Thứ tư 16/10/2024 14:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng tại Phú Yên

22:49 | 15/10/2024

(Xây dựng) – Mặc dù tỉnh Phú Yên đạt được một số kết quả nhất định trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, tuy nhiên tại Kết luận Thanh tra vừa ban hành, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một số tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý vốn đầu tư công tại tỉnh này trong giai đoạn 2016-2020.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng tại Phú Yên
Một góc thành phố Tuy Hòa.

Theo Kết luận Thanh tra, việc ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh Phú Yên còn chậm, chưa kịp thời gây ảnh hưởng cho việc triển khai thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư; không chỉ đạo triển khai lựa chọn nhà thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2018 theo lộ trình quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLTBKHĐT-BTC của Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính.

Việc phê duyệt và quản lý quy hoạch, tỷ lệ phủ kín các quy hoạch chi tiết chưa cao, chưa đáp ứng cho nhu cầu quản lý đầu tư xây dựng để phát triển kinh tế xã hội; việc lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết một số nơi chưa đảm bảo nguyên tắc, điều kiện, chưa phù hợp quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được duyệt; chưa rà soát điều chỉnh kịp thời về sự chồng chéo giữa các quy hoạch; UBND tỉnh, huyện chưa chú trọng việc bố trí nguồn vốn cho việc lập, phê duyệt quy hoạch trên địa bàn nên tỷ lệ phủ kín còn thấp.

Cũng theo Kết luận Thanh tra, việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm của tỉnh, huyện còn chậm; việc lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch đầu tư chưa chặt chẽ, sát năng lực và điều kiện thực tế địa phương nên phải điều chỉnh bổ sung nhiều lần, kết quả kế hoạch vốn trong kỳ đạt thấp so với kế hoạch ban đầu; nhiều dự án không đủ vốn thi công hoàn thành để phát huy hiệu quả, tạo áp lực cho kế hoạch trung hạn giai đoạn sau, có nguy cơ gây nợ đọng xây dựng cơ bản, công trình thiếu vốn kéo dài, chưa tuân theo quy định Luật Đầu tư công. Cụ thể, có 38 dự án có thời gian bố trí vốn quá quy định theo Điều 52 Luật Đầu tư công với số tiền 439,175 tỷ đồng.

Trong thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, Thanh tra Chính phủ chỉ ra có 18 dự án có mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng được phê duyệt nhưng chưa được triển khai, dừng lại ở bước chuẩn bị đầu tư dự án, gây lãng phí chi phí đầu tư; nhiều công trình chậm hoàn thành để đưa vào sử dụng có nguyên nhân từ việc thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư không chặt chẽ, chưa cân đối được nguồn vốn theo tiến độ dự án.

Nhiều dự án có chất lượng khảo sát, thiết kế, lập phê duyệt hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế bản vẽ thi công còn thấp, phải thay đổi điều chỉnh nhiều lần trong quá trình thực hiện, làm thay đổi đơn giá hợp đồng, tăng chi phí đầu tư…

Trong công tác quyết toán hoàn thành, Thanh tra Chính phủ chỉ ra có 12 dự án chậm hơn 6 tháng, có 12 dự án chậm hơn 24 tháng. Trong đó, có 13 dự án cấp tỉnh quản lý tổng mức đầu tư 1.959,06 tỷ đồng; 11 dự án cấp huyện quản lý tổng mức đầu tư 56,194 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra chưa thu hồi số công nợ 16 dự án 3,677 tỷ đồng bị giảm trừ sau khi phê duyệt quyết toán các dự án, hạng mục công trình theo quy định…

Việc áp dụng tiêu chuẩn, định mức, tính khối lượng, đơn giá; công tác kiểm tra, nghiệm thu, thanh toán chưa đúng quy định pháp luật, xử lý về kinh tế để giảm chi phí đầu tư đối với 12 dự án và một số dự án cấp huyện là 44,417 tỷ đồng (trong đó, giảm trừ nghiệm thu thanh toán 19,381 tỷ đồng, giảm tổng mức đầu tư dự án đường Điện Biên Phủ là 25,036 tỷ đồng).

Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh Phú Yên cần xem xét trách nhiệm liên quan đến 02 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT là dự án đường Điện Biên Phủ, Tuy Hoà và dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai về trình tự, thủ tục, thẩm quyền chưa đúng quy định của pháp luật được nêu trong Kết luận Thanh tra; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, chưa được tập trung tháo gỡ gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư, làm nhiều dự án kéo dài, chưa phát huy hiệu quả đầu tư, làm tăng vốn đầu tư.

Riêng đối với các dự án sử dụng vốn ngoài Nhà nước, việc triển khai thực hiện các dự án đã đăng ký đầu tư quá thấp, tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 2,5%, các dự án ngoài khu kinh tế, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 29%; quá trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp chứng nhận đầu tư còn để xảy ra vi phạm, khuyết điểm, như phê duyệt chủ trương đầu tư dự án không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; không thẩm định năng lực tài chính, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định; chưa xử lý thu hồi chủ trương tư đối với các dự án đầu tư chậm triển khai, nhà đầu tư không có năng lực thực hiện; chưa thực hiện ký quỹ đảm bảo đầu tư với số tiền 125,965 tỷ đồng.

Thu Loan

Theo

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load