Thứ tư 13/11/2024 08:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Hài hòa giữa đổi mới với củng cố vai trò của Đảng

15:13 | 24/03/2021

(Xây dựng) – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khái quát những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua với 5 cân đối hài hòa lớn, trong báo cáo nhiệm kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

thu tuong chinh phu nguyen xuan phuc hai hoa giua doi moi voi cung co vai tro cua dang
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thực tiễn và thành quả đạt được giúp chúng ta tự tin vững bước tiến lên (Ảnh: VGP).

Thực hiện thành công 5 cân đối hài hòa

Trình bày báo cáo nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thành tựu nhiệm kỳ của Chính phủ đạt được là đã thực hiện thành công, có kết quả 5 cân đối hài hòa: Thứ nhất, đó là sự hài hòa giữa mở cửa, đổi mới, thúc đẩy phát triển KTXH với việc củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng, giám sát của Quốc hội, hợp tác của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tổ chức xã hội. Nói cách khác, đây là hài hòa giữa ổn định và đổi mới, phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN; quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.

Thứ hai, hài hòa giữa phát triển kinh tế nhanh với đảm bảo sự tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường. Chúng ta thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bình quân 6,5% trong 30 năm Đổi mới và là 6,8% trong 2016 - 2019; người dân thuộc các thành phần khác nhau đều được hưởng thành quả phát triển tương xứng với nỗ lực đóng góp; các địa phương đều có cơ hội và không để địa phương nào bị tụt lại, mất cơ hội phát triển. Nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường. Tăng trưởng sản xuất kinh doanh vì lợi nhuận nhưng không được xả thải gây ô nhiễm môi trường, phá hoại môi trường tự nhiên, đó là chuẩn mực của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và là xu thế văn minh toàn cầu.

Thứ ba, hài hòa, cân đối giữa nội lực với ngoại lực, giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, giữa nội thương với ngoại thương, giữa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với mở cửa và hội nhập quốc tế. Trong đó kinh tế trong nước là quyết định, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ tư, hài hòa cân đối giữa những ưu tiên ngắn hạn với những mục tiêu dài hạn. Chúng ta tập trung thúc đẩy chính sách phát triển hàng năm gắn với thực hiện mục tiêu 5 năm, tầm nhìn 10 năm và lâu hơn nữa đến năm 2045. Cùng với các mục tiêu ngắn hạn như tăng trưởng, việc làm và lạm phát thì các vấn đề dài hạn như hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, phát triển về văn hóa xã hội... đều được quan tâm đúng mực. Chưa bao giờ Chính phủ chạy theo mục tiêu ngắn hạn, kém bền vững mà bỏ qua mục tiêu dài hạn nhất quán xuyên suốt hay ngược lại.

Thứ năm, hài hòa trong cân đối các nguồn lực tài chính quốc gia, cán cân ngân sách, nợ công, cán cân tài khoản vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, bảo đảm nguồn nhân lực và nhiều cân đối vĩ mô khác. Có thể nói chưa bao giờ kể từ khi Đổi mới, những cân đối lớn về kinh tế này của chúng ta được bảo đảm ngày càng vững chắc như vậy.

Chính phủ tự “soi lại mình”

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, Chính phủ tự “soi lại mình” và thẳng thắn nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục như: Tình trạng đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; xin bổ sung, xin lùi, xin rút dự án luật vẫn chưa được khắc phục triệt để. Chất lượng một số hồ sơ dự án, dự thảo văn bản pháp luật chưa đạt yêu cầu. Việc triển khai thi hành pháp luật có lúc có nơi còn chậm. Một số vướng mắc chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời...

Do dịch Covid-19, vẫn còn 02/12 chỉ tiêu chưa đạt; việc thực hiện 03 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế chưa như kỳ vọng; việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu, một số chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đi vào cuộc sống.

Công tác quy hoạch, hạ tầng, quản lý đất đai, đô thị ở một số nơi còn bị buông lỏng. Chất lượng công tác lập, phê duyệt quy hoạch còn nhiều lúng túng, hạn chế, quy hoạch nguồn nước chưa làm tốt. Tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm quốc gia còn chậm. Phát triển kinh tế vùng để tạo tác động liên kết, lan tỏa phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các các khu, cụm công nghiệp, làng nghề còn chậm được xử lý...

Bộ máy hành chính nhà nước chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. Việc đổi mới lề lối làm việc, kỷ cương, kỷ luật, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa gắn với việc tiếp, đối thoại giải quyết với công dân.

Trật tự xã hội, tình trạng thông tin xấu độc trên mạng xã hội, internet, thuê bao ảo, lừa đảo, tin nhắn rác chưa được xử lý triệt để. Một số địa bàn còn tiềm ẩn điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự, tội phạm hình sự, ma tuý. Tình hình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp.

Dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ đã coi đó là thách thức phải dám nghĩ, chấp nhận, dấn thân vượt qua rủi ro để quyết làm, biến thách thức thành cơ hội cho phát triển. Thực tiễn và thành quả đạt được giúp chúng ta tự tin vững bước tiến lên.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load