(Xây dựng) – Trong khuôn khổ các hoạt động chính và sự kiện “Festiaval 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với UBND huyện Cầu Kè tổ chức Tọa đàm “Du lịch Cầu Kè –Tiềm năng ven sông Hậu” nhằm mời gọi các doanh nghiệp lữ hành đến huyện Cầu Kè khảo sát và hiến kế xây dựng sản phẩm để đưa du khách đến “thủ phủ” Dừa sáp Cầu Kè và trải nghiệm khám phá văn hóa bản địa độc đáo có một không hai ở nơi đây.
Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh phát biểu tại Tọa đàm. |
Tài nguyên du lịch bản địa độc đáo
Ngày cuối tháng 8, theo chân Đoàn Famtour của Liên chi hội Lữ hành Đồng bằng sông Cửu Long - Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đến khảo sát “thủ phủ” Dừa sáp huyện Cầu Kè. Đoàn đã đến tham quan Bảo tàng Dừa sáp; Khu tưởng niệm Nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út - Út Tích (Người mẹ cầm súng); Gốc cây Dừa sáp cổ (100 năm) tại chùa Botumsakor (chùa Chợ); Nhà cổ Huỳnh Kỳ 100 năm (Nhà cổ Cầu Kè); Lễ Vu lan thắng hội tại Vạn niên Phong Cung-Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Khu du lịch Nam Sơn…
Nhiều công ty lữ hành lần đầu tiên đến huyện Cầu Kè đã ngỡ ngàng với tài nguyên du lịch nơi đây. Vì hầu hết các công ty lữ hành nghĩ rằng huyện Cầu Kè là huyện nhỏ của tỉnh Trà Vinh chắc cũng không có nhiều tài nguyên du lịch? Tuy nhiên, điều bất ngờ khi đến đây khảo sát mới cảm nhận nhiều điều thú vị và phát hiện những tài nguyên du lịch bản địa quý giá, có một không hai.
Đó là huyện Cầu Kè được thiên nhiên ưu đãi, phong phú, đa dạng, đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ trong lành quanh năm góp phần tạo nên những vườn cây ăn trái trĩu quả, nổi tiếng là “thủ phủ Dừa sáp”. Đến đây, du khách được thả bộ đi dưới những hàng Dừa sáp xòe bóng xanh mát nhưng sẽ hấp dẫn thích thú hơn là được thưởng thức những món ăn từ Dừa sáp - khó nơi nào có được. Trong khuôn khổ “Festiaval 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè” đã diễn ra Hội thi món ngon chế biến từ Dừa sáp với 100 món ăn, thức uống. 100 món ngon chế biến từ Dừa sáp đã được “Xác lập Kỷ lục Việt Nam”.
Phát biểu với Tọa đàm “Du lịch Cầu Kè –Tiềm năng ven sông Hậu”, bà Nguyễn Thị Nhiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè thông tin cho biết: “Huyện Cầu Kè có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, có bãi tằm ven sông Hậu, môi trường trong sạch, có 02 cù lao (cù lao Tân Quy xã An Phú Tân, cù lao An Lộc, xã Hòa Tân), có nhiều vườn cây ăn trái, với nhiều loại trái ngon; chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, mít, xoài, ổi… mà đặc biệt nhất là Dừa sáp và đã được “Xác lập Kỷ lục Việt Nam” với 100 món ngon chế biến từ Dừa sáp.
Bà Nguyễn Thị Nhiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè phát biểu với Tọa đàm. |
Cầu Kè còn có 22 chùa Nam tông Khmer; 6 điểm tín ngưỡng dân gian của người Hoa với nhiều lễ hội truyền thống như: Chol Chnam Thmay, Óc Om Bok, Sen Đol Ta, Vu lan Thắng hội (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia); và các điểm tham quan di tích lịch sử cách mạng như: Khu lưu niệm Nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (Út Tịch) - Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long; 5 di tích lịch sử cấp tỉnh như; Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ, chùa Ô Mịch, chùa Tà Ót, Miếu bà Chúa xứ Tân Quy; Nhà cổ Cầu Kè (nhà cổ Huỳnh Kỳ 100 năm); Mộ cổ Huỳnh Kỳ; cơ sở tín ngưỡng Minh Đức Cung - Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia… hàng năm thu hút trên 30.000 lượt du khách đên tham quan. Đây là lợi thế trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch truyền thống, du lịch tâm linh”.
Đoàn Famtour tham quan và chụp ảnh lưu niệm Khu tưởng niệm Nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út - Út Tích (Người mẹ cầm súng). |
Đánh thức tiềm năng du lịch
Tại Tọa đàm “Du lịch Cầu Kè – Tiềm năng ven sông Hậu”, ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh cho biết: “Trà Vinh là tỉnh được đánh giá có nhiều tiềm năng du lịch trong đó du lịch văn hóa là một trong những sản phẩm khác biệt so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều đình, chùa, nhà thờ và các lễ hội truyền thống mà tiêu biểu là 143 ngôi chùa Khmer – Phật giáo Nam tông có kiến trúc cổ kính và các lễ hội diễn ra quanh năm như: Lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Vu lan Thắng hội, lễ hội Óc Om Bok, lễ hội Nguyên tiêu và nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể... Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh.
Với vị trí nằm giữa hai nhánh sông Mêkông và tiếp giáp biển Đông, có nhiều cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển với những vườn cây ăn trái chuyên canh đã tạo cho Trà Vinh có lợi thế để phát triển loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực của tỉnh Trà Vinh cũng rất đa dạng, phong phú; là vùng đất cộng cư lâu đời của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer có sự giao thoa và tiếp biến văn hóa đã tạo cho nền văn hóa ẩm thực của tỉnh Trà Vinh có những nét riêng biệt mang “hương vị miền đất phúc”. Ẩm thực của Trà Vinh được tổng hợp và kế thừa từ văn hóa ẩm thực của các dân tộc với nhiều đặc sản, món ngon nổi tiếng được xác lập kỷ lục châu Á, kỷ lục Việt Nam để du khách trải nghiệm, thưởng thức và làm quà tặng du lịch.
Đoàn Famtour tham quan chùa Botumsakor (chùa Chợ) nơi trồng cây Dừa sáp 100 năm trước. |
Tuy nhiên, du lịch của tỉnh Trà Vinh hiện tại phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lượng khách và doanh thu du lịch còn khiêm tốn so với các tỉnh, thành trong khu vực. Chính vì vậy, tỉnh Trà Vinh rất chú trọng đến việc liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước để liên kết, hợp tác phát triển du lịch, tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và đưa khách đến tỉnh Trà Vinh nói chung và huyện Cầu Kè nói riêng”.
Tham gia Đoàn Famtour và phát biểu với Tọa đàm, ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch và Sự kiên IDo tại Cần Thơ đã đánh giá cao về tài nguyên du lịch bản địa của huyện Cầu Kè. Tuy nhiên, nơi đây chỉ phù hợp với tour 01 ngày cho du khách nội địa tại các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Tour có thể tham quan Bảo tàng Dừa sáp và thưởng thức các món ngon Dừa Sáp; các điểm tham quan văn hóa đình, chùa tại nơi đây; sau đó rời Cầu Kè tham quan Cồn Chim.
Theo, ông Lưu Thanh Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Trà Vinh: “Du khách ở các đô thị, nhất là khách du lịch quốc tế, khi đến tham quan vùng miền nào luôn quan tâm và thích thú đến cảnh quan thiên nhiên, cơ sở kinh doanh được xây dựng từ các vật liệu thân thiện với môi trường, các sản vật của địa phương, các quà lưu niệm, nếp sồng, văn hóa, sinh hoạt tôn giáo…
Để huyện Cầu Kè đánh thức, phát triển du lịch “Tiềm năng sông Hậu”, Công ty đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mời chuyên gia về phát triển du lịch, công ty lữ hành và các khu du lịch, cơ sở nhà vườn… để khảo sát, tư vấn, chỉnh trang lại cơ sở vật chất và đầu tư thêm vài điểm tham quan miệt cồn cặp sông Hậu làm vệ tinh để xây dựng tour tham quan cho hấp dẫn hơn.
Lấy Khu du lịch Nam Sơn làm điểm đến đầu tiên, là điểm chính đón tiếp khách, rồi di chuyển qua cồn Tân Quy ghé một vài điểm tham quan vườn trái cây và đầu tư 01 ao nuôi cá: Tai tượng, cá da trơn… chuyên cho ăn các loại trái cây, có thể bắt cá sống chế biến ngay tại chỗ, đưa vào thực đơn trên du thuyền ăn uống; du thuyền tiếp tục đưa tham quan điểm nông nghiệp… có như vậy mới hấp dẫn du khách”.
Theo các doanh nghiệp lữ hành hiện nay Cầu Kè có tài nguyên du lịch bản địa độc đáo tuy nhiên du lịch Cầu Kè còn có nhiếu bất cập như hạ tầng giao thông (cầu đường hạn chế, xe 45 chỗ lưu thông gặp nhiều khó khăn), nơi lưu trú, nhà hàng đạt chuẩn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu du khách…
Món ngon từ Dừa sáp. |
Bà Nguyễn Thị Nhiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè cho biết: “Trong thời gian tời, huyện sẽ thực theo Đề án phát triển Du lịch huyện Cầu Kè từ năm 2024 đến 2030, tầm nhìn 2035 với các nội dung là đánh giá tài nguyên, hạ tầng, dịch vụ và các nguồn lực phục vụ cho việc phát triển du lịch; Phân tích thị trường, sản phẩm và đối thủ cạnh tranh. Mục tiêu là giúp cho UBND huyện Cầu Kè và các ban, ngành hiểu được tài nguyên và cơ hội của địa phương mình, để từ đó tập trung cho đầu tư phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2030 du lịch sẽ đóng góp được 5-10% tổng sản phẩm của huyện. Huyện rất mong Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng kế hoạch ra mắt điểm du lịch cù lao Tân Quy và đưa khu du lịch sinh thái cù lao Tân Quy vào dự án kêu gọi đầu tư. Với những tiềm năng sẵn có đặc biệt là du lịch sinh thái - văn hóa. Cầu Kè rất luôn mong muốn được hợp tác cùng với các doanh nghiệp, các đối tác để cùng nhau đưa du lịch huyện Cầu Kè phát triển trong thời gian tới”.
Huỳnh Biển
Theo