(Xây dựng) – Hàng chục người dân đang kinh doanh tại thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc), có hộ khẩu thường trú tại thị trấn Tam Đảo đã phải gửi đơn kêu cứu vì không có chợ để kinh doanh. Trong khi đó, chợ tạm đang xây dựng gần xong lại bị dừng, khiến người không biết đến bao giờ mới được sử dụng.
Trước thực tế những khó khăn về giải quyết nơi buôn bán kinh doanh cho người dân, Đảng ủy UBND thị trấn Tam Đảo đã phối hợp bàn bạc với Liên hiệp Khoa học sản xuất – Công nghệ mới (Bộ Quốc phòng) để được sử dụng khu đất (1.800m2) của Liên hiệp này làm chợ tạm, bố trí kinh doanh buôn bán cho nhân dân.
Không có chợ để kinh doanh, nên người dân thị trấn Tam Đảo thường phải kinh doanh trên vỉa hè. |
Ngày 7/5/2019, UBND thị trấn Tam Đảo đã có Văn bản số 29/UBND-ĐC-XD gửi UBND huyện Tam Đảo về việc xin ý kiến địa điểm chợ tạm cho nhân dân thị trấn Tam Đảo với nội dung chính: Đề nghị UBND huyện xem xét tạo điều kiện cho Đảng ủy – UBND thị trấn triển khai bố trí địa điểm làm chợ tạm cho nhân dân trong thời gian sớm nhất nhằm ổn định về đời sống vật chất cho nhân dân và góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và tạo đà phát triển du lịch dịch vụ. Diện tích khu đất khoảng 1.800m2, giáp khách sạn Mela và khách sạn Sao Mai, thị trấn Tam Đảo. Thời gian khoảng 2-3 năm hoặc đến khi đơn vị thông báo giao trả mặt bằng thực hiện dự án. Quy mô, hình thức: San gạt tạm mặt bằng, đổ bê tông hai sàn sau đó dựng nhà lắp ghép (dạng ki-ốt) đảm bảo mỹ quan (có bản vẽ thiết kế và thuyết minh kèm theo).
Ngày 14/5/2019, UBND huyện Tam Đảo có Công văn số 704/UBND-KTHT gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc với nội dung chính là: Thống nhất đề nghị về việc xây chợ tạm của UBND thị trấn Tam Đảo nhằm đảm bảo cho 70 hộ dân kinh doanh các mặt hàng nông sản, lưu niệm, ăn uống, giải khát tại thị trấn là cần thiết, cấp bách. Đề nghị UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo.
Ngày 27/6/2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Văn bản số 4751/UBND-CN3 về việc xây dựng chợ tạm cho nhân dân thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo. Nội dung văn bản là đồng ý về nguyên tắc địa điểm bố trí chợ tạm theo đề xuất của UBND huyện Tam Đảo tại Công văn trên. Giao Sở Xây dựng kiểm tra cụ thể về mốc giới, báo cáo UBND tỉnh.
Ngày 9/7/2019, Sở Xây dựng đã tổ chức Hội nghị gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc; UBND huyện Tam Đảo; UBND thị trấn Tam Đảo; Liên hiệp Khoa học sản xuất – công nghệ mới và đơn vị liên doanh để xây dựng chợ tạm. Trong cuộc họp, tất cả các thành viên đều thống nhất việc xây dựng chợ tạm tại vị trí đã nêu là phù hợp, nhu cầu là bức bách và cần thiết. Đề nghị UBND tỉnh sớm cho triển khai thực hiện.
Ngoài các Văn bản nêu trên, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc còn có Văn bản 2678/SXD-QHKT ngày 8/8/2019 gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nội dung Văn bản thống nhất với việc xây chợ tạm theo mặt bằng đã đề nghị, việc xây dựng chợ tạm là cấp thiết, bức bách phục vụ nhân dân. Đồng thời Sở Xây dựng cũng đề nghị phương án kỹ thuật thực hiện xây dựng chợ nhằm đảm bảo an toàn và dễ tháo dỡ, di dời.
Ngày 19/9/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc có Công văn số 2437/STNMT-QLĐĐ về việc kiểm tra địa điểm dự kiến xây dựng chợ tạm thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo. Nội dung Văn bản đồng ý với vị trí xây dựng chợ tạm và cũng cho rằng việc xây dựng chợ tạm là cần thiết, nhằm phục vụ cho người dân kinh doanh buôn bán. Trong Văn bản cũng đề nghị xem xét vấn đề sử dụng đất tăng 478,72m2 so với diện tích đất đã giao và chứng nhận quyền sở dụng đất cho Liên hiệp khoa học sản xuất – Công nghệ mới.
Mọi công việc đang triển khai suôn sẻ thì “bỗng dưng” ngày 7/1/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản số 100/UBND-CN3 về việc xây dựng chợ tạm cho thị trấn Tam Đảo. Nội dung văn bản này cho rằng, vị trí dự kiến xây dựng chợ tạm cho nhân dân thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo là đất quốc phòng. Vì vậy, sau khi Bộ Quốc phòng có ý kiến về khu đất trên, UBND tỉnh sẽ xem xét cho ý kiến cụ thể về việc xây dựng chợ tạm theo đề xuất của đơn vị.
Với cách làm “tiền hậu bất nhất” của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo ra nỗi “thất vọng” của hàng trăm hộ kinh doanh thị trấn Tam Đảo, gây lãng phí hàng chục tỷ đồng của nhà đầu tư, gián tiếp tạo ra vi phạm trật xây dựng, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè do người dân không có địa điểm kinh doanh.
Câu hỏi đặt ra là, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã xin ý kiến Bộ Quốc phòng chưa? Liệu có phải chờ đợi câu trả lời của Bộ Quốc phòng hay không? Đến bao giờ người dân mới có chợ để buôn bán? Trong khi Liên hiệp Khoa học sản xuất – Công nghệ mới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ngày 18/6/2019 đã có Văn bản số 01/LH-HĐQT về việc phúc đáp Công văn số 36/UBND-ĐCXD của UBND thị trấn Tam Đảo với nội dung chính: Đồng ý với đề nghị của UBND thị trấn Tam Đảo về việc mượn phần đất chưa sử dụng của Liên hiệp Khoa học sản xuất – công nghệ mới để làm chợ tạm cho nhân dân trong thời gian hai năm. Đồng thời giao cho đơn vị liên danh với mình làm việc với các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo đề xuất và nguồn kinh phí là nguồn tự có, huy động vốn theo quy định của pháp luật.
Cũng cần nói thêm, Liên hiệp Khoa học sản xuất – Công nghệ mới đã được UBND thị xã Vĩnh Yên cấp Chứng nhận cơ sở nghiên cứu thuộc Liên hiệp khoa học sản xuất I Bộ Quốc phòng, được quyền sử dụng 2.005m2 đất tại khu I thị trấn Tam Đảo (Vĩnh yên, Vĩnh Phúc). Như vậy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có cần thêm những thủ tục hành chính mà chúng tôi cho rằng, không cần thiết để gây cản trở cho nhân dân? Trong khi đây chỉ là chợ tạm.
Vừa qua, Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua chính thức luật hóa việc quân đội, công an sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Như vậy, xét tới thời điểm này việc liên danh giữa Liên hiệp Khoa học sản xuất – Công nghệ mới và đơn vị liên danh là hợp pháp và phù hợp với lòng dân. Trong khi, định hướng quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thị trấn Tam Đảo là phát triển du lịch, mà từ trước đến nay tỉnh Vĩnh Phúc vẫn loay hoay chưa xây dựng được 1 cái chợ cho nhân dân Tam Đảo và du khách thập phương. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần sớm giải quyết việc này, tránh gây lãng phí cho doanh nghiệp và sự mong chờ mỏi mòn của người dân.
Nam Nhi
Theo