Chủ nhật 10/11/2024 15:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Vĩnh Phúc: Cho ý kiến vào Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 – 2030

13:17 | 23/02/2023

(Xây dựng) - Chiều 21/02, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức hội nghị lần thứ 17 cho ý kiến vào Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do bà Hoàng Thị Thúy Lan - Bí thư Tỉnh uỷ chủ trì.

Vĩnh Phúc: Cho ý kiến vào Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 – 2030
Quảng cảnh hội nghị.

Dự thảo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và cụ thể hoá nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và những định hướng lớn trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng và các quy hoạch chuyên ngành liên quan. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Nền kinh tế phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức, người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc; nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường tự nhiên trong lành, đáng sống. Đến năm 2050, Vĩnh Phúc trở thành thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường và là thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, sạch đẹp, kiến trúc độc đáo mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc và đáng sống.

Cho ý kiến vào quy hoạch, các đại biểu đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, đơn vị tư vấn bổ sung, làm rõ quan điểm phát triển của tỉnh, trong đó cần thể hiện rõ nội dung là mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả của sự phát triển. Nghiên cứu, xác định rõ các ngành, lĩnh vực ưu tiên, các địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp, vùng trọng tâm phát triển nông nghiệp; định hướng phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại và có các ý tưởng mới để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, tạo ra những sản phẩm du lịch mới. Cùng với đó, bổ sung thêm các căn cứ xây dựng quy hoạch, danh mục, thứ tự các dự án tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp. Rà soát lại các số liệu, các kịch bản tăng trưởng; chỉ rõ các giải pháp thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch; phân tích, làm rõ phương án chọn, việc phân chia 3 vùng phát triển, nhu cầu mở rộng đất đai…

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, việc xây dựng quy hoạch tỉnh phải bảo đảm phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế của đất nước và các quy hoạch quốc gia; tập trung phát triển tỉnh Vĩnh Phúc một cách toàn diện, nhất là về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp sinh thái; xác định giá trị văn hóa, con người là yếu tố nền tảng, là sức mạnh nội sinh quan trọng, tạo động lực phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn chặt với phát huy các đặc điểm nổi trội của con người. Đồng thời cải thiện, nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân, bảo đảm mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến các đại biểu bổ sung, hoàn thiện quy hoạch, trong đó về mục tiêu phát triển, quy hoạch cần nêu rõ được vị trí của tỉnh trong mục tiêu phát triển tổng quát đến năm 2030 là giữ vị thế của một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, có vị trí trung tâm trong vùng Thủ đô Hà Nội, một trong những nền kinh tế top 10 cả nước.

Về phương hướng phát triển một số ngành kinh tế quan trọng cần tập trung vào các nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo với trọng tâm là ô tô, xe máy; xây dựng các chuỗi cung ứng điện, điện tử, công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, công nghiệp dược phẩm, công nghiệp chế biến, chế tạo đồ hộp, vật liệu mới, công nghiệp phần mềm.

Về dịch vụ, thương mại tập trung vào các nhóm ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, dịch vụ logistic. Phát triển các làng nghề truyền thống, thương mại điện tử gắn liền với phát triển kinh tế số.

Về du lịch hướng đến hình thành mạng lưới liên kết các trọng điểm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cộng đồng, du lịch thể thao giải trí, lễ hội, tín ngưỡng tâm linh, du lịch trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, lịch sử và du lịch hội thảo. Đối với nông nghiệp cần tập trung vào các loại hình chăn nuôi, trồng trọt và lâm nghiệp nhưng phải có định hướng rõ không gian phát triển cho từng loại hình.

Đối với phương án quy hoạch cần khẩn trương đề xuất phương án quy hoạch đơn vị hành chính có tính khả thi trong quy hoạch tỉnh, bảo đảm không bị xáo trộn; có các giải pháp để phát triển gia tăng dân số và xác định nâng cao chất lượng dân số là một trong những nhiệm vụ đột phá trong thời gian tới. Riêng về xây dựng cực tăng trưởng, giữ nguyên 3 cực tăng trưởng chính, đầu tàu là Vĩnh Yên, Bình Xuyên, Phúc Yên để dẫn dắt Lập Thạch, Vĩnh Tường. Đồng thời cần làm nổi bật chức năng phát triển của từng địa phương như thành phố Vĩnh Yên là trung phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế, kinh tế đô thị và nhà ở; huyện Bình Xuyên phát triển công nghiệp dịch vụ logistic, công nghiệp chăn nuôi; thành phố Phúc Yên phát triển công nghiệp du lịch nghỉ dưỡng, tài chính ngân hàng; huyện Yên Lạc phát triển giáo dục đào tạo, nông nghiệp, thương mại, làng nghề tiểu thủ công nghiệp và đô thị.

Về phát triển các khu, cụm công nghiệp cần phải có phương án điều chỉnh quỹ đất khu công nghiệp tối thiểu đạt khoảng 7.000ha, bên cạnh đó cần làm rõ hơn mô hình phát triển các khu công nghiệp để tạo sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh với các địa phương lân cận; có phương án giảm số lượng và diện tích dành cho cụm công nghiệp để ưu tiên quỹ đất phát triển khu công nghiệp. Đồng thời, xây dựng các chỉ tiêu về phát triển hạ tầng cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải nghĩa trang, bảo đảm không thấp hơn yêu cầu Nghị quyết 30 của Trung ương; có danh mục dự án ưu tiên khuyến khích phát triển nhà chung cư theo mô hình khu dân cư đô thị tập trung, tránh tình trạng chỉ phát triển bám dọc theo các trục đường giao thông…

Văn Nhất

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load