(Xây dựng) - Ngày 21/12, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ công bố hoàn thành dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan sau thời gian trùng tu, tôn tạo.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu tại buổi lễ. |
Di tích Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng).
Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức khởi công vào tháng 12/2021, với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Thừa Thiên - Huế (50%) và ngân sách thành phố Đà Nẵng (50%). Đến nay, công tác trùng tu di tích đã hoàn thành.
Dự án thực hiện trên diện tích sử dụng khoảng 6.500m2, với quy mô đầu tư và phương án xây dựng, toàn bộ các lô cốt phía trên Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan được tháo dỡ đến nền gốc tích thời Nguyễn; tu bổ cửa Hải Vân Quan, cửa Thiên hạ đệ nhất hùng quan theo các dấu tích nguyên gốc.
Dự án phục hồi, thay thế nền cổng lát đá Thanh, hệ thống cối, cổng đá, tường xây gạch vồ. Gia cố, chống nứt, chống thấm cho các khối xây; phục hồi lan can xây gạch vồ chia ô hộc và trang trí trên nóc theo tư liệu; phục hồi hệ thống cửa ván ghép con tiện gỗ.
Di tích Hải Vân Quan được xây từ đời Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 7 - 1826). Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ "Hải Vân Quan", cửa trông xuống Quảng Nam đề "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Lạc khoản một bên góc bảng còn ghi thêm "Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo", tức là làm vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7 (1826).
Di tích Hải Vân Quan nằm ở độ cao 490m so với mực nước biển, Hải Vân Quan là cụm bố phòng quân sự với nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công… Dưới thời nhà Nguyễn, Hải Vân Quan là cửa ải quan trọng, là cửa ngõ vào Kinh đô Huế từ phía Nam. Chính vì vậy, triều Nguyễn đã tập trung lực lượng và vũ khí quy mô ở Hải Vân Quan để trấn giữ.
Di tích Hải Vân Quan sau khi được trùng tu. |
Di tích Hải Vân Quan là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân. Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần vào sự phát triển du lịch của Thừa Thiên – Huế và thành phố Đà Nẵng. Di tích Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7/2017.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử và tác động nặng nề từ điều kiện khí hậu mưa nhiều, nắng gắt vô cùng khắc nghiệt, dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Trước sự xuống cấp của di tích Hải Vân Quan, chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế và thành phố Đà Nẵng đã "bắt tay” để hồi sinh di tích, thông qua việc xếp hạng và triển khai dự án trùng tu, bảo tồn Hải Vân Quan. Trong đợt trùng tu này, dự án tập trung vào việc phục hồi toàn diện các công trình kiến trúc, nhằm tái hiện vẻ đẹp và giá trị lịch sử của di tích.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận mạnh: Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan hoàn thành đưa vào hoạt động, đây chính là sự nỗ lực cao và là biểu tượng đoàn kết giữa hai địa phương Huế và Đà Nẵng. Hy vọng trong thời gian không xa, Hải Vân Quan sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, đầy hứa hẹn, là niềm tự hào của con dân hai xứ Thuận - Quảng xưa, hay Huế - Đà Nẵng ngày nay.
Trí Đức
Theo