Thứ sáu 20/09/2024 13:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

22:38 | 25/08/2023

(Xây dựng) - Chiều 25/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Báo cáo về một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 196 điều. Đây là dự án Luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, chính sách an sinh xã hội và kinh tế vĩ mô của quốc gia, liên quan đến nhiều luật, dự thảo Luật đang trình Quốc hội xem xét.

Để tránh chồng chéo, xung đột, bảo đảm chất lượng và tiến độ chuẩn bị dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan xác định một số nguyên tắc làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật là cần bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; khắc phục những vướng mắc, bất cập của thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội về nhà ở đối với người dân, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động.

Dự thảo Luật đã được thống nhất điều chỉnh, chỉ quy định những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở. Những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật khác đang được sửa đổi cùng với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) thì chuyển sang dự thảo Luật đó điều chỉnh. Trường hợp cần sửa luật có liên quan thì sửa đổi đồng bộ để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

“Quy định cụ thể trong Luật những nội dung đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và có sự thống nhất cao”- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương gắn với cơ chế tự chịu trách nhiệm; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở; thiết lập công cụ để kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý và phát triển nhà ở; phòng, chống sơ hở, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng và phát triển nhà ở. Thúc đẩy cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư để tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển nhà ở và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh giải trình, làm rõ một số nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật, đặc biệt là những vấn đề còn khác nhau giữa cơ quan chủ trì soạn thảo luật và cơ quan thẩm tra liên quan đến các nội dung hình thức sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở thương mại; Thu hồi đất thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Điều kiện đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư; Đất để xây dựng dự án nhà ở xã hội...

Tiếp thu các vấn đề đại biểu nêu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trực tiếp trả lời các vấn đề liên quan đến chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; Sự đồng bộ của dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu; đất để xây dựng nhà ở xã hội; nhà lưu trú công nhân…

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Cơ quan soạn thảo cùng với cơ quan thẩm tra tiếp thu, hoàn thiện dự thảo trong thời gian tới.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đặc biệt với các dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các Luật về xây dựng, quy hoạch, đầu tư, đấu thầu…

Phó Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này và ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sắp tới; lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, cơ quan tới để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Minh Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load