Thứ tư 13/11/2024 07:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Triệu Sơn (Thanh Hóa): Trung tâm Văn hóa - Thể thao “biến” thành điểm kinh doanh dịch vụ

22:26 | 28/03/2020

(Xây dựng) - Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Triệu Sơn được đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng UBND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) lại ký cho người dân thuê miễn phí hàng chục nghìn m2 đất trong nhiều năm để kinh doanh, khiến dư luận nghi ngờ sự minh bạch, khuất tất ở đây.

trieu son thanh hoa trung tam van hoa the thao bien thanh diem kinh doanh dich vu
Công trình xây dựng trong khuôn viên khu kinh doanh, dịch vụ, trước kia thuộc Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Triệu Sơn.

Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Triệu Sơn được khởi công xây dựng tháng 9/2010, hoàn thành tháng 10/2011 với tổng kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng, công trình được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu văn hóa, vui chơi, rèn luyện thể dục thể thao của cán bộ, nhân dân.

Tuy nhiên, cuối năm 2014, ông Nguyễn Văn Thành – người dân huyện Triệu Sơn đã có đơn xin thuê đất trong khuôn viên của Trung tâm để đầu tư xây dựng “khu văn hóa, thể thao”. Ngay sau đó, thông qua tờ trình của phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện đã ký Quyết định cho ông Thành được thuê 21.000m2 đất tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao theo hình thức xã hội hóa (không thu tiền) 30 năm.

Cuối tháng 12/2018, ông Thành có đơn xin trả lại đất cùng toàn bộ công trình đã đầu tư xây dựng. Sau đó không lâu, ông Vũ Tiến Tuấn - một người dân địa phương làm đơn xin thuê lại khu đất này. Cũng nhanh như lần trước đối với ông Thành, chỉ vài ngày sau khi nhận được đơn, UBND huyện Triệu Sơn ban hành quyết định thu hồi 21.000m2 ông Thành trả lại, giao cho ông Tuấn thuê tiếp, thời gian thuê đến năm 2044. Mục đích thuê nêu rõ “xây dựng Khu văn hóa, thể dục, thể thao”.

Nhận được thông tin phản ánh của dư luận về việc, UBND huyện Triệu Sơn có dấu hiệu không minh bạch khi cho thuê miễn phí khu đất “vàng” 21.000m2 nằm giữa trung tâm thị trấn, một vị trí đắc địa rất phù hợp cho hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với ông Lê Phú Quốc - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện. Lý giải vụ việc này, ông Quốc đã viện dẫn một loạt Nghị định, Thông tư của Chính phủ và Quyết định của UBND tỉnh. Trong đó, có Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, ngày 16/6/2014 “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Theo đó, tại mục I, điều 1: Chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất có nêu như sau:

“1. Phạm vi điều chỉnh: Lĩnh vực xã hội hóa bao gồm giáo dục – đào tạo, dạy nghề; y tế; văn hóa; thể dục - thể thao; môi trường

2. Đối tượng áp dụng: Các cơ sở ngoài công lập được thành lập và có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các lĩnh vực xã hội hóa, các tổ chức, cá nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có các dự án đầu tư liên doanh, liên kết...”.

Ngoài những điều khoản như đã dẫn của Nghị định số 59, ông Quốc cũng viện dẫn một số điều của Luật Đất đai năm 2013 cùng văn bản của tỉnh để chứng minh quan điểm cho rằng việc UBND huyện Triệu Sơn cho thuê đất là đúng quy định của pháp luật bởi “đây là dự án văn hóa, thể dục, thể thao theo hình thức xã hội hóa, được miễn 100% tiền thuê đất, tiền sử dụng đất”. Đối với hoài nghi của dư luận về địa điểm cho thuê được xem là “khu đất vàng” nằm giữa trung tâm thị trấn, ông Quốc cho biết, vị trí này bây giờ nhờ có Nhà nước cùng doanh nghiệp đầu tư nên mới trở nên khang trang, sạch đẹp. Còn trước kia, chỉ là khu đồng Nẫm hoang vu, dân cư thưa thớt.

trieu son thanh hoa trung tam van hoa the thao bien thanh diem kinh doanh dich vu
trieu son thanh hoa trung tam van hoa the thao bien thanh diem kinh doanh dich vu
Tại đây đã mọc lên hàng loạt công trình như: Quầy bar, dãy nhà lợp lá, khu nhà chờ có mái che…

Sau khi gặp ông Quốc, phóng viên đã trực tiếp tới khu Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Triệu Sơn, nay là điểm kinh doanh dịch vụ của ông Vũ Tiến Tuấn. Tại đây đã mọc lên hàng loạt công trình như: Quầy bar, dãy nhà lợp lá, bể bơi thông minh được xây dựng đồng bộ với hệ thống sục mát-xa lọc bể, dàn đèn chiếu sáng, hệ thống lọc nước tự động theo công nghệ châu Âu, khu nhà chờ có mái che, 2 sân bóng đá cỏ nhân tạo, 2 sân tennis, 2 sân bóng chuyền đều rất hiện đại. Cùng với đó, khu vui chơi dành cho trẻ em có mái che và hệ thống cây xanh, đường đi lối lại hoàn chỉnh tạo không gian thoáng mát… với tổng kinh phí lên tới khoảng 20 tỷ đồng.

trieu son thanh hoa trung tam van hoa the thao bien thanh diem kinh doanh dich vu
Khu vui chơi dành cho trẻ em có mái che và hệ thống cây xanh.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Tiến Tuấn cho biết, trước khi tiếp nhận dự án này từ ông Thành, ông đã là người góp vốn chính cho dự án, nhưng do đang làm ăn ở nước ngoài nên liên kết với ông Thành để đầu tư. Sau đó khi về nước, ông Thành đã rút lui để bàn giao lại cho ông, sở dĩ ông đầu tư vào đây là vì muốn góp sức xây dựng quê hương sau thời gian xa quê. Theo nhà đầu tư này, mặc dù được đầu tư bài bản với kinh phí lớn, tuy nhiên kể từ ngày hoạt động đến nay, ngoài 2 sân bóng đá có thu được chút tiền, còn lại đều hầu như không có khách. Ngoài các điểm dành cho thi đấu, rèn luyện như sân bóng, bể bơi… có thu tiền, còn lại đều miễn phí, người dân vẫn có thể cùng trẻ nhỏ vào vui chơi, dạo mát, tản bộ…

Cũng theo ông Tuấn, mặc dù không thu được lợi nhuận từ dự án này. Nhưng ông vẫn hết lòng tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương. Ngoài ra, ông còn sẵn sàng phục vụ không điều kiện các cuộc hội nghị, hội thảo, thi đấu thể thao khi huyện có nhu cầu.

Như vậy, có thể nói việc dư luận hoài nghi với câu hỏi, có hay không sự “ưu ái”, thậm chí “không trong sáng” trong vụ việc này là hoàn toàn có cơ sở. Thực tế, Trung tâm Văn hóa – Thể thao, một công trình thuộc lĩnh vực xã hội hóa hiện đã gần như “biến” thành điểm kinh doanh dịch vụ của tư nhân. Thêm nữa, có thể động cơ đầu tư của ông Vũ Tiến Tuấn chỉ nhằm đóng góp xây dựng quê hương (như ông đã nói - PV) và đang trong tình trạng “thu không đủ chi”. Nhưng địa điểm này vẫn đang hoạt động như một điểm kinh doanh, dịch vụ, không phải một Trung tâm Văn hóa – Thể thao, phục vụ nhu cầu vui chơi, rèn luyện, thi đấu thể thao chung của cán bộ, công chức và mọi người dân địa phương. Đáng quan tâm hơn, ngoài mặt bằng 21.000m2 cho thuê miễn phí, UBND huyện Triệu Sơn có thể còn vi phạm Luật Quản lý tài sản công, khi “tặng” luôn số tiền hàng chục tỷ đồng đã đầu tư vào công trình này cho ông Tuấn?

Để giải đáp, làm rõ những thắc mắc, hoài nghi của dư luận, tránh thất thoát kinh phí, tài sản của Nhà nước, đảm bảo mọi công dân, mọi nhà đầu tư đều bình đẳng trước pháp luật. Theo chúng tôi, UBND tỉnh Thanh Hóa nên sớm chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tập trung xác minh, làm rõ vụ việc, rõ đúng sai. Qua đó có giải pháp xử lý thấu đáo và nghiêm túc.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load