(Xây dựng) - Các chuyên gia nhận định, với sự phát triển tích cực của nền kinh tế Việt Nam thời gian gần đây, bất động sản khu công nghệ tiếp tục được kỳ vọng sẽ duy trì trong giai đoạn 2020 – 2021. Nhờ vào xu hướng chuyển dịch các nhà máy từ Trung Quốc đến ASEAN, bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm đến thu hút dòng vốn lớn FDI vào Việt Nam…
Bất động sản công nghiệp tiếp tục có triển vọng cao trong vài năm tới. |
Thực tế cho thấy, với sự phát triển của nền công nghiệp Việt Nam và nền công nghiệp phụ trợ ở 4 lĩnh vực gồm: Cơ khí, điện và điện tử, nhựa và cao su, vật liệu. Nhiều cụm công nghiệp lớn đã được thành lập trên toàn quốc.
Sự phát triển của các cụm công nghiệp này đã thúc đẩy nhu cầu về nhà xưởng xây sẵn và nhà kho do quỹ đất khu công nghiệp dần khan hiếm; mang lại hiệu quả về thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư; tối đa hóa việc sử dụng tài nguyên phát triển; sự bền vững trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Theo thống kê của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, nhà xưởng xây sẵn và nhà kho ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao về diện tích nguồn cung trong giai đoạn 2017 – 2019, với mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 16,9% ở khu vực phía Bắc và 13,3% ở khu vực phía Nam. Tổng diện tích nguồn cung nhà xưởng xây sẵn và nhà kho trong năm 2019 đạt gần 3,7 triệu m2, tăng tới 25,2% ở khu vực phía Bắc và 18,9% ở khu vực phía Nam.
Báo cáo từ Công ty Nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam, các khu công nghệ ở các tỉnh xa vùng kinh tế như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Ninh ở phía Bắc và Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu ở phía Nam sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, do có quỹ đất lớn, giá cho thuê đất thấp, cơ sở hạ tầng tốt để kết nối với các tỉnh thuộc vùng kinh tế, kết nối với cảng và đường cao tốc có thể đạt được sự tăng trưởng mạnh hơn về giá và diện tích cho thuê vào năm 2020 so với các tỉnh khác.
Riêng khu vực miền Bắc, đại diện JLL Việt Nam cho rằng, đất khu công nghiệp ở Hải Dương và Bắc Giang với cơ sở hạ tầng tốt về đường cao tốc, cụ thể là đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và Hải Dương – Quảng Ninh và có thể kết nối với cụm cảng Hải Phòng, cũng sẽ đạt được tăng trưởng tốt về giá và diện tích đất khu công nghiệp cho thuê trong năm 2020.
Trong khi đó, Bắc Ninh hiện là một trong các tỉnh có số lượng khu công nghiệp nhiều nhất miền Bắc, điển hình như Tiên Sơn và Yên Phong là 2 khu công nghiệp phát triển năng động nhất tỉnh Bắc Ninh và khu vực phía Bắc.
Như mới đây, dự án khu công nghiệp Yên Phong IIC đã chính thức được khởi công xây dựng, hứa hẹn sẽ nhận được sự tin tưởng và đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…
Đánh giá về tiềm năng phát triển bất động sản công nghiệp năm 2020, các chuyên gia kinh tế nhận định, phân khúc này sẽ là lĩnh vực nóng nhất trong năm 2020 và được đánh giá có nhiều lợi thế, khi Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã được ký kết trong năm 2019.
Việt Nam có cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư FDI từ các hiệp định, trong đó Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam thông qua việc gỡ bỏ 99% thuế quan với hàng hóa.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các cụm, khu công nghiệp của Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, qua đó thúc đẩy nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp trong nước. Thị trường bất động sản sẽ đi vào trật tự và ổn định hơn khi được hưởng lợi từ nhiều yếu tố, từ bối cảnh đến chính sách, bất động sản công nghiệp có nhiều dư địa và cơ hội phát triển…
Linh Đan
Theo