(Xây dựng) - Nhà hát Sông Hương nằm trong khu vực Học viện Âm nhạc Huế (số 1, đường Lê Lợi, thành phố Huế) có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Công trình dù mới đi vào sử dụng không lâu nhưng đã xảy ra tình trạng bong tróc, hư hỏng…
Nhiều tấm trần gỗ la phông có hiện tượng bung ra và có thể rơi xuống đất bất cứ lúc nào. |
Nhà hát Sông Hương do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm chủ đầu tư, với số vốn gần 200 tỷ đồng. Công trình được khởi công năm 2017 do Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo và Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) trúng thầu thi công.
Nhà hát được thiết kế quy mô 1.000 chỗ ngồi với 2 tầng và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2020. Với mục đích phục vụ các hoạt động văn hóa âm nhạc quy mô lớn tại Huế và khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng như quốc tế.
Dù mới đưa vào sử dụng, nhưng đến nay, công trình đã xuất hiện điểm hư hỏng ở trần, la phông ngoài tiền sảnh khiến nhiều người nghi ngờ về chất lượng công trình.
Tại phần mái la phông đối diện với sông Hương và sông An Cựu có nhiều tấm gỗ bị rơi ra để lại những lỗ trống nham nhở. Quan sát kỹ, một số vị trí la phông gỗ có hiện tượng bung ra và có thể rơi xuống đất bất cứ lúc nào... Nhìn rất nguy hiểm và mất thẩm mỹ.
Một số người dân đi uống cafe tại quán cafe trong nhà hát Sông Hương lo ngại về chất lượng công trình tiền tỷ nhanh xuống cấp, hư hỏng và mất an toàn cho người dân khi đi ngang qua khu vực này.
Nhận được phản ánh trong ngày 20/2, chủ đầu tư, nhà thầu thi công đã cho giăng dây chắn lại khu vực hư hỏng và tiến hành sửa chữa. Có mặt tại hiện trường, ông Trần Ngọc Quang – quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng miền Trung và Tây Nguyên cho biết, nguyên nhân gây bong tróc các mảng trần la phông phía ngoài nhà hát là do cơn bão số 5 năm 2020. Bão số 5 đi qua đã làm bay mất một mảng tôn 300m2 phía trên mái của nhà hát Sông Hương khiến gió và nước mưa từ lỗ hổng đó lọt vào gây thấm dột làm gỗ ốp trần bị bong tróc.
Nhà thầu giăng dây, cắm biển báo để khắc phục hư hỏng. |
Theo ông Trần Ngọc Quang, nguyên nhân chậm khắc phục là do sau bão 5 ở Huế trời mưa kéo dài khiến công tác khắc phục, sửa chữa gặp khó khăn. Ngoài ra, loại gỗ trần bị bong tróc là gỗ đặc chủng phải đặt hàng từ nước ngoài, cộng thêm dịch bệnh Covid-19 nên hàng nhập về chậm. Hiện chủ đầu tư đang chỉ đạo nhà thầu sớm khắc khục, sửa chữa đảm bảo chất hượng cho công trình.
Trí Đức
Theo