(Xây dựng) - Ngày 28/12, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” được phát động ngay sau thành công của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vào thời điểm cả nước chung sức phòng chống đại dịch Covid-19, thực hiện mục tiêu kép, nhằm góp phần khơi dậy lòng yêu nước, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của công nhân, viên chức, người lao động cả nước, sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống với tinh thần càng khó khăn càng phải thi đua, càng nhiều thách thức thì càng phải đổi mới sáng tạo.
Bằng việc sử dụng nền tảng công nghệ số triển khai Chương trình, sau 80 ngày thi đua cao điểm, đã có 250.177 sáng kiến tham gia, vượt hơn 300% so với mục tiêu đề ra. Nội dung của những sáng kiến tham gia Chương trình rất đa dạng, xuất hiện trên nhiều lĩnh vực, ngành, nghề với sự tham gia của nhiều lực lượng lao động, từ các kỹ sư lành nghề, lãnh đạo doanh nghiệp, các công chức, viên chức, thầy giáo, cô giáo, cán bộ khoa học, đến những người công nhân sản xuất trực tiếp ngày đêm gắn bó với máy móc, nhà xưởng. Phần lớn các sáng kiến tham gia chương trình được đánh giá bằng kết quả làm lợi cụ thể với tổng giá trị ước đạt 148.967 tỷ đồng.
Phát biểu tại lễ tuyên dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có sáng kiến cụ thể hoá nhiệm vụ chính trị trọng tâm và cấp bách của tổ chức công đoàn và đất nước trong bối cảnh vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế xã hội bằng việc triển khai chương trình hết sức ý nghĩa này.
Theo Thủ tướng, dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát trong 2 năm qua đã tác động sâu rộng và gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của đất nước và nhân dân. Trước tình hình đó, các cấp công đoàn đồng hành cùng chính phủ và chính quyền các cấp, chia sẻ với doanh nghiệp, làm tốt công tác phòng chống dịch, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”, thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo của đoàn viên, người lao động trong cả nước.
“Tôi rất ấn tượng được biết, sau gần 3 tháng phát động, chương trình đã nhận được hơn 250.000 sáng kiến trên nhiều lĩnh vực của các tác giả, nhóm tác giả, từ những trí thức, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, đến công chức ,viên chức, công nhân sản xuất trực tiếp; chiến sĩ, lực lượng vũ trang; từ những trung tâm sáng tạo doanh nghiệp lớn ở các tỉnh đồng bằng đến các cơ sở sản xuất kinh doanh ở các tỉnh miền núi, hải đảo xa xôi.
Có những sáng kiến làm lợi hàng trăm tỷ đồng, nhiều sáng kiến bình dị đã đóng góp cho cuộc sống. Dù lớn hay nhỏ những sáng kiến này đều là tâm huyết của người lao động đối với cơ quan, doanh nghiệp trên cả nước. Là kết quả của sự tìm tòi hăng say của đoàn viên, người lao động trên toàn quốc, Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng và Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trao tặng bằng Lao động sáng tạo cho các cá nhân. |
Chương trình đã tạo được phong trào thi đua lao động hăng say, sáng tạo rộng khắp, qua đó xuất hiện nhiều tập thể và tấm gương điển hình 7 tập thể và 128 cá nhân được tôn vinh hôm nay. Thể hiện càng khó khăn, càng đoàn kết, càng sáng tạo của đoàn viên Công đoàn.
Thủ tướng kêu gọi và tin tưởng rằng sắp tới sẽ có nhiều thành tích đem lại hiệu quả cho công tác phòng chống dịch. Đề nghị các cấp Công đoàn tiếp tục bồi dưỡng và đổi mới đầu tư nhiều hơn và có chiều sâu hơn. Triển khai có hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược, tạo nền tảng vững chắc hơn, căn cơ hơn để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ con người Việt Nam trong thời đại mới – thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển xanh.
Tại Lễ tuyên dương, Ban tổ chức Chương trình đã có cuộc trao đổi với 3 điển hình là: Anh Phạm Thành Công – Công ty Than Hà Lầm: Xuất phát từ thời điểm trên đường đi làm dàn trống 24,5 tấn cẩu lên rất khó khăn. Trong quá trình lùi ô tô cần phải kê để ô tô lùi lên sân nên đã nảy ra ý tưởng sáng chế ra dàn khấu để nâng. Đây là một thiết bị cơ giới hóa đồng bộ nên khi thực hiện giải pháp có tính liên kết đồng bộ nâng khi đẩy lên cần đồng bộ và kê kích để bảo đảm sáng kiến này làm lợi 33 tỷ đồng *Anh Dương Văn Hùng - Công ty TNHH Samsung Điện tử Việt Nam - Thái Nguyên - có sáng kiến “Cải tiến Jig công đoạn tẩy màu bằng hóa chất”, giá trị làm lợi ước 30,75 tỉ đồng/năm; thời gian và chi phí cho các dòng sản phẩm gập cao, bị cạnh tranh bởi các nước bạn láng giềng. Từ thực tế đó anh Hùng đã nghiên cứu để áp dụng và được công nhận lên hạng I toàn cầu. BS Lê Thị Hòa – Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an với sáng kiến Áo chống sốc nhiệt. Chiếc áo chống số nhiệt xuất phát khi đó vào tháng 5,6 rất nóng. Các y bác sỹ tham gia chống dịch ở Bắc giang, các đồng nghiệp mặc đồ bảo hộ rất nóng và sốc nhiệt. Từ thực trạng đó bác sỹ Hòa đã cùng các anh em trong Viện đã nghĩ ra chiếc áo sốc nhiệt để gửi tới đồng nghiệp, hỗ trợ cho đồng nghiệp trong lúc khó khăn nhất tham gia chống dịch Covid-19. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã khen ngợi 7 tập thể được vì đã có thành tích cao trong Chương trình. 57 tác giả được tôn vinh tại buổi lễ, các tác giả còn lại sẽ được trao tại cơ sở. |
Lê Mỹ
Theo