Thứ sáu 08/11/2024 01:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Khoa học - Công nghệ /

Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn: Trách nhiệm và lòng tin

22:12 | 18/03/2023

(Xây dựng) – Đó là những giá trị cốt lõi vô cùng qua trọng của báo chí Việt Nam được khẳng định trong Hội thảo Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, ngày 18/3.

Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn: Trách nhiệm và lòng tin

Hội thảo lớn nhất về chuyển đổi số ở lĩnh vực báo chí truyền thông

Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng trên thế giới, thảo luận về những câu hỏi hóc búa mà trí tuệ nhân tạo đang đặt ra, từ đó có những giải pháp nhằm định hướng sáng tạo nội dung cho từng nhà báo và ở mỗi cơ quan báo chí hiện nay.

Hội thảo diễn ra theo hai phiên. Phiên một gồm 4 tham luận của các diễn giả là nhà báo, nhà quản lý báo chí, nhà nghiên cứu báo chí truyền thông. Trong đó, các diễn giả đã tập trung thảo luận về ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng như AI đã làm thay đổi lao động nhà báo và quy trình tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí số như thế nào? Có thể sử dụng AI vào những bước, những khâu cụ thể nào trong sáng tạo nội dung số? Ưu thế và hạn chế của AI trong sáng tạo nội dung báo chí là gì?

Phiên thứ hai mở đầu với thuyết trình chủ đề ứng dụng Chatbot ở Báo điện tử VietnamPlus.vn - từ góc nhìn quản trị tòa soạn. Sau đó, các diễn giả và khách mời đã cùng thảo luận về các gợi ý ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các bước, các khâu trong quản trị sáng tạo nội dung tại toà soạn. Làm thế nào để tăng tốc sản xuất nội dung, quản trị được các hoạt động sáng tạo nội dung trong toà soạn? Khi ứng dụng AI, quản trị toà soạn đối mặt với những vấn đề gì, từ góc nhìn pháp lý, đạo đức, văn hoá?

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ của Hội nhà báo Việt Nam chia sẻ: “Đây là hội thảo lớn nhất từ trước tới nay của mảng chuyển đổi số ở lĩnh vực báo chí truyền thông trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc, có sự tham gia của nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, những người làm báo trong cả nước và các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông tại Việt Nam cùng trao đổi về việc ứng dụng công cụ AI với vai trò trợ lý ảo cho những hoạt động tổ chức và sáng tạo nội dung trong tòa soạn.

Chỉ trong thời gian ngắn, Hội thảo đã nhận được 22 tham luận từ các nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà khoa học gửi về Ban Tổ chức. Điều này cho thấy chủ đề mà Hội thảo đưa ra là một vấn đề hết sức “nóng”, thu hút sự quan tâm rất lớn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan báo chí”.

Chuyển đổi số trong báo chí là xu thế tất yếu

Chia sẻ về xu hướng sử dụng AI vào quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn trên thế giới và định hướng tại Việt Nam, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân kiêm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Chuyển đổi số đã và đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí truyền thông cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Trước bối cảnh đó, báo chí phải chủ động đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số.

Việc đối diện với sự bùng nổ về cả tốc độ, số lượng và quy mô tiêu thụ thông tin như hiện nay, các tổ chức báo chí – truyền thông đang dần quá tải nếu vẫn duy trì cách làm truyền thống. Để giải quyết vấn đề này, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản và phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung và cả hình thức theo hướng thông minh hơn. Tuy nhiên, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ChatGPT hiện nay đã và đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí.

ChatGPT đã giúp tăng tương tác với độc giả, giúp cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách trả lời các câu hỏi và giải đáp thắc mắc của khách hàng. Việc sử dụng ChatGPT và ứng dụng AI trong báo chí truyền thông đã thúc đẩy hoạt động báo chí truyền thông phải đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp kỹ thuật sử dụng AI và tạo công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng, nâng cao chất lượng, công khai minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí phù hợp.

Nhưng bên cạnh cơ hội, việc sử dụng AI cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả, thách thức lớn từ góc nhìn pháp lý, an ninh truyền thông, từ góc nhìn văn hóa và đạo đức nghề nghiệp... Ngoài ra, việc sử dụng ứng dụng AI cũng tiềm ẩn việc có thể thay thế một số công việc của nhân lực, gây ra mất việc làm cho một số nhân viên…

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, AI đang đe dọa nguồn thu nhập của báo chí và đây là vấn đề sống còn đối với các cơ quan báo chí tại Việt Nam. “Nguy cơ chúng ta mất 50% lượng cập nhật từ công cụ tìm kiếm là rất rõ, kèm theo đó là mất tiền quảng cáo”, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, nhà báo Lê Quốc Minh cũng khẳng định việc đầu tư ứng dụng AI vào sáng tạo nội dung trong báo chí là cực kỳ cần thiết, nếu bây giờ còn ai nói không nên đầu tư vào AI thì thật sự rất tụt hậu. Việc đầu tư vào AI không đơn giản chỉ là có công cụ để viết bài mà còn có thể mang đến nhiều điều khác.

Sự cạnh tranh về lòng tin giữa AI và nhà báo

Chia sẻ từ góc nhìn quản lý Nhà nước về báo chí truyền thông, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng: AI đang khiến chúng ta nhận ra các phóng viên, nhà báo đang tốn rất nhiều thời gian và sức lực để làm những việc mà AI có thể thực hiện rất đơn giản. Tuy nhiên, AI cũng đang cảnh báo nguy cơ thao túng thông tin, ngụy tạo thông tin, từ đó dẫn đến sự cạnh tranh về lòng tin giữa báo chí truyền thông và AI.

Trong khi đó, Thạc sĩ Trần Lệ Thuỳ, Học giả nghiên cứu báo chí tại Đại học Oxford, Giám đốc trung tâm Sáng kiến truyền thông và phát triển (MDI) đã chỉ ra rằng, sự phát triển của AI đang khiến nhu cầu cập nhật công nghệ ngày càng trở nên quan trọng hơn và thực tế là giới AI đang theo dõi sát giới báo chí và de dọa công việc của báo chí.

Trên thế giới, nhiều tọa soạn đã sử dụng AI để sản xuất nội dung báo chí nhanh hơn và đồng thời cũng giảm tải khối lượng công việc cho các phóng viên. Do đó, một số người làm báo có thể bị mất việc trong thời gian tới khi AI đang làm được các công việc cơ bản. Trước mắt, ChatGPT đã có thể viết được các tin theo cấu trúc kim tự tháp ngược (nhất là tiếng Anh), nhưng các dạng bài phức tạp hơn theo cấu trúc đồng hồ cát thì chưa làm được. Chính vì vậy, Thạc sĩ Trần Lệ Thuỳ cho rằng, AI và ChatGPT có thể giúp nhà báo giảm tải được khối lượng công việc, từ đó có thời gian để viết tin, bài sâu hơn.

AI giống như bộ áo giáp của Iron man

Chia sẻ về kết quả thử nghiệm ChatGPT trong sáng tạo nội dung tác phẩm báo chí ở Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV), nhà báo Ngô Trần Thịnh đến nhóm nghiên cứu ứng dụng ChatGPT của Đài HTV đã ví von AI cũng giống như bộ áp giáp của nhân vật Iron Man. Người làm báo có thể kết hợp với AI để làm việc hiệu quả hơn nhưng con người vẫn sẽ là yếu tố quyết định chất lượng của sản phẩm báo chí. AI sẽ không thay thế được nhà báo, nhưng các nhà báo kết hợp với AI có thể thay thế các nhà báo không sử dụng AI.

Theo đó, nhóm nghiên cứu của HTV đã thử nghiệm dùng ChatGPT để viết một bài báo về công nghệ và cho phát sóng, tức là tác phẩm đã qua kiểm duyệt kỹ càng. Từ thử nghiệm này, nhóm nghiên cứu thấy rằng ChatGPT có khả năng định hướng chủ đề và bố cục bài viết tương đương một sinh viên mới ra trường đi làm được khoảng 1-2 năm. Thậm chí, ChatGPT cũng chỉ mất khoảng 8 phút để hoàn thành một bài viết 4 phần dài khoảng 2.000 chữ.

Tuy nhiên, tác phẩm báo chí của ChatGPT vẫn còn nhiều “hạt sạn” như tác phẩm chưa có điểm nhấn, chưa có yếu tố con người, yếu tố nghệ thuật và còn nhiều từ ngữ chưa hợp với phóng sự, sử dụng danh từ còn cứng do máy tính tổng hợp đề xuất. Không những thế, nhóm nghiên cứu phải hỏi đến 8 câu thì AI mới có thể hiểu chính xác ý muốn của người biên tập. Nhà báo Ngô Trần Thịnh cho rằng, yếu tố con người là yếu tố quan trọng nhất trong tác phẩm mà AI không có thì sẽ không thể có cảm xúc, sự sáng tạo, nghiệp vụ và tính dàn dựng.

Mặc dù vậy, đây vẫn là một thử nghiệm có giá trị vì có thể chỉ ra những ưu điểm của nhà báo và AI. Theo đó, nhà báo sẽ có ưu thế tiên phong về thông tin và cũng biết cách khai thác thông tin, còn AI chỉ tổng hợp thông tin sau khi được người sử dụng cung cấp thông tin. Ngoài ra, nhà báo còn có sự sáng tạo, tính nghiệp vụ và tính cách mạng để tạo được lòng tin với công chúng tốt hơn so với AI.

Chính vì thế, nhà báo Ngô Trần Thịnh cho rằng không nên để AI tiếp tục sáng tạo tác phẩm báo chí vì người làm báo có thể mất nhiều thời gian để sửa chữa. Thay vào đó, nhà báo nên tận dụng các ưu điểm của AI để tiết kiệm thời gian và công sức trong nhiều công đoạn, từ đó có thêm thời gian để sáng tạo các tác phẩm báo chí có giá trị.

Nhà báo không cần sợ AI mà cần học cách làm chủ công nghệ

Theo nhà báo Minh Dũng đến từ Trung tâm sản xuất nội dung số của Đài truyền hình Việt Nam VTV, nhà báo không cần phải sợ hãi AI sẽ “cướp” mất công việc vì AI chỉ có thể hoạt động khi con người cung cấp thông tin, dữ liệu. Do đó, thay vì sợ hãi thì nhà báo nên học cách làm chủ công nghệ để AI thực hiện được những công việc cơ bản với hiệu suất cao hơn rất nhiều.

Cùng chung ý kiến, nhà báo Mai Đức Thông, Tổng biên tập Báo Tuyên Quang, Chủ tịch Hội Nhà báo Tuyên Quang cho rằng, dù ChatGPT có nhiều tính năng nổi trội, nhưng rốt cuộc vẫn chỉ là một công cụ và nhà báo phải học cách để làm chủ công cụ này. AI chắc chắn không thể thay thế nhà báo vì AI không có sự nhạy cảm chính trị, không có tính nhân văn, không có đạo đức của người làm báo…

Trong khi đó, nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân dân điện tử cho biết, AI đang tham gia vào nhiều công đoạn sản xuất các tác phẩm báo chí, nhưng vai trò của nó giống như một người trợ lý hơn là một nhà báo. Hiện tại, nhiều tòa soạn trên thế giới đã quan tâm đến việc phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản trị sáng tạo nội dung và họ còn thành lập riêng các nhóm nghiên cứu về vấn đề này.

AI đang buộc các tòa soạn phải thay đổi như thế nào

Chia sẻ từ góc nhìn quản trị tòa soạn, nhà báo Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Vietnamplus.vn, Thông tấn xã Việt Nam cho biết: Vietnam Plus đã sử dụng ứng dụng Chatbot để giải phóng sức lao động cho phóng viên, tiên phong trong sáng tạo nội dung và tăng cường trải nghiệm cho độc giả. Việc sử dụng Chatbot cũng giúp Vietnam Plus đi tiên phong trong việc sản xuất podcast làm nền tảng để nghiên cứu ra trợ lý ảo về tin tức đầu tiên ở Việt Nam.

Ngoài ra, Vietnam Plus cũng đã sử dụng AI để xử lý các công việc sản xuất báo chí đơn giản như vẽ biểu đồ, chuyển đổi từ giọng nói sang văn bản, chuyển đổi từ văn bản sang giọng nói…

Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ cho rằng, AI đang làm thay đổi mô hình tòa soạn và phương thức quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn của báo Tuổi trẻ. Trước đó, báo Tuổi trẻ đã mất hơn 10 năm để chuyển đổi từ tòa soạn truyền thống sang tòa sáng hội tụ. Nhưng khi chuyển đổi từ tòa soạn hội tụ sang tòa soạn chuyển đổi số thì chỉ mất 2 năm. Áp lực khách quan từ đại dịch Covid-19 đã buộc báo Tuổi trẻ phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới.

Từ kinh nghiệm này của báo Tuổi trẻ cho thấy, các tòa soạn có thể giảm tải công việc cho các phóng viên bằng cách ứng dụng công nghệ để xây dựng cơ sở dữ liệu của người dùng, hình thành bộ phận chăm sóc bạn đọc (Chat Tuổi trẻ) và hướng đến việc hình thành hệ sinh thái của báo Tuổi trẻ để kết nối tất cả các nguồn lực. Theo nhà báo Lê Xuân Trung, các tòa soạn phải tự xây dựng được kịch bản phát triển và AI không chỉ giúp sản xuất tin bài mà còn có thể giúp quản trị nhân sự của tòa soạn rất tốt.

Trong khi đó, nhà báo Ngô Văn Tòa, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Lâm Đồng cho rằng, chúng ta chưa thể sử dụng AI để bảo vệ các quan điểm, nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các thông tin chống phá, thù địch. Đây là một công việc đặc thù của báo chí mà AI rất khó thay thế do chưa được trang bị những tư tưởng của Đảng, chưa được trang bị những luận cứ, luận điểm nên khó có thể phân tích sâu sắc, chính xác và cũng chưa phân biệt được những thông tin giả mạo, xuyên tạc trên mạng xã hội.

Cùng chung quan điểm, nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho rằng chúng ta chưa thể sử dụng AI để bảo vệ các quan điểm, nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời điểm hiện tại.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm và Tiến sỹ Luật Vũ Văn Luật đã nêu ra vấn đề giải quyết cơ chế tài chính cho chuyển đổi số báo chí, xây dựng quy định về ngân sách đầu tư cho trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan báo chí Nhà nước. Tiến sĩ Khổng Quốc Minh đến Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ đặt ra vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác trong ứng dụng AI vào sang tạo nội dung báo chí.

Báo chí phải quay về với những giá trị cốt lõi

Chia sẻ từ góc nhìn văn hóa và đạo đức, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Nguyên Viện trưởng Viện đào tạo Báo chí truyền thông cho rằng, sự phát triển của báo chí trước nay vẫn gắn liền với công nghệ và công chúng. Từ 7 - 8 năm trước, đã có những cuộc trao đổi về việc liệu mạng xã hội có đánh dấu sự chấm hết cho các loại hình báo chí truyền thống hay không và đến nay là sự xuất hiện của AI với đại diện tiêu biểu là ChatGPT.

Tuy nhiên, rất may khi công chúng của báo chí là con người nên dù công nghệ có phát triển đến đâu thì báo chí vẫn có chỗ dựa là công chúng. Mạng xã hội có thể cung cấp thông tin nhanh chóng nhưng tính chính xác chưa cao. AI cũng vậy. Do đó, báo chí vẫn sẽ là chỗ dựa để mang lại thông tin chính xác nhất và nhân văn nhất để công chúng tin tưởng.

“Con người có rất nhiều mong muốn, yêu cầu và dễ thay đổi. Vì thế, điều báo chí cần phải lựa chọn là phục vụ công chúng một cách tốt nhất. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải khẳng định với công chúng rằng mạng xã hội rất khó kiểm định. Cuối cùng, công chúng vẫn phải quay về giá trị cốt lõi là tính chính xác của thông tin, giá trị đạo đức và nhân văn trong thông tin. Từ đó, công chúng sẽ tự cân bằng giữa việc tìm đến mạng xã hội và trở về với báo chí”, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Để khép lại Hội thảo, các khách mời chủ trì đã chọn ra những từ khóa quan trọng trong giá trị cốt lõi của báo chí Việt Nam, đó là trách nhiệm và lòng tin.

Hữu Mạnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load