Thứ sáu 20/09/2024 18:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Thời hạn vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội tối đa 25 năm

22:01 | 02/04/2021

(Xây dựng) – Ngày 1/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trong đó, Nghị định 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số vấn đề liên quan đến bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; dự án nhà ở xã hội tại khu công nghiệp; nguồn vốn hỗ trợ cho vay ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội…

thoi han vay von de mua thue mua nha o xa hoi toi da 25 nam
Theo Nghị định số 49/2021/NĐ-CP, khu đô thị từ 2 ha phải dành 20% diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội… (Nguồn: Internet).

Khu đô thị từ 2ha phải dành 20% diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội

Cụ thể, về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định: Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc từ 5ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội.

Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 2 ha tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc nhỏ hơn 5ha tại các đô thị loại II và loại III thì chủ đầu tư không phải dành quỹ đất 20% và có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất của dự án theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đối với trường hợp thuộc diện phải bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định nhưng do có sự thay đổi quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của địa phương dẫn đến việc bố trí quỹ đất 20% không còn phù hợp thì UBND cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

Trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xác định rõ vị trí, diện tích đất bố trí thay thế tại địa điểm khác trên phạm vi địa bàn; điều chỉnh quy hoạch đối với quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội tại dự án theo quy định của pháp luật quy hoạch, pháp luật đất đai và pháp luật có liên quan

Đồng thời, UBND cấp tỉnh thực hiện việc giao đất, cho thuê đất và xác định giá trị tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại dự án theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan. Số tiền thu được phải bổ sung vào ngân sách địa phương dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn…

Bố trí quỹ đất phù hợp phát triển nhà ở xã hội tại khu công nghiệp

Đối với quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp, khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phải xác định rõ diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà ở xã hội, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại Khu công nghiệp đó.

Trong trường hợp Khu công nghiệp đang trong giai đoạn hình thành thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc tại Khu công nghiệp đó theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và chuyển giao cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được lựa chọn để triển khai thực hiện dự án.

Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở xã hội được phân bổ một phần hoặc toàn bộ vào giá thành kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp đó.

Trường hợp Khu công nghiệp đã hình thành mà chưa có hoặc chưa đáp ứng đủ nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch (hoặc điều chỉnh quy hoạch) để bổ sung quỹ đất phù hợp phát triển nhà ở xã hội; thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được lựa chọn theo quy định để triển khai thực hiện dự án. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng được trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất để lại cho địa phương.

Còn đối với các Khu công nghiệp chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền được điều chỉnh quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp đó để dành phần diện tích đất phát triển nhà ở xã hội, thiết chế của công đoàn cho công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp theo quy định tại khoản 9 Điều 77 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020.

Vốn vay ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội

Nghị định số 49/2021/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung quy định về mức vốn, lãi suất, thời hạn vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Theo đó, căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong từng thời kỳ do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để cho các đối tượng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay ưu đãi với lãi suất không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ.

Chính phủ sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để cho vay lại đối với tổ chức tín dụng được chỉ định để cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định này.

Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà.

Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Bên cạnh đó, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP bổ sung thủ tục thẩm định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội như sau: Chủ đầu tư trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đến UBND cấp tỉnh nơi có dự án đề nghị tổ chức thẩm định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội.

UBND cấp tỉnh giao Sở Xây dựng hoặc cơ quan có chức năng thẩm định giá thực hiện việc thẩm định.

Trường hợp chủ đầu tư bán lại quỹ nhà ở xã hội sau 05 năm cho thuê thì không phải thẩm định lại giá bán nhà ở xã hội nếu trong phương án giá được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định đã xác định giá bán sau thời gian cho thuê…

Ngoài ra, thời hạn vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên thay vì thời hạn vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên như quy định cũ…

Linh Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load