(Xây dựng) – Vừa qua, tại cửa số 10, 11 của công trình thủy điện Sông Lô 8B – nơi xảy ra vụ tàu đắm bị “quật” gãy nằm chắn ngang chân đập, đã xuất hiện nhiều vết nứt trên bề mặt đập khiến dư luận không khỏi hoang mang.
Dấu vết va chạm giữa tàu vận chuyển và thân đập còn lưu lại. |
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Vinh - Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Lam Sơn, chủ đầu tư công trình cho biết: Việc xuất hiện các vết nứt trên mặt đập thủy điện Sông Lô 8B tại cửa van số 10, 11 là có.
Ông cho rằng, các vết nứt là do trong quá trình thi công có thiết kế các khe lún tiếp xúc giữa các khối bê tông. Một số vết nứt là do công nhân đục ra thực hiện chắp vá. Các vết nứt này không ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Xuất hiện hàng loạt vết nứt trên mặt khu vực đập xả nước thủy điện Sông Lô 8B. |
Dự án nhà máy Thủy điện Sông Lô 8B là công trình thủy điện cột nước thấp được xây dựng tại địa phận các xã Tứ Quận, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang), có tổng mức đầu tư hơn 1.003 tỷ đồng, công suất lắp máy 27MW, sản lượng điện trung bình hàng năm đạt trên 109 triệu KWh.
Công trình được xây dựng từ tháng 10/2018 đến quý III/2020. Theo kế hoạch, đến ngày 20/10/2020, việc tích nước để chạy thử sẽ được tiến hành.
Trước đó, ngày 23/09, Báo điện tử Xây dựng có đưa thông tin tại khu vực đập thủy điện Sông Lô 8B nằm trên địa bàn xã Thắng Quân và xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang xảy ra vụ lật tàu chở cát khiến phương tiện bị chìm và mắc kẹt tại cửa đập. Do ảnh hưởng của đợt mua lũ cuối tháng 9 đầu tháng 10 trên khu vực miền núi phía Bắc đã làm cho con tàu bị trôi và chắn ngang cửa van xả số 9, 10, 11 của khu vực đập xả nước.
Tàu chở hàng đắm bị “quật” gãy nằm chắn ngang cửa van 10, 11 thủy điện Sông Lô 8B.
Ngày 8/10, lực lượng chức năng tỉnh Tuyên Quang gồm Thanh tra giao thông, Sở Giao thông Vận tải phối hợp Công an tỉnh tiến hành kiểm tra an toàn giao thông đường thủy khu vực đập xả nước của công trình thủy điện Sông Lô 8B.
Qua kiểm tra hồ sơ và thực tế, đoàn kiểm tra xác định đơn vị thi công không xây dựng phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy cho các phương tiện qua lại từ khi triển khai thi công công trình; chưa bố trí các trạm điều tiết đảm bảo an toàn giao thông; chưa bố trí phương tiện lai, dắt; chưa có hệ thống phao tiêu dẫn hướng và hệ thống cảnh báo ban đêm…
Việc xuất hiện các vết nứt trên mặt khu vực đập xả nước cũng như việc va chạm của các phương tiện tàu thuyền vào thân đập có ảnh hưởng đến công trình thủy điện Sông Lô 8B hay không rất cần các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang kiểm tra và làm rõ. Nhất là khi công trình thủy điện Sông Lô 8B chuẩn bị vào giai đoạn tích nước phục vụ cho công tác lắp đặt và phát điện thương mại.
Văn Nhất – Phùng Hằng
Theo