(Xây dựng) – Cuối tuần qua, Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) đã tổ chức lễ khánh thành di tích kiến trúc “Công sự trú ẩn”, địa điểm từng là nơi làm việc của một số đồng chí nguyên lãnh đạo của Đảng và Chính phủ trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1964 – 1973).
Ban lãnh đạo Viện Kiến trúc quốc gia cắt băng khánh thành di tích kiến trúc Công sự trú ẩn. |
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, PGS.TS Mai Thị Liên Hương - Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia cho biết, trong giai đoạn 1963 – 1974, Thủ đô Hà Nội luôn sẵn sàng chiến đấu với hệ thống các công sự hầm trú ẩn hợp lực tác chiến ngày đêm.
Từ những thông tin đáng tin cậy, Ban Chấp hành Đảng ủy và Ban lãnh đạo Viện Kiến trúc quốc gia đã triệu tập một cuộc họp, đi tới thống nhất về việc tham gia khảo sát, thăm dò và tìm kiếm trong khuôn viên của Viện.
Viện trưởng Mai Thị Liên Hương phát biểu tại buổi lễ khánh thành di tích kiến trúc “Công sự trú ẩn” và gắn biển công trình. |
Đến ngày 02/05/2024, cửa hầm trú ẩn đã phát lộ. Đơn vị được giao nhiệm vụ bảo tồn và tôn tạo di tích đã nghiên cứu và tham vấn các cơ quan liên quan để thiết kế phương án tôn tạo kiến trúc công trình, hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, các tài liệu tiêu chuẩn về khả năng chống phá bom mìn trong giai đoạn chiến tranh miền Bắc cũng được nghiên cứu kỹ càng.
Giới thiệu về di tích kiến trúc “Công sự trú ẩn“, TS.KTS Nguyễn Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Kiến trúc quốc gia cho biết, dự án bảo tồn, tôn tạo công trình cách mạng sẽ được hoàn thành trong 2 giai đoạn.
Vào tháng 5/2024, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã thăm và nghe giới thiệu về di tích kiến trúc “Công sự trú ẩn” tại Viện Kiến trúc quốc gia. |
Ở giai đoạn 1, Viện Kiến trúc quốc gia sẽ gìn giữ, bảo vệ nguyên trạng công trình. Hiện nay, Viện đã hoàn thành việc tạo khuôn viên kiến trúc cảnh quan, thiết kế thi công phần khung và kính chịu lực để bảo vệ căn cứ công sự, gắn biển công trình.
Sang giai đoạn 2, Viện sẽ tiếp tục hoàn thiện phần thiết kế, thi công phần nội thất phía trong công trình, bao gồm các hạng mục: Thông gió, chiếu sáng, xử lý chống thấm và khôi phục hiện vật hệ thống điện đàm, phục vụ tác chiến điện tử...
Về cơ bản, phương án bảo tồn, tôn tạo sẽ ưu tiên bảo vệ tối đa nguyên trạng công trình gốc, trước khi tìm đủ căn cứ và dữ liệu lịch sử để tiến hành mô phỏng không gian hầm.
Phương án bảo tồn, tôn tạo sẽ ưu tiên bảo vệ tối đa nguyên trạng công trình gốc. |
Di tích được Bộ Tư lệnh Công binh xác định là Công sự trú ẩn do Trung đoàn 259 thuộc Cục Công binh thiết kế và xây dựng năm 1965 trong khuôn viên trụ sở làm việc của Viện Kiến trúc quốc gia tại số 389 Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Địa điểm này từng là nơi trú ẩn và làm việc của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười và cố Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa.
Thiết kế kiến trúc công trình có kết cấu toàn bộ bằng bê tông cốt thép đổ liền khối với độ dày khoảng 30cm – 40cm. Mặt bằng chu vi hầm khoảng 33,9m2, bao gồm 20 bậc thang dẫn xuống 2 khoang hầm và có hệ thống thông khí, thoát nạn ở giữa với các thang vịn. Chiều sâu của hầm khoảng 3,9m so với cốt mặt đất, chiều cao sử dụng thông thủy là 1,8m.
Phương Trang - Ảnh: Đức Nguyên
Theo