(Xây dựng) - Sáng 9/3, tại thành phố Huế, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị SHTT toàn quốc năm 2023 nhằm tổng kết, đánh giá công tác quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2022, đưa ra những định hướng lớn cho hoạt động SHTT năm 2023.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ cho thấy SHTT đóng vai trò hết sức quan trọng đối với từng quốc gia, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để phù hợp với bối cảnh đó, Chiến lược SHTT đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo hướng lồng ghép SHTT trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Do đó, quản lý Nhà nước về SHTT là một trong những hoạt động quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình thực hiện mục tiêu đó. Bộ trưởng cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cần được xem xét, giải quyết, do vậy, thông qua Hội nghị này Bộ KH&CN sẽ có thêm những luận cứ xác thực để giải trình những vấn đề trong Luật SHTT sửa đổi để hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, ban hành, cũng như có những định hướng đúng trong chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến lược SHTT quốc gia và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2022-2030.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, thời gian qua, Thừa Thiên - Huế chú trọng đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ gắn với phát triển thị trường KH&CN; Hỗ trợ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn.
Đến nay, toàn tỉnh có 2.041 đơn đăng ký nhãn hiệu, đã được cấp 1.196 giấy chứng nhận nhãn hiệu; trong 107 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được cấp 82 văn bằng bảo hộ độc quyền; trong 80 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích đã được cấp 18 văn bằng bảo hộ độc quyền.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang tham quan một số gian hàng trong khuôn khổ Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2023. |
Trong khi đó, ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ cũng đã trình bày về công tác xây dựng và triển khai chiến lược SHTT tại thành phố Cần Thơ. Ông cho biết, năm 2022, thành phố Cần Thơ có 546 đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, tăng 27% so với năm 2021 và 393 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được Cục SHTT cấp mới, tăng 27% so với năm 2021. Số văn bằng được cấp mới trong năm 2022, vượt 118% so với chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của thành phố Cần Thơ. Tất cả 10 nhiệm vụ ưu tiên triển khai thực hiện Chiến lược SHTT đến năm 2030 đã được các Sở ngành quan tâm tham mưu UBND thành phố ban hành dưới hình thức chương trình, kế hoạch. Trong đó, ngành Khoa học và công nghệ tham mưu 05 Chương trình, Kế hoạch, Đề án: Chương trình phát triển tài sản trí tuệ; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị; Kế hoạch Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Đề án áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Bên cạnh đó, 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ về SHTT đã được nghiệm thu (nhãn hiệu Gạo sạch Thạnh Đạt và nhãn hiệu sầu riêng Tân Thới) góp phần nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Hỗ trợ triển khai mới 04 nhiệm vụ và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt danh mục và dự toán kinh phí 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện năm 2023…
Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2022, ông Tín cũng nêu một số kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2022; Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng, phát hành bộ tài liệu về SHTT với nội dung phù hợp với chính sách, pháp luật SHTT trong giai đoạn hiện nay; Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục hỗ trợ địa phương triển khai hiệu quả Chiến lược, nhất là hoạt động khai thác, thương mại hóa sáng chế, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng, quản lý phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm, dịch vụ danh tiếng và có lợi thế phát triển của địa phương.
Đại diện Cục SHTT khẳng định, SHTT là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút chuyển giao công nghệ, đầu tư nước ngoài; nuôi dưỡng và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo. Ở Việt Nam, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp hằng năm tăng trung bình 8 - 10%.
Tuy nhiên, các chủ thể Việt Nam chủ yếu là đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, số lượng sáng chế chỉ bằng 1/8 so với chủ thể nước ngoài. Chứng tỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mặc dù khá sôi động, nhưng chưa có nhiều sản phẩm chứa hàm lượng trí tuệ cao, hoạt động nghiên cứu ứng dụng và nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng tạo ra công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn còn hạn chế.
Số lượng đối tượng SHTT chuyển giao quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản trí tuệ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với đơn được nộp và các văn bằng bảo hộ được cấp, chứng tỏ hoạt động quản lý, khai thác TSTT nói chung và sáng chế nói riêng chưa thực sự hiệu quả.
Các đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm. |
Để hoạt động quản lý Nhà nước về SHTT, đổi mới, nâng cao hiệu quả phát triển tài sản trí tuệ, Hội nghị cũng đặt ra cho các địa phương những yêu cầu đối với SHTT trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh tiếp tục rà soát, thực thi pháp luật, chính sách khai thác tài sản trí tuệ, cần tận dụng tối đa các nguồn lực, thể chế, chính sách, biến tri thức thành của cải vật chất để phát triển đất nước, trong đó lấy doanh nghiệp là trung tâm.
Hội nghị cũng tập trung thảo luận các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong SHTT; tiếp tục chủ động tham gia đàm phán thực thi nghiêm túc các hiệp ước quốc tế.
Kim Oanh
Theo