Thứ năm 07/11/2024 17:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

Trách nhiệm các bên liên quan cần được quy định rõ trong dự thảo Luật

22:53 | 01/11/2024


(Xây dựng) – Thảo luận về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) tại Phiên họp sáng 01/11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tập trung cho ý kiến một số nội dung liên quan về PCCC đối với nhà ở, đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; xây dựng, bố trí lực lượng PCCC&CNCH; điều kiện cho hoạt động PCCC&CNCH; trách nhiệm các bên liên quan trong công tác PCCC...

Trách nhiệm các bên liên quan cần được quy định rõ trong dự thảo Luật
Ảnh minh họa.

Quy định rõ trách nhiệm các bên liên quan trong PCCC

Tại Phiên họp, nhiều đại biểu quan tâm đến nội dung về trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác PCCC. Theo đó, quan tâm đến nội dung về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động PCCC&CNCH, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, Điều 7 của dự thảo Luật đang quy định người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm thành lập, duy trì hoạt động Đội PCCC&CNCH cơ sở hoặc Đội PCCC&CNCH chuyên ngành hoặc phân công người thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH trong phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, tại Điều 22 quy định về điều kiện an toàn phòng cháy đối với cơ sở cũng yêu cầu phải thành lập lực lượng PCCC&CNCH cơ sở hoặc lực lượng PCCC&CNCH cơ sở chuyên ngành theo quy định của pháp luật. Đồng thời tại khoản 4, Điều 37 quy định Chính phủ quy định cơ sở phải thành lập Đội PCCC&CNCH cơ sở, cơ sở phải thành lập Đội PCCC&CNCH chuyên ngành.

Theo đại biểu, giữa các quy định của dự thảo Luật chưa có sự thống nhất, chưa rõ ràng trường hợp nào thì cơ sở chỉ cần phân công người thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH mà không cần thành lập Đội PCCC&CNCH cơ sở, Đội PCCC&CNCH chuyên ngành. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, chỉnh lý các quy định này để bảo đảm tính thống nhất…

Tham gia đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc phòng cháy, mà trực tiếp là thiết kế, sử dụng điện trong cơ quan, tổ chức, gia đình.

Đại biểu cho biết, Điều 7 dự thảo Luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động PCCC&CNCH. Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng chưa nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình. Đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều này nội dung: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình phải chịu trách nhiệm chính trong việc phòng cháy, trong trường hợp để xảy ra cháy tại cơ quan, tổ chức, gia đình mình...

Đề nghị bổ sung trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình thi công công trình xây dựng (CTXD), đại biểu Trần Đình Chung, Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng cho biết, tại Điều 18 về phòng cháy đối với CTXD trong quá trình thi công thì CTXD phải đảm bảo điều kiện an toàn PCCC nhưng dự thảo Luật chưa nêu trách nhiệm của các bên liên quan.

Do đó, cần bổ sung trách nhiệm PCCC của các bên liên quan trong quá trình thi công, gồm: Chủ cơ sở, cá nhân, đơn vị thi công, tư vấn giám sát và thẩm định thiết kế. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm một khoản 5 vào Điều 18: Chủ cơ sở, cá nhân, đơn vị thi công giám sát và thẩm duyệt thiết kế chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng, đảm bảo an toàn PCCC. Điều này cũng phù hợp với khoản 2, Điều 15 quy định đối với công trình tạm phải có các giải pháp thiết kế về PCCC phù hợp với công năng, đặc điểm của công trình.

Đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá, nhìn chung, các quy định của dự thảo Luật đã bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi. Đại biểu cũng cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề liên quan.

Cụ thể, tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về giải thích từ ngữ, bổ sung giải thích từ ngữ hạ tầng PCCC; giải thích thêm cụm từ tai nạn sự cố cho phù hợp; thành tố kinh tế ở các điều, các khoản về PCCC; quy định về thẩm định phòng cháy ở cả giai đoạn thiết kế cơ sở, chuẩn bị cho đầu tư về nguyên tắc PCCC.

Tiếp đó, bổ sung nguyên tắc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong PCCC; về báo cháy, tình huống CNCH; phương pháp xử lý báo cháy; về phòng cháy đối với nhà ở và nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh; nghiên cứu việc quy định bố trí phòng ngủ trong khu vực sản xuất kinh doanh phải có lộ trình để cho các cơ sở này có điều kiện thiết kế phù hợp, theo đúng khả năng kinh tế - xã hội; quy định chế độ kiểm tra định kỳ, công khai trên các nền tảng quản lý của Nhà nước về PCCC trong lắp đặt, sử dụng điện.

Đồng thời, quy định rõ hơn với các công trình nhà cao tầng, chung cư, cơ sở sản xuất về lắp đặt, sử dụng điện; về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong xây dựng hạ tầng và lắp đặt thiết bị điện; về xây dựng, bố trí lực lượng và nhiệm vụ của lực lượng PCCC; rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng PCCC; nghiên cứu quy định về thành lập lực lượng PCCC ở cơ sở cho phù hợp theo hướng giao cho Chính phủ quy định chi tiết với các loại hình cơ sở; bổ sung quy định rõ hơn về xử lý tình huống khẩn cấp, CNCH khi chưa có cơ quan chức năng.

Về bảo đảm điều kiện hoạt động PCCC&CNCH cần quy định rõ hơn các yêu cầu bắt buộc bố trí phương tiện, hạ tầng PCCC. Cân nhắc về chi ngân sách quốc phòng, an ninh từ ngân sách địa phương. Các ý kiến cũng đề nghị phải phân cấp, phân quyền cho địa phương, chính quyền địa phương các cấp rà soát và có giải pháp phù hợp, có lộ trình và bảo đảm tính khả thi; thời điểm có hiệu lực của một số các điều chuyển tiếp.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật do luật giao để có hiệu lực; triển khai trong thực tiễn; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu...

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load