(Xây dựng) – Các chuyên gia đều cho rằng, sức hút của thị trường kho lạnh Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài không nằm ngoài sức nóng chung của ngành Kho lạnh toàn cầu, khi người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Theo báo cáo Thị trường Kho lạnh Việt Nam của StoxPlus, kho lạnh là một trong những phân ngành dịch vụ vận tải nhiều hứa hẹn nhất ở Việt Nam. Hiện nay, xuất khẩu thủy sản và hàng bán lẻ được kỳ vọng trở thành động lực chính cho việc tăng nhu cầu kho lạnh ở Việt Nam cũng như ảnh hưởng của một số hiệp định thương mại tư do được ký năm 2015. Cụ thể, TPP có thể giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng 68 tỷ USD năm 2025 với việc xóa bỏ hàng loạt hàng rào thuế quan đối với các thị trường xuất khẩu lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ và Canada. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam như thủy sản được kỳ vọng sẽ tăng trường mạnh trong giá trị xuất khẩu tới những nước tham gia TPP như Hoa Kỳ. Từ đó, nhu cầu giao nhận vận tải trong đó có kho lạnh cho các sản phẩm xuất nhập khẩu cũng sẽ tăng.
Bất động sản công nghiệp và hậu cần kho bãi (logistics) luôn được coi là một thị trường tiềm năng đối với các nhà đầu tư trong vài năm gần đây. Trong đó, phân khúc bất động sản kho lạnh dù không phải là lĩnh vực mới, tuy nhiên triển vọng của ngành Kho lạnh đang được đánh giá cao vì dịch bệnh xảy ra khiến nhu cầu lưu trữ thực phẩm, dược phẩm tăng cao.
Về vấn đề này, theo Savills Việt Nam, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng trở nên giàu có và đông dân hơn, kéo theo nhu cầu về các dịch vụ kho bảo quản lạnh cũng dần tăng cao và thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn ở hầu hết các nước.
Sau khi hoàn thành nhiều nghiên cứu thị trường về tính khả thi của việc đầu tư kho lạnh tại Việt Nam, ông Troy Griffiths – Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết: Thị trường Việt Nam gần đây cũng đã chứng kiến sự gia tăng hoạt động đầu tư cho dịch vụ phát triển kho lạnh. Đại dịch đã củng cố giá trị của chuỗi cung ứng, càng tạo thêm tính khả thi cho phân khúc này. Chúng tôi ghi nhận khá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc phát triển các kho lạnh tại Việt Nam để tận dụng lợi thế của quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa bán lẻ sẽ thay đổi cách các thành phố lớn của Việt Nam tìm nguồn thực phẩm tươi sống.
Với sự đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng lớn như Sân bay quốc tế Long Thành, các tuyến cung ứng sẽ được định hình lại trong tương lai. Khả năng cung cấp dịch vụ trong nước của các kho lạnh tại nước ta đã được kiểm chứng và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các đầu mối vận tải hàng không đẩy nhanh xuất khẩu, đặc biệt là thủy sản của Việt Nam với yêu cầu giữ lạnh chất lượng cao, ông Troy Griffiths nhấn mạnh.
Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao thị trường của JLL Việt Nam nhận định, với chuỗi cung ứng lạnh không tập trung và hầu hết được điều hành bởi các nhà cung cấp vừa và nhỏ, các trung tâm kho lạnh là cơ hội đầu tư lớn cho các nhà khai thác tại đây.
Nguồn cung kho lạnh chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam do nhu cầu lớn. Trong đó, khoảng 60% thị phần được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Công ty nghiên cứu Forrester dự báo dịch vụ đi chợ trực tuyến tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng 30% mỗi năm cho đến năm 2024. Tiềm năng của kho lạnh đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư bất động sản, cả các quỹ đầu tư mạo hiểm và bên cho vay.
Với sự toàn cầu hóa của các ngành công nghiệp thực phẩm, các công ty hậu cần cũng đang tìm cách mở rộng sang các thị trường mới. Tính đến thời điểm này chỉ mới có một số ít doanh nghiệp tham gia vào thị trường Việt Nam, nhưng chưa công ty nào cung cấp được chuỗi dịch vụ cung ứng đầy đủ, bà Trang nhận xét.
Huyền Lê (T/h)
Theo