(Xây dựng) – Từ năm 2010, nhiều địa phương trên cả nước đã tích cực thực hiện theo Quyết định 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 của Chính phủ nhằm giảm tối đa việc sử dụng đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch, giảm hoạt động khai thác đá vôi, khai thác than trái phép, bảo vệ đất canh tác nông nghiệp, bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực… Tuy nhiên, sau 11 năm, vật liệu xây dựng không nung, điển hình là gạch không nung đã xảy ra không ít sự cố như nứt, lún, thấm nước… Thực tiễn cho thấy, đã đến lúc cần đánh giá lại một cách khách quan và có những sửa đổi phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Nhà máy sản xuất gạch không nung. |
Ngày 28/11/2012, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2012/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng. Theo đó, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung theo đúng lộ trình.
Để thế cho gạch đỏ, từ nhiều năm nay, việc khuyến khích sử dụng các sản phẩm gạch không nung đã được quy định trong nhiều chính sách như: Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010; Quyết định 1469/QĐ-TTg Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Thông tư số 13/2017/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng; Chỉ thị số 10/CT-TTg tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung…
Kể từ đó, các địa phương đã nghiêm túc sử dụng gạch không nung ở các công trình có vốn đầu tư công… Trong báo cáo của Sở Xây dựng Hải Phòng có nêu rõ: Thực hiện chủ trương của Trung ương về xóa bỏ lò gạch, lò vôi thủ công và phát triển vật liệu không nung; được sự quan tâm của Bộ Xây dựng, Thành ủy, UBND thành phố và quyết tâm của chính quyền địa phương, trên toàn thành phố đã xóa thành công việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các lò vôi thủ công tại huyện Thủy Nguyên, huyện Vĩnh Bảo giúp giảm tối đa việc sử dụng đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch, giảm hoạt động khai thác đá vôi, khai thác than trái phép, bảo vệ đất canh tác nông nghiệp, bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực. Thực tế hiện nay việc sử dụng vật liệu không nung đã có ở rất nhiều công trình xây dựng, đảm bảo chất lượng, không gian kiến trúc đẹp. Ở Hải Phòng, có các dự án công trình nhà chung cư cao tầng thay thế chung cư cũ và một số công trình khác đã và đang sử dụng vật liệu không nung… Đây có thể coi như kết quả đáng khích lệ trong lộ trình thay thế gạch xây không nung cho gạch nung theo phương pháp thủ công.
Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, tại nhiều địa phương, ghi nhận tình trạng một số công trình sử dụng gạch không nung bị nứt, thấm nước, hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng… Năm 2016, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh - công trình có giá trị hàng ngàn tỷ đồng xảy ra tình trạng nứt ngang, nứt dọc. Năm 2019, Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) phản ánh tình trạng xuất hiện các đường nứt ngang, nứt dọc kích thước khác nhau “chạy” khắp công trình thuộc hạng mục sử dụng gạch không nung. Tại tỉnh Quảng Trị, nhiều công trình bị nứt tường khi sử dụng loại vật liệu này, như: Trụ sở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, nhiều trường học và cơ sở y tế ở huyện Hải Lăng, huyện Hướng Hoá, thành phố Đông Hà… Cũng trong măm 2019, tại công trường dự án Trụ sở Thành ủy Đồng Hới (Quảng Bình), trên một số mảng tường, cột trụ của công trình có xuất hiện một số vết nứt, có phương thẳng đứng và cả xiên tường, dài vài chục centimet. Tại các cửa sổ, mảng tiếp giáp giữa tường và cột, mảng tiếp giáp giữa tường và dầm cũng có dấu hiệu nứt rõ rệt.
Công trình nhà Hiệu bộ trường THPT Nguyễn Hữu Thận (Quảng Trị) có sự cố nứt tường khi sử dụng gạch không nung. |
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, gạch không nung có một số nhược điểm như: Thấm nước cao và thường xuyên xuất hiện vết nứt sau khi đưa vào sử dụng đã khiến gạch không nung trở nên kém hấp dẫn trong mắt người dùng. Hiện tượng nứt tường khi sử dụng gạch không nung thường được chia làm 2 loại, nứt chân chim và nứt sâu xuyên qua tường. Theo đó, rạn nứt chân chim thường xuất hiện khi các vết trát không ăn sâu vào tường gạch không nung. Vì thế, để hạn chế sự cố xây gạch không nung bị nứt, điều đầu tiên là nên mua gạch ở các cửa hàng, đại lý uy tín để đảm bảo chất lượng của gạch là tốt nhất.
Thiết nghĩ, những chủ trương trên của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên. Tuy nhiên cần xem xét lại chất lượng gạch không nung, đồng thời có sự sửa đổi, bổ sung vào chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương để kết quả của chương trình phát triển vật liệu không nung được hiệu quả hơn. Rõ ràng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải đánh giá, kiểm định chặt chẽ, cẩn trọng chất lượng cũng như những biện pháp để xây dựng công trình dùng gạch không nung được bền đẹp, đảm bảo an toàn.
Trước đó, tại “Bài 4: Cảnh báo hiện tượng gạch không nung không đảm bảo chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường” đăng tải vào năm 2019, Báo điện tử Xây dựng đã tiến hành lấy mẫu gạch không nung đang được sử dụng để gửi thử nghiệm chất lượng gạch tại Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng). Kết quả kiểm nghiệm số 3123/VLXD-TTKĐ cho thấy: Đối với công trình Nhà văn hóa Phương Liệt có chỉ tiêu thử nghiệm “Độ thấm nước” không phù hợp với yêu cầu quy định cho gạch bê tông theo QCVN16: 2017/BXD (TCVN 6477: 2016). Tương tự, mẫu gạch CV 105 (220x105x60) của Cty Vinh Phát sử dụng tại Trường tiểu học Kim Giang cũng được đánh giá là: Có chỉ tiêu thử nghiệm “Độ thấm nước” không phù hợp với yêu cầu quy định cho gạch bê tông theo QCVN16: 2017/BXD (TCVN 6477: 2016)”. Từ những kết quả thử nghiệm trên, có thể thấy chất lượng gạch không nung tại một số công trình xây dựng không đảm bảo các tiêu chuẩn, và chưa được kiểm soát chặt chẽ. |
Ánh Dương
Theo