(Xây dựng) – Hầu hết các sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước đang gặp khó khăn trước sức ép cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu.
Nhiều nước có nguồn cung vật liệu xây dựng dư thừa như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc… sẽ đẩy mạnh xuất khẩu để giảm tồn kho, khiến cho vật liệu xây dựng của Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh gay gắt. |
Theo Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, ngành sản xuất gạch ốp lát Việt Nam đã phát triển rất mạnh, công suất lắp đặt tính đến thời điểm hiện nay đã đạt trên 750 triệu m2 và vẫn có một số công ty đầu tư mới, mở rộng sản xuất. Sản lượng thực tế đạt trên 550 triệu m2 với doanh số hàng năm quy đổi đạt trên 2 tỷ USD, là nước sản xuất gạch ốp lát lớn thứ 4 thế giới. Thị trường trong nước đang tiến tới bão hòa, các doanh nghiệp đều hướng tới các thị trường xuất khẩu trong khu vực Asean và thế giới.
Tuy nhiên, nếu như hiện nay, sản phẩm gạch ốp lát Việt Nam xuất sang các nước trong khối Asean như Thái Lan, Malaysia và Indonesia đều phải xin giấy phép con chứng nhận chất lượng (Certificate) của từng nước, thì hàng hóa của các nước vào thị trường Việt Nam lại không cần có chứng nhận. Ví dụ như trường hợp của Ấn Độ – nước sản xuất và tiêu thụ gạch ốp lát lớn thứ hai thế giới, theo số liệu xuất nhập khẩu Hải quan, trong năm 2019 thì Ấn Độ là nước xuất khẩu gạch ốp lát vào Việt Nam đứng thứ 2 chỉ sau Trung Quốc.
Một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước cho biết, các doanh nghiệp của Ấn Độ sang tận nơi, đến từng đại lý, cửa hàng để mời chào và tìm kiếm khách hàng, trong khi chất lượng sản phẩm của họ không đồng đều, thậm chí nhiều sản phẩm trung và thấp cấp rất khó kiểm soát, ảnh hưởng tới thị trường chung cũng như quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam.
Hay như Trung Quốc là nước sản xuất gốm sứ xây dựng lớn nhất thế giới, hàng năm sản xuất trên 10 tỷ m2 gạch ốp lát, chiếm gần 80% sản lượng toàn thế giới trong khi cung vượt xa nhu cầu sử dụng nội địa, doanh nghiệp Trung Quốc luôn tìm đủ mọi cách đẩy hàng sang Việt Nam, kể cả dưới dạng trốn thuế và gian lận thương mại. Nhiều năm qua, gạch ốp lát Trung Quốc đã chiếm tới 20 – 25% trên thị trường Việt Nam với giá rất rẻ. Hiện đã có nhiều nước trên thế giới đã áp thuế chống bán phá giá đối với hàng gốm sứ xây dựng Trung Quốc.
Đối với lĩnh vực xi măng, Bộ Xây dựng cũng nhận định, lượng xuất khẩu xi măng của Trung Quốc và Thái Lan có thể tăng khiến xuất khẩu xi măng của Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh nhiều hơn. Doanh nghiệp trong nước cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng – giảm nguồn cung hợp lý để tránh bị ép giá, giữ giá bán ổn định và có chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam, thị trường vật liệu xây dựng năm 2020 có xu hướng tăng chậm lại, ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ, xuất khẩu xi măng của Việt Nam. Do đó, xu hướng doanh nghiệp ngành Xi măng hướng đến là giảm sản lượng, đổi mới công nghệ để tăng chất lượng. Hay nói cách khác, doanh nghiệp cần coi trọng lợi nhuận và đặc biệt là chất lượng sản phẩm để chủ động giải quyết khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển.
Theo các chuyên gia kinh tế, cạnh tranh trên thị trường vật liệu xây dựng sẽ ngày càng trở lên quyết liệt hơn khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới với các cam kết cắt giảm thuế, thuế suất… Trong khi ngày càng có nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng nội địa bị hàng ngoại chèn ép trên sân nhà nhưng tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp trong ngành Vật liệu xây dựng lại không mạnh, tỷ lệ vốn vay trên tổng vốn đầu tư lớn, do đó doanh nghiệp vật liệu xây dựng rất dễ chịu tác động khi thị trường tài chính có biến động và cũng do không có nguồn tiền để đầu tư cho các trang thiết bị, công nghệ máy móc hiện đại, tân tiến nên sản lượng và chất lượng sản phẩm thiếu tính cạnh tranh, đặc biệt là khi hội nhập vào sân chơi toàn cầu, nhiều nước có nguồn cung vật liệu xây dựng dư thừa như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc… sẽ đẩy mạnh xuất khẩu để giảm tồn kho, khiến cho vật liệu xây dựng trong nước càng chịu sức ép cạnh tranh gay gắt hơn.
Thanh Nga
Theo