Chủ nhật 10/11/2024 17:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm chính thức hầu toà

08:07 | 06/03/2024

(Xây dựng) - Ngày 5/3, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (sinh năm 1956, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan đã chính thức khai mạc.

Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm chính thức hầu toà
Toàn cảnh ngày đầu xét xử bà Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Theo đó, trong phiên xét xử buổi sáng, Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành thẩm tra lý lịch của 86 bị cáo.

Là bị cáo đầu tiên đứng trên bục khai báo, bị cáo Trương Mỹ Lan khai mình sinh năm 1956, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh, quốc tịch Việt Nam, dân tộc Hoa, không có tiền án tiền sự. Bị cáo bị bắt vào tối ngày 6/10/2022 lúc đang đi ngoài đường. Trước khi phạm tội, bị cáo Trương Mỹ Lan là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị cáo khai đã nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử cách đây khoảng 2 tuần.

Thẩm tra lý lịch bị cáo Chu Lập Cơ, Hội đồng xét xử (HĐXX) mời người phiên dịch. Theo đó, bị cáo Chu Lập Cơ sinh năm 1956 tại Hồng Kông, quốc tịch Trung Quốc, là chồng của bà Trương Mỹ Lan. Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo đang là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Times Square. Trước đó, bị cáo không có tiền án, tiền sự hay bị xử lý pháp luật tại Việt Nam và nước ngoài.

Thẩm tra lý lịch bị cáo Trương Huệ Vân (sinh năm 1988, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh), bị cáo Vân là cháu của Trương Mỹ Lan. Bị cáo Vân cho biết, trước khi bị bắt là Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor. Bị cáo khai bị bắt tạm giam vào tháng 10/2022.

Trong vụ án này, ngoài bị cáo Trương Mỹ Lan, Chu Lập Cơ, Trương Văn Huệ còn có 83 bị cáo khác. Nhìn chung các bị cáo đều bình thản tại phiên tòa. Riêng bị cáo Đỗ Thị Nhàn (sinh năm 1966, nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) được cho là gầy hơn, xuống sắc so với lúc trước khi bị bắt.

Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm chính thức hầu toà
Bị cáo Trương Huệ Vân bị đại diện Viện kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố về hành vi tham ô tài sản.

Chiều cùng ngày, đại diện Viện kiểm sát nhân dân giữ quyền công tố tại tòa và công bố cáo trạng. Theo đó, các bị cáo bị cáo buộc đã vi phạm các tội như: “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và một số đơn vị liên quan.

Theo cáo trạng vụ án, trong số 86 bị cáo trong vụ án này, có 13 bị cáo bị đề nghị truy tố ở khung hình phạt có mức tử hình. Riêng Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố 3 tội danh là “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”. Một số bị cáo bị đề nghị truy tố hai tội danh.

Cụ thể, ở hành vi “Tham ô tài sản” thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát và SCB có 11 bị cáo bị đề nghị truy tố ở khung hình phạt có mức tử hình, gồm Trương Mỹ Lan (sinh năm 1956, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Đinh Văn Thành (sinh năm 1971, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (sinh năm 1973, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Tạ Chiêu Trung (Tổng Giám đốc Công ty CP Tài chính Việt Vĩnh Phú, nguyên Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB), Trương Khánh Hoàng (sinh năm 1986, nguyên quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Trần Thị Mỹ Dung (sinh năm 1985, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Hồ Bửu Phương, Nguyễn Phương Anh, Đặng Phương Hoài Tâm, Trương Huệ Vân (sinh năm 1988, Tổng Giám đốc Tập đoàn Quản lý Bất động sản Windsor).

Cùng bị đề nghị truy tố về tội tham ô với khung hình phạt có mức tử hình còn có Dương Tấn Trước (sinh năm 1983, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tường Việt) vì có hành vi giúp sức, đồng phạm với Trương Mỹ Lan tham ô hơn 4,7 nghìn tỷ đồng.

Ngoài nhóm Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và doanh nhân Dương Tấn Trước thì khung hình phạt có mức tử hình còn có bị cáo Đỗ Thị Nhàn (sinh năm 1966, nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) bị truy tố về hành vi “Nhận hối lộ” với 5,2 triệu USD.

Các bị cáo còn lại của nhóm Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB bị truy tố về một trong hai tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Nhóm bị cáo thuộc quan chức Nhà nước như: Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Thị Phụng, Bùi Tuấn Khoa, Vương Đỗ Anh Tuấn, Trần Văn Tuấn, Lê Thanh Hà, Nguyễn Văn Thùy, Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Khánh Linh, Trương Việt Hưng, Nguyễn Duy Phương, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thị Phi Loan, Võ Văn Thuần, Phan Tấn Trung, Nguyễn Tín, về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Riêng bị cáo Nguyễn Văn Du (nguyên Quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) bị truy tố về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”).

Đáng chú ý, trong vụ án này còn có bị cáo Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970, quê Lâm Đồng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella) bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số tiền 1.000 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan.

Được biết, phiên tòa dự kiến diễn ra trong gần 2 tháng (từ 5/3 - 29/4/2024) với trên 200 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các bên liên quan. Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan có 5 luật sư, gồm: Phan Trung Hoài, Phan Minh Hoàng, Nguyễn Huy Thiệp, Giang Hồng Thanh, Trương Thanh Đức.

HĐXX cũng triệu tập 2,4 nghìn người liên quan gồm: Nhóm người là các cá nhân thuộc nhóm cán bộ SCB (316 người); nhóm người liên quan là các cá nhân đứng tên công ty, đứng tên vay, đứng tên các tài sản thế chấp tại SCB thực hiện việc nộp rút tiền có 1153 người; nhóm người liên quan là các pháp nhân thuộc nhóm đứng tên vay tiền, nhận tiền tại SCB có gần 700 người; nhóm người liên quan là các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước có 42 người và nhóm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác.

Theo cáo trạng, bà Trương Mỹ Lan thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần như tuyệt đối của SCB (91,5% cổ phần). Từ đó, chi phối, lũng đoạn toàn bộ hoạt động của SCB.

Trong 10 năm liên tiếp (2012-2022), nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay với dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (không có khả năng thu hồi). Bà Lan bị cáo buộc chiếm đoạt của SCB hơn 498.000 tỷ đồng.

Thiên Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load