phục. Về kế hoạch triển khai trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gia cố, khắc phục các điểm sạt trượt đảm bảo yêu cầu vừa tiêu thoát lũ trong mùa mưa 2024 và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật công trình trước khi bàn giao cho đơn vị quản lý vận hành. Đơn vị nhà thầu thi công khẳng định chất lượng thi công đúng theo thiết kế và đảm bảo tự khắc phục và hoàn thiện theo cam kết trong hợp đồng trước khi chủ đầu tư và tư vấn giám sát chấp thuận nghiệm thu hoàn thành công trình và phát hành chứng chỉ hoàn thành công trình theo hợp đồng.
Hoàn thành công trình, tổ chức kiểm định và tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu tổng thể dự án, bàn giao từng hạng mục công trình cho các đơn vị vận hành trong năm 2024 và đầu năm 2025; tổ chức kiểm toán, trình quyết toán công trình theo quy định.
Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc đến nay đã cơ bản hoàn thành và đang trong quá trình chạy thử nghiệm, nên nhà thầu có trách nhiệm xử lý, khắc phục những điểm sạt lở, nứt gãy xảy ra.
Kênh xả trạm bơm Nguyệt Đức nham nhở sau sạt lở. |
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra khắc phục tại điểm kênh hút 1A thuộc hệ thống trạm bơm Nguyệt Đức.
Theo Ban Quản lý dự án, do dự án được thiết kế để tiêu thoát tổng thể cho 712km2 của 7 huyện thành phố (Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, thành phố Phúc Yên, Bình Xuyên và thành phố Vĩnh Yên) bên tả sông Phó Đáy bằng giải pháp tiêu cưỡng bức ra sông Phó Đáy và sông Hồng thông qua các 3 trạm bơm và hệ thống các kênh hút từ sông Phan vào hồ chứa (không đầu tư tiêu thoát nước nội đồng và tiêu thoát nước đô thị).
Khắc phục đắp đất hai bên đầu của cầu máng Yên Phương thuộc trạm bơm Nguyệt Đức. |
Do đó, để đảm bảo sự bền vững của dự án cũng như hiệu quả sau đầu tư, các chuyên gia WB đã kiến nghị tỉnh Vĩnh Phúc cần phải rà soát, đầu tư đồng bộ và kịp thời các hạng mục tiêu thoát lũ nội đồng và nội các đô thị hiện hữu, đảm bảo lũ thoát nhanh ra sông Phan và các kênh hút cũng như hồ trữ nước của dự án.
Đinh Vũ – An Nhiên
Theo