(Xây dựng) - HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ban hành Nghị quyết về phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Ngũ Hồ (huyện Phong Điền), với quy mô khoảng 445ha.
Khu vực Quy hoạch xây dựng Khu du lịch sinh thái Ngũ Hồ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). |
Phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Ngũ Hồ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Phạm vi thuộc địa giới hành chính các xã Phong Chương và Phong Bình (huyện Phong Điền), với quy mô rộng khoảng 445ha. Quy mô khách du lịch và nhân viên phục vụ khoảng 30.000 người/ngày.
Tính chất là khu du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn liền với đặc thù cảnh quan môi trường của các hồ nước xen lẫn vùng cát nội đồng với hệ sinh thái động thực vật phong phú đa dạng. Khu sân golf kết hợp các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng bao gồm các chức năng như: Khu nhà hàng, dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng kết hợp với dịch vụ trị liệu khai thác các loại cây thuốc nam và mỏ than bùn đặc trưng tại địa phương; kết nối các tuyến điểm du lịch liên khu vực.
Mục tiêu, cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch chung đô thị Phong Điền đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt.
Xây dựng khu dịch vụ du lịch sinh thái, hiện đại, đồng bộ, bền vững, khai thác đặc trưng riêng của các khu vực cồn cát và cụm hồ nước tự nhiên, giữ gìn hệ sinh thái động thực vật hiện có. Liên kết với các điểm dịch vụ du lịch ở các khu vực lân cận như làng cổ Phước Tích, đầm phá Tam Giang, bãi biển Điền Lộc... nhằm hình thành cụm tuyến du lịch đa dạng…
Đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng khu du lịch hoàn chỉnh hiện đại, đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng của người dân khu vực, du khách trong nước cũng như du khách quốc tế.
Khai thác quỹ đất hợp lý, có hiệu quả cho xã hội và thúc đẩy sự phát triển toàn diện tại khu vực. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa việc khai thác tài nguyên du lịch và tài nguyên khoáng sản. Làm căn cứ pháp lý để quản lý, kêu gọi đầu tư, tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng theo đồ án quy hoạch phân khu được duyệt.
Phân khu chức năng, tổ chức tuyến đường trục chính của khu quy hoạch kết nối từ tuyến Tỉnh lộ 6 đến tuyến Tỉnh lộ 4 và bố trí các tuyến đường phân khu vực nhằm kết nối các khu chức năng với đường trục chính. Khu vực lập quy hoạch được chia thành 3 phân khu chính như sau: Phân khu A, khu sân golf rộng khoảng 208,5ha được bố trí tiếp giáp với dải cây xanh dọc tuyến Tỉnh lộ 6 và đường nội bộ của khu vực. Khu sân golf 27 hố bao gồm khu nhà dịch vụ, điều hành và 3 đường golf, mỗi đường golf với 9 hố trải dài theo các hồ nước tự nhiên.
Phân khu B, khu du lịch nghỉ dưỡng rộng khoảng 116,6ha. Trong đó gồm: Khu khách sạn nghỉ dưỡng được xây dựng các công trình cao tầng (tầng cao tối đa 10 tầng) kết hợp với khu bể bơi, vui chơi giải trí... nhằm tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan cho khu vực. Khu vực xây dựng thấp tầng bao gồm các khu biệt thự nghỉ dưỡng, dịch vụ cao cấp, bảo tàng xương rồng, công viên với các chủ đề xuân - hạ - thu - đông, khu điều hành... tạo cảnh quan đa góc nhìn, sinh động và hấp dẫn.
Phân khu C, khu dịch vụ du lịch trải nghiệm rộng khoảng 119,9ha được bố trí tại khu vực phía Tây Nam của khu đất, tiếp giáp với khu vực hồ Trằm Nãi (Bàu Bàng) và các khu vực rừng phòng hộ, mặt nước, kênh mương. Đây là khu vực có nền địa hình thấp, được định hướng phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm theo hướng trang trại nông nghiệp gắn với cảnh quan cây xanh mặt nước tự nhiên của khu vực.
Ngoài những phân khu chính nêu trên, khu quy hoạch còn có các khu chức năng phụ trợ như sau: Khu vực nghĩa trang, được giữ lại trên cơ sở nghĩa trang hiện hữu của xã Phong Chương (thuộc thôn Lương Mai và Đại Phú), đồng thời đây cũng là nơi tập hợp các nghĩa địa rải rác phân tán trong khu vực. Xung quanh các nghĩa địa này sẽ trồng dải cây xanh cách ly, phía trong trồng cây xanh và tạo cảnh quan như công viên tâm linh, tham gia vào hoạt động du lịch như một nét bản sắc văn hóa của địa phương.
Khu vực rừng phòng hộ được giữ lại trên cơ sở các phạm vi rừng phòng hộ hiện trạng. Các khu rừng phòng hộ vừa tham gia vào chức năng giữ gìn môi trường sống và bảo tồn các loại cây bản địa cùng với mặt nước tự nhiên tạo nên môi trường sinh thái đặc thù để hình thành Trằm Chim.
Khu vực mặt nước được giữ lại mặt nước tự nhiên của hồ Lương Mai và hồ Trằm Nãi, đồng thời đào mương nước để nối liên thông giữa các hồ, kết nối và mở rộng các mương nước thủy lợi hiện có nằm về phía Bắc, để thoát lũ cho khu vực.
Khu vực công viên cây xanh được bố trí ở hai bên của trục chính trong khu vực lập quy hoạch kết nối từ tuyến Tỉnh lộ 4 đến tuyến Tỉnh lộ 6. Đây là khu vực được tổ chức các không gian đa góc nhìn, với nhiều loại hình công viên theo chủ đề, được biến đổi linh hoạt nhằm nhận diện không gian trên trục đường nội bộ chính xuyên qua gần hết các phân khu chức năng.
Trí Đức
Theo