Thứ năm 07/11/2024 21:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị

20:41 | 30/11/2022

(Xây dựng) – Tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đồng chủ trì, ngày 30/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có bài tham luận về nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị, theo yêu cầu của Nghị quyết số 06-NQ/TW.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị
Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 được tổ chức ngày 30/11.

Mô hình chính quyền đô thị mới đang áp dụng ở 03 thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Theo số liệu của Bộ Xây dựng, đến ngày 31/12/2021, cả nước có 869 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40,5% (trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 22 đô thị loại I, 32 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 91 đô thị loại IV và 674 đô thị loại V).

Còn theo số liệu của Bộ Nội vụ, đến nay, đơn vị hành chính đô thị cả nước có 05 thành phố trực thuộc Trung ương, 01 thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), 81 thành phố thuộc tỉnh, 50 thị xã, 46 quận, 1.737 phường và 614 thị trấn.

Theo quy định về xác định tỷ lệ đô thị hóa, nếu tỷ lệ đô thị hóa cả nước tăng thêm 1% (tương ứng khoảng 985.000 người) thì qua tính toán sẽ tương đương với dân số trung bình của 07 đơn vị hành chính cấp huyện và 106 đơn vị hành chính cấp xã.

Bộ trưởng chia sẻ: Đô thị là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ của một địa phương, vùng, miền. Khu vực nội thành, nội thị chủ yếu là phi nông nghiệp, cơ sở hạ tầng có tính thống nhất, liên thông, tạo thành những mạng lưới, hệ thống đồng bộ, xuyên suốt địa bàn, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, đòi hỏi quản lý tập trung, thống nhất theo ngành là chủ yếu.

Đô thị là nơi tập trung dân cư, mật độ dân số cao, gồm nhiều thành phần có lối sống khác nhau, tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội đa dạng nên việc quản lý dân cư đô thị có nhiều phức tạp.

Cơ sở hạ tầng ở đô thị là một chỉnh thể thống nhất nên việc phân chia địa giới hành chính trong khu vực nội thành, nội thị chỉ có ý nghĩa là khu vực hành chính.

Việc quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự an toàn xã hội, giao thông, điện, nước, nhà ở, xây dựng, môi trường ở đô thị là vấn đề bức xúc hàng ngày và đa dạng, phức tạp hơn nhiều so với quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực này ở nông thôn.

Hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị mới đang áp dụng ở 03 thành phố gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Những bất cập về tổ chức chính quyền đô thị

Đề cập đến một số hạn chế, bất cập về tổ chức chính quyền đô thị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Ngoài việc thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở 03 thành phố nói trên thì chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đô thị còn lại đều là cấp chính quyền địa phương (có HĐND và UBND), chưa có sự phân biệt khác nhau giữa nông thôn và đô thị.

Phân quyền, phân cấp vẫn chủ yếu “từ trên xuống” theo cấp chính quyền, mối quan hệ quản lý ngành và quản lý địa bàn lãnh thổ giữa Bộ, ngành Trung ương.

Chính quyền đô thị vẫn còn chưa rõ về thẩm quyền, trách nhiệm, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị. Nhiệm vụ, quyền hạn của quản lý đô thị còn chưa cụ thể. Chưa rõ chế độ trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền, của mỗi cơ quan và mỗi cá nhân trong bộ máy chính quyền.

Cơ chế vận hành bộ máy hành chính đô thị còn bị “cắt khúc” theo từng cấp hành chính trong nội bộ đô thị. Cơ chế điều hành hành chính mang tính tập thể của ủy ban ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị. Vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu (Chủ tịch UBND) chưa rõ ràng.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, những hạn chế, bất cập nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, như thể chế chính quyền đô thị chưa hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đại biểu HĐND ở các đơn vị hành chính đô thị tuy đã từng bước được nâng cao về chất lượng, nhưng năng lực thực tiễn và trình độ còn bất cập với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và quản trị chính quyền đô thị hiện đại, văn minh và hội nhập quốc tế.

Hệ thống đô thị tăng nhanh về số lượng, quy mô nhưng chất lượng tăng chưa tương xứng. Các khu vực mở rộng đô thị với kết cấu hạ tầng còn chưa đồng bộ, người dân vẫn duy trì nếp sống nông thôn.

Do vậy, theo Bộ trưởng, việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị là cần thiết.

Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về mô hình “Tòa thị chính”, “Thị trưởng”

Bộ trưởng cho biết: Căn cứ chủ trương của Đảng và trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết đánh giá về thực tiễn tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở nước ta qua các thời kỳ, Bộ Nội vụ đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị.

Thứ nhất, đổi mới tổ chức đơn vị hành chính đô thị. Trên cơ sở tổng kết việc thành lập và sắp xếp đơn vụ hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2016 - 2021, trên cơ sở Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/222) và các quy định của pháp luật có liên quan để tiếp tục thực hiện việc phân định, thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới và sắp xếp đơn vị hành chính đô thị cho phù hợp với đặc điểm vùng, miền và Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp.

Thứ hai, đổi mới tổ chức và hoạt động, đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị. Nghiên cứu mở rộng mô hình không tổ chức HĐND ở quận, phường (khu vực nội thành, nội thị) như đang thực hiện ở thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về mô hình “Tòa thị chính”, “Thị trưởng” ở đô thị cho phù hợp với đặc thù ở nước ta.

Chuyển đổi cách tiếp cận quản lý Nhà nước ở đô thị sang quản trị chính quyền đô thị, hướng đến sự tham gia và mở rộng đối thoại ngày càng nhiều của người dân với các công việc của chính quyền đô thị; đồng thời là cơ sở để xây dựng chính quyền đô thị phản ứng nhanh nhạy, hoạt động tốt hơn nhưng với chi phí ít hơn và chịu trách nhiệm giải trình trước người dân.

Đối với đơn vị hành chính (ĐVHC) tổ chức theo cấp chính quyền địa phương (có HĐND và UBND), cần hoàn thiện nguyên tắc hoạt động theo chế độ tập thể UBND, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và của từng thành viên UBND. Quy định cụ thể, rõ ràng các nhiệm vụ, quyền hạn và quy trình giám sát của HĐND, các cơ quan của HĐND và đại biểu HĐND.

Đối với ĐVHC không tổ chức HĐND thì các thành viên UBND do Chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm, hoạt động theo chế độ công vụ của công chức và cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch UBND tại các đô thị.

Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa các cấp chính quyền từ Trung ương đến từng cấp chính quyền địa phương theo hướng đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động quản lý của từng cấp chính quyền, bảo đảm cho chính quyền đô thị quyền tự chủ về ngân sách, tổ chức bộ máy, quản lý dân cư, bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh cơ chế giám sát của người dân đối với hoạt động của chính quyền đô thị

Thứ ba, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, cần đẩy mạnh cơ chế giám sát của người dân đối với hoạt động của chính quyền đô thị. Để bảo đảm việc kiểm soát quyền lực và phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân, cần phải xây dựng cơ chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, mở rộng dân chủ trực tiếp, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Thứ tư, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ khung kiến trúc chính quyền đô thị theo chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu quản lý và phù hợp với việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông minh để từng bước mở rộng việc cung ứng các loại hình dịch vụ công và vận hành thông suốt hệ thống thông tin trong hoạt động điều hành, tác nghiệp của các cơ quan Nhà nước.

Thứ năm, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức ở đô thị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Hoàn thiện thể chế về tuyển chọn cán bộ, công chức ở đô thị theo hướng đề cao trách nhiệm của người sử dụng, thực hiện nguyên tắc cạnh tranh; Ban hành chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc tại đô thị.

Hoàn thiện việc xây dựng vị trí việc làm để làm cơ sở cho việc tuyển chọn, bố trí, sắp xếp và đánh giá cán bộ, công chức công khai, minh bạch, công bằng, tạo động lực phấn đấu trong việc thực thi nhiệm vụ.

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load